Giá tăng, cao su xuất khẩu tháng 10 tăng gần 20% về giá trị

CSVN – Không chỉ giá xuất khẩu bình quân tăng, khối lượng cao su xuất sang các thị trường cũng tăng so với cùng kì năm ngoái.
Tác phẩm “Kiểm định cao su” của Nguyễn Văn Sẵng đạt giải Nhì.
Tác phẩm “Kiểm định cao su” của Nguyễn Văn Sẵng đạt giải Nhì.
Tăng gần 19% về trị giá so với tháng 9/2019

Số liệu của Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết theo ước tính, xuất khẩu cao su tháng 10/2019 đạt 180.000 tấn, trị giá 235 triệu USD, tăng 19,3% về lượng và tăng gần 19% về trị giá so với tháng 9/2019, nhưng giảm 1,3% về lượng và giảm 0,5% về trị giá so với cùng kì năm 2018.

Giá xuất khẩu bình quân tháng 10 tăng 0,7% lên mức 1.306 USD/tấn. Lũy kế 10 tháng năm 2019, xuất khẩu cao su đạt gần 1,3 triệu tấn, trị giá 1,75 tỉ USD, tăng 6,6% về lượng và tăng 5,5%. Giá xuất khẩu bình quân giảm 1% xuống còn 1.354 USD/tấn.

Về chủng loại xuất khẩu, trong tháng 9/2019, xuất khẩu cao su SVR 20 tăng mạnh, đạt gần 2.300 tấn, trị giá 3,02 triệu USD, tăng đến 128,5% về lượng và tăng 128,7% về trị giá so với cùng kì năm trước. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu cao su SVR 20 đạt hơn 16.000 nghìn tấn, trị giá 22,18 triệu USD, tăng gần 224% về lượng và tăng gần 212% về trị giá. Ngoài ra một số chủng loại cao su khác cũng tăng mạnh trong tháng 9/2019 như: RSS1 tăng đến 136,6%, Latex tăng 30,8%, SVR CV50 tăng 23,4%…

Trong khi đó, một số chủng loại cao su lại giảm như: SVR 10 giảm gần 60%, RSS3 giảm 18,8%; SVR CV60 giảm 24,2%; cao su tái sinh giảm gần 62%; cao su hỗn hợp giảm hơn 70%; SVR 5 giảm 42,5%.

Trong 9 tháng đầu năm 2019, cao su tổng hợp vẫn đứng đầu về chủng loại cao su xuất khẩu, đạt 548.300 tấn, trị giá 748,44 triệu USD, tăng 3,5% về lượng và tăng  2,7% về trị giá. Cũng theo Bộ Công Thương giá xuất khẩu bình quân của nhiều chủng loại cao su tăng như: cao su tổng hợp tăng 1,4%, SVR tăng 4,5%, Latex tăng 3%; SVR 3L tăng 3,5%, cao su tái sinh tăng gần 30%; cao su hỗn hợp tăng 61,3%…

Các chủng loại cao su có giá giảm gồm: SVR CV60 giảm 1,2%, SVR 5 giảm 0,9%…

Giá tăng nhờ lo ngại nguồn cung thắt chặt

Trong tuần từ ngày 4/11 – 8/11/2019, giá cao su thiên nhiên của tất cả các sàn giao dịch TOCOM, SICOM và MRE tiếp tục tăng. Kết thúc tuần, giá cao su RSS 3 trên Sàn Giao dịch Hàng hóa Tokyo – Nhật Bản (TOCOM) giao tháng 3/2020 là 1.601 USD/tấn, tăng 2,5% so với ngày cuối tuần trước; giá cao su TSR 20 kỳ hạn tháng 12/2019 trên sàn SICOM (Singapore) là 1.351 USD/tấn (+1,8%); giá cao su xuất khẩu SMR 20 của Malaysia do Tổng cục Cao su Malaysia (MRB) công bố ở mức 1.355 USD/tấn (+1,3%); giá SVR 3L xuất khẩu chào bán của Việt Nam ở mức 1.475 USD/ tấn, tăng 1,4% so với cuối tuần trước.

Giá cao su tại tất cả các sàn giao dịch tiếp tục được hỗ trợ do nguồn cung bị thắt chặt sau sự lây lan của dịch nấm lá trên các đồn điền phía Nam Thái Lan và Hội đồng Cao su Quốc tế Ba bên (ITRC) dự báo sản lượng của 3 nước sản xuất cao su thiên nhiên hàng đầu Thái Lan, Indonesia và Malaysia sẽ giảm 800.000 tấn trong năm nay.

Giá cao su trên sàn giao dịch TOCOM trong tuần tăng cao so với 3 tháng gần đây khi các nhà đầu tư kỳ vọng vào một thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc trong tương lai gần. Tại Trung Quốc, sự trì trệ của nền kinh tế có thể khiến Trung Quốc nới lỏng các quy định nghiêm ngặt về môi trường để thúc đẩy tăng trưởng trong ngắn hạn.

Tồn kho cao su thiên nhiên dựa theo chứng từ được theo dõi bởi Sàn giao dịch Tương lai Thượng Hải tăng vọt 17.900 tấn so với tuần trước, trước khi Vân Nam – khu vực trồng cao su lớn nhất Trung Quốc sẽ bắt đầu vào mùa đông vào cuối tháng 11 này.

P.V