Có dịch là xách ba lô đi “trực chiến”

CSVN – Là bác sĩ trẻ công tác tại Khoa Y học cổ truyền – Phụ hồi chức năng, BVĐK Cao su Đồng Nai, bác sĩ Hà Quý Long đã có hơn 1 năm luôn trong tâm thế “ra trận” mỗi khi dịch Covid – 19 bùng phát.

Đội ngũ y bác sĩ BVĐK Cao su Đồng Nai tham gia chống dịch tại BV dã chiến số 8, tỉnh Đồng Nai

Từ đợt dịch đầu tiên bùng phát vào đầu năm 2020, khi có lệnh điều động nhân lực y tế hỗ trợ phòng chống dịch tại địa bàn TP. Long Khánh, tỉnh Đồng Nai, bác sĩ Long tình nguyện đăng ký tham gia, cùng một số anh em trong bệnh viện lập thành một tổ y tế phục vụ công tác phòng chống dịch của TP. Long Khánh cho đến nay.

Chia sẻ về lý do này, anh nói: “Tôi nghĩ đó là trách nhiệm của một công dân, một đoàn viên, một đảng viên trẻ, cũng như là một người hành nghề y. Ban đầu khi biết tin thì mẹ tôi là người phản đối nhiều nhất vì lo lắng sợ tôi bị lây nhiễm, nhưng sau một thời gian giải thích mẹ cũng đồng ý. Nhưng nếu mẹ không đồng ý thì tôi cũng đã tham gia rồi, vì sau khi tôi tham gia phòng chống dịch thì mới báo cho gia đình biết. Bà xã công tác trong ngành y nên cũng thông cảm và hiểu cho quyết định của tôi”.

Nơi làm việc của anh có 20 phòng bệnh với sức chứa 200 bệnh nhân, nhưng chỉ có 3 người (1 bác sĩ và 2 điều dưỡng) thay nhau túc trực. Trong thời gian cao điểm của dịch, hầu như đội ngũ của anh phải túc trực 24/24 để khi bệnh nhân cần thì có thể xử lý ngay. Công việc của anh phụ trách chung từ quản lý hồ sơ, thuốc, vật tư y tế, điều phối công việc cho 2 điều dưỡng trong đội.

Đồng thời, theo dõi sức khỏe hàng ngày cho cả bệnh nhân và lực lượng dân quân phục vụ trong khu cách ly. Khi trong phòng có các ca F1 trở thành F0 hoặc F0 có kết quả âm tính phải nhanh chóng tách phòng, điều động nhân lực y tế phun xịt khử khuẩn.

“Cuộc chiến với dịch Covid – 19 rất cam go và đầy thử thách, chỉ cần lơ là chủ quan là để lại hậu quả khó lường, do đó điện thoại của tôi lúc nào cũng để chuông lớn và luôn đủ pin để hoạt động vào lúc ngày cũng như đêm để liên hệ với các nơi tiếp nhận bệnh nhân” – anh chia sẻ.

Từ đợt đầu bùng dịch cho đến bây giờ, cứ “có dịch” là anh xách ba lô lên và đi. Xác định tham gia “trực chiến” là chưa biết ngày về, là xa gia đình, nhưng đứng trước những ảnh hưởng của dịch bệnh, anh ý thức được phải gác nỗi niềm riêng để vì cái chung trước. Ròng rã hơn 3 tháng trời túc trực tại khu cách ly, khi biết tin bà xã ở nhà phải đi phẫu thuật vì bệnh nặng, anh nhờ gia đình chăm sóc còn bản thân thì trấn an mình phải bình tĩnh để tiếp tục nhiệm vụ.

“Bệnh nhân lại bắt đầu tăng lên, nếu tôi về ngay lúc đó công việc rất khó bàn giao hoàn toàn, nên tôi vẫn ở lại làm việc. Đến khi giám đốc BV biết hoàn cảnh gia đình nên gởi công văn cho Ban điều hành phòng chống dịch Covid – 19 của TP. Long Khánh xin cho về chăm sóc bà xã một thời gian nên tôi được về nhà. Tuy nhiên, căn cứ vào tình hình thực tế nếu dịch còn diễn biến phức tạp thì tôi sẽ tiếp tục tình nguyện tham gia tuyến đầu chống dịch” – anh tâm sự.

HÀ KHUÊ