Quà tặng cuối năm

CSVN – Khi những chiếc lá xanh sắp sửa rời cành, lại thêm một mùa cao su rụng lá, tích nhựa sang Xuân. Trong bao lo toan ngổn ngang khi giá mủ vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi, người trồng cao su trăn trở tìm hướng đi “trồng cây gì, nuôi con gì để nâng cao hiệu quả sử dụng đất?”.
Ảnh: Tùng Châu
Ảnh: Tùng Châu

Trong bộn bề khó khăn thường nhật của những ngày cuối năm thì những tin vui dồn dập: Hàng ngàn tấn mủ vượt; các đơn vị cao su ở miền Trung, miền Đông, rồi Tây Nguyên hoàn thành về trước kế hoạch; nhiều mô hình xen canh như: mía, đậu, lúa, nghệ… trên đất cao su có tín hiệu khả quan làm nức lòng người.

Là người công nhân cao su không vui sao được, khi cả năm gắn bó với cây, cả đời gắn bó với nghiệp, bao hy vọng và khát khao đổi phận nghèo từ dòng nhựa trắng chắt chiu! Với các thành quả mà ngành đạt được trong những năm qua, từ sự cần cù vượt khó của người thợ, từ niềm tin đất không phụ lòng người… ta có thể tựa vào thành quả để vững tin, chung thủy với nghề đã chọn.

Nhìn những vạt cao su bạt ngàn, đi dưới trời đêm, bờ vai ướt đẫm sương, những ánh đèn lung linh của người thợ cạo, tiếng nói cười của công nhân, từng giọt mủ tí tách… Tất cả đang chạy đua với thời gian, để ngày mai khi bình minh ló dạng, những chuyến xe đầy mủ sóng sánh sẽ về nhà máy để chế biến, đóng gói sản phẩm, xuất khẩu muôn nơi…

Có ai đó đã từng nói rằng: “Thà thắp lên một ngọn nến nhỏ nhoi còn hơn ngồi nguyền rủa bóng tối”. Vâng, chúng ta đã có lửa, ngọn đuốc soi đường của Phú Riềng đỏ hào hùng, ngành cao su đã có bề dày kinh nhiệm vượt qua những giai đoạn cực kỳ khó khăn nhất.

Và hôm nay đây, hàng ngàn tấn mủ vượt có được từ những giọt mồ hôi rơi, hạnh phúc nở hoa từ những bàn tay chai sạn của người thợ, những nụ cười lạc quan rạng rỡ của người lao động xua tan gian khó… tất cả là món quà dành tặng cho đời, cho nghề và cho mùa Xuân đang xôn xao gõ cửa.

Khôi Nguyên