CSVN – Ngày 14/9, đoàn công tác của Ủy ban Khoa học Công nghệ môi trường Quốc hội do bà Nguyễn Thị Lệ Thủy – Phó Chủ nhiệm Ủy ban làm trưởng đoàn đã đến làm việc với VRG về nội dung giám sát thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15. Theo đó, bà Thủy đề nghị VRG cần phải xây dựng cụ thể chiến lược phát triển khoa học công nghệ (KHCN) để từ đó sử dụng có hiệu quả Quỹ phát triển KHCN.
Quỹ KHCN được thiết lập nhằm khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư KHCN, ứng dụng vào sản xuất kinh doanh đem lại hiệu quả cao. Theo hướng dẫn của Nghị định, Thông tư có liên quan, tùy vào nhu cầu của doanh nghiệp, một số đơn vị thành viên trực thuộc VRG đã thiết lập Quỹ KHCN. Quy chế thu, chi và hạch toán quỹ được các đơn vị thực hiện theo quy định, nhất là bám sát Thông tư liên tịch số 12/2016 giữa Bộ Tài chính và Bộ Khoa học Công nghệ.
Trong giai đoạn 2016 – 2021, các đơn vị thành viên đã trích lập hơn 409,6 tỷ đồng vào Quỹ KHCN và sử dụng Quỹ để chi cho các nội dung: Đầu tư nâng cao hệ thống chất lượng xử lý nước thải góp phần bảo vệ môi trường; đổi mới công nghệ dây chuyền chế biến mủ; nhận chuyển giao công nghệ sản xuất mủ RSS; xây dựng mô hình trồng xen cao su gỗ – mủ…
Trên thực tế, từ trước đến nay các đơn vị thành viên VRG vẫn đầu tư chi phí để phát triển KHCN nhưng sử dụng từ các nguồn khác do có một số vướng mắc trong quá trình hoàn thiện hồ sơ và trích Quỹ KHCN để chi cho các hoạt động. Do vậy, trong giai đoạn 2016 – 2021, các đơn vị chi từ Quỹ KHCN chỉ hơn 67,2 tỷ đồng, chiếm 16,5%/tổng quỹ thiết lập. Ông Đỗ Hữu Phước – Phó TGĐ VRG cho biết: “Việc sử dụng Quỹ KHCN của các đơn vị thành viên còn gặp một số vướng mắc như thủ tục thẩm định và nghiệm thu KHCN tại doanh nghiệp không có hướng dẫn trong nghị định. Một số nội dung theo Thông tư liên tịch số 12 chưa phù hợp với hoạt động đặc thù của VRG nên dẫn đến việc sử dụng Quỹ trong giai đoạn 2016 – 2021 vẫn còn khiêm tốn”.
Để các doanh nghiệp sử dụng hiệu quả Quỹ KHCN, ngày 31/5/2022 Bộ Khoa học Công nghệ đã có Thông tư 05 hướng dẫn sử dụng Quỹ của doanh nghiệp để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Ông Đỗ Hữu Phước cho rằng, trên cơ sở Thông tư 05/2022, các vướng mắc trước đây trong quá trình sử dụng Quỹ KHCN được tháo gỡ hoàn toàn. Với sự ra đời của Thông tư 05, các đơn vị thành viên sẽ sử dụng Quỹ KHCN hiệu quả hơn trong các hoạt động KHCN, nhất là trong hoạt động chuyển đổi số.
Kết luận buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Lệ Thủy đánh giá cao việc các đơn vị trực thuộc VRG đã phối hợp với Sở Khoa học Công nghệ của địa phương để đánh giá, nghiệm thu các đề tài, nghiên cứu khoa học. Bà nhấn mạnh: “Các đơn vị trực thuộc VRG đã thực hiện rất tốt việc chi Quỹ KHCN trong việc mua bản quyền, công nghệ để áp dụng vào sản xuất, sự tham gia tích cực, tham mưu của Sở Khoa học Công nghệ địa phương cũng giúp cho các đơn vị thuận lợi hơn trong việc thực hiện hồ sơ và chi Quỹ KHCN. VRG là doanh nghiệp có lĩnh vực hoạt động đa dạng, do đó tôi đề nghị trong thời gian tới VRG phải có chiến lược phát triển KHCN cụ thể, có định hướng nghiên cứu, có dự kiến KHCN sẽ đóng góp như thế nào vào việc phát triển của VRG để từ đó trích lập và sử dụng Quỹ KHCN hiệu quả để khuyến khích ứng dụng KHCN, đổi mới sáng tạo để nâng cao hiệu quả doanh nghiệp, đóng góp vào ngân sách Nhà nước”.
MINH NHIÊN
Related posts:
- 8 mục tiêu phát triển bền vững trong năm 2019
- Chủ tịch Hội đồng Quản trị VRG Trần Công Kha thăm làm việc với các công ty cao su tỉnh Lai Châu
- Hiệp hội Cao su Việt Nam đẩy mạnh hỗ trợ hội viên
- Cao su Đồng Phú lợi nhuận đạt 4,8 triệu đồng/tấn sản phẩm
- 10 sự kiện nổi bật ngành cao su 2015
- Tân Lập giành giải nhất Hội thi Bàn tay vàng Cao su Đồng Phú
- Hướng dẫn thực hiện thủ tục miễn tiền thuê đất trên cao su tái canh
- Cao su Chư Păh: Thu nhập bình quân trên 4,9 triệu/người/tháng
- Khối Đông Nam bộ 1 thực hiện tốt công tác thi đua
- Cao su Dầu Tiếng diễn tập ứng phó sự cố khẩn cấp