Cao su Nghệ An bị ảnh hưởng nặng bởi mưa lũ

CSVN –  Thông tin ban đầu cho biết, số diện tích vườn cây Công ty CP ĐT&PT Cao su Nghệ An bị nước ngập sâu, có nơi cây bị ngập nước sâu trên 2,5m, gồm  296,6 ha, trong đó vườn cây cao su kinh doanh 238,5 ha, vườn cây KTCB 58,1 ha.

Nhà cửa bị nước lũ cuốn.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4 (bão NORU) từ ngày 27/9 -10/10 khu vực Duyên hải Miền Trung nói chung và tỉnh Nghệ An nói riêng, đã xuất hiện mưa to đến rất to, thời gian mưa kéo dài liên tục, lượng mưa trung bình đo được từ 150 đến 200mm, có nơi lên đến trên 300mm, đặc biệt là đêm 28 đến hết ngày 30 tháng 9 năm 2022 lượng mưa lớn kéo dài lịch sử so với hơn 20 năm, đã gây ra lũ lụt lớn trên địa bàn 11 huyện tỉnh Nghệ An trong đó các Nông trường cao su của Công ty đều nằm trong vùng ngập lụt nặng. Mưa lớn gây nên lũ ống lũ quét, sạt lỡ đất đá  gây thiệt hại đến CNLĐ và nhân dân trong vùng, đặc biệt đối với nhiều diện tích cao su và hệ thống cơ sở hạ tầng bị lũ nhấn chìm, gãy đổ.

Mưa lớn và kéo dài dẫn đến nước lũ dâng cao gây sạt lỡ, trôi trượt hàng cây và bật gốc một số vườn cây. Nhiều vườn cây bị gãy đổ, một số hạ tầng như hệ thống giao thông nội bộ bị sạt lỡ, nhất là hệ thống đường đồng mức. Thông tin ban đầu cho biết, số diện tích vườn cây bị nước ngập sâu (có nơi cây bị ngập nước sâu trên 2,5m) bao gồm  296,6 ha, trong đó vườn cây cao su kinh doanh 238,5 ha, vườn cây KTCB 58,1 ha. Trong số 1.516,14 ha khai thác có 8.621 cây đang cho thu hoạch bị ảnh hưởng ngập nước; số cây bị sạt lở, bật gốc, gãy đổ khó có thể khắc phục được là 7.247 cây; Số cây bị ảnh hưởng có thể khắc phục được 1.374 cây. Riêng đối với vườn cây KTCB bị ảnh hưởng, có 9.011 cây bị ảnh hưởng, trong đó: số cây bị sạt lở, bật gốc, gãy đổ không thể khắc phục được 8.618 cây; số cây bị ảnh hưởng có thể  khắc phục được 393 cây.

Cây cao su bật gốc.

Theo báo cáo ban đầu của Công ty cho biết, nhiều tuyến đường bị ngập sâu gây sạt lở mái ta luy, nước lũ chảy xiết làm xói lở hư hỏng mặt đường, làm trôi nhiều cầu, cống, ngầm tràn. Trong đó có 42 vị trí đặt cống bị sạt lở và trôi hoàn toàn. Có 4 cầu bị trôi, hư hỏng mặt cầu, dầm cầu và 7 ngầm tràn bị lũ cuốn mất. Nhiều vật tư trang bị cho vườn cây SX khai thác bị lũ cuốn mất 3.868 cái kiềng, 15.346 chén đựng mủ, 14.126 máng dẫn mủ, 5.970 mái che mưa, 15.532  mái che chén.

Có 73,46 tấn mủ đã khai thác được các hộ công nhân đóng vào bao bì, tập kết ở những sạp, kho tạm trên các các lô khai thác, do mưa liên tục, nước sông dâng nhanh đã bị nước cuốn trôi. Kể cả số mủ công nhân khai thác ( cạo 3 lát) đối với diện tích 238,5 ha bị lũ nhấn chìm, cuốn trôi.

Đường sá hư hỏng

Nắm bắt được tình hình bão số 4 là cơn bão nguy hiểm sẽ đổ bộ vào khu vực Duyên hải miền Trung, lãnh đạo VRG đã chỉ đạo kịp thời cho các đơn vị thành viên tập trung phòng chống bão, bảo vệ an toàn tính mạng đối với công nhân nhân lao động, đồng thời có phương án khi cần thiết phải sơ tán công nhân đến trú tránh nơi an toàn.

Thực hiện sự chỉ đạo trên, Công ty đã sớm triển khai các biện pháp chằng chống kho tàng, nhà cửa, lán trại công nhân, chỉ đạo các Nông trường tổ chức thu gom mủ, vật tư trên vườn cây và phân công lực lượng trực ứng phó với mưa bão 24/24 giờ tại các Nông trường và Văn phòng Công ty.

Hiện tại công ty đang huy động tất cả nguồn lực, tập trung khắc phục thiệt hại.

Tuy nhiên do ảnh hưởng hoàn lưu bão, cường độ mưa quá lớn diễn ra trong thời gian dài, nước sông Giăng, khe suối dâng cao và nhanh đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới vườn cây, tài sản công ty và NLĐ sau bão.Về người, nhờ quán triệt tinh thần 4 tại chỗ, tuyệt đối không một ai được phép rời khỏi đơn vị khi nước khe suối dâng cao, phòng ngừa lũ ống lũ quét. Nhờ vậy không có thiệt hại về người đối với NLĐ.

Nước lũ vẫn đang ở mức cao.

Ông Nguyễn Đình Tuân – TGĐ Công ty cho biết, với sự cố thiệt hại do mưa bão gây ra, đây là tổn thất khá nặng nề đối với công ty và CNLĐ bởi mưa lũ dồn về đang giữa mùa thu hoạch mủ. Để sớm khắc phục, ổn định tình hình, trước mắt công ty huy động toàn lực không kể ngày công, giờ công  trước hết bắt tay sửa chữa lán trại, nhà ở công nhân. Nạo vét bùn lầy trên các tuyến đường nội bộ bị hư hỏng, phát dọn và nâng đỡ số diện tích cây cao su bị ảnh hưởng nhẹ, tiếp tục đưa vào khai thác…

Vận chuyển nhu yếu phẩm cho CNLĐ

Đặc biệt việc cần quan tâm hơn nữa là dọn dẹp vệ sinh môi trường sau bão lũ, nơi ăn ở sinh hoạt của người lao động. Tập trung phun độc, khử trùng, diệt ruồi muỗi bảo vệ sức khỏe công nhân lao động.

Kiểm kê số cây bị thiệt hại.
Công ty đang kiểm tra thiệt hại vườn cây, nhanh chóng khôi phục sản xuất.
ANH BÌNH