CSVN – Năm 2019 là năm diễn ra sự kiện trọng đại kỷ niệm 90 năm truyền thống ngành cao su Việt Nam (28/10/1929 – 28/10/2019). Việc thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng vào đêm 28/10/1929 tại đồn điền cao su Phú Riềng là dấu mốc quan trọng trong công cuộc đấu tranh hào hùng của công nhân cao su nói riêng và toàn dân tộc nói chung. Và ngành cao su vinh dự được chọn ngày này là ngày truyền thống của ngành. Nhằm ôn lại truyền thống hào hùng của ngành qua 90 năm, kể từ số này, Tạp chí Cao su VN mở chuyên mục “Kỷ niệm 90 năm truyền thống ngành cao su Việt Nam (28/10/1929 – 28/10/2019)”, nhằm cung cấp cho bạn đọc những tư liệu lịch sử hào hùng trong phong trào đấu tranh của công nhân cao su qua các thế hệ.
Chính sách khai thác thuộc địa Việt Nam của thực dân Pháp và sự ra đời của Ngành khai thác nông nghiệp với hình thức lập đồn điền.
Từ năm 1858, thực dân Pháp bắt đầu công cuộc đánh chiếm Việt Nam và quá trình đánh chiếm ấy đã kết thúc vào năm 1884 với Hiệp ước Pa-tơ-nôt (Patenôtre). Đối với thực dân Pháp, mục đích đánh chiếm Việt Nam là để biến Việt Nam thành thuộc địa, để rồi khai thác phục vụ cho lợi ích của nước Pháp. Nhưng khai thác thuộc địa này như thế nào? Đó là điều đã từng được tranh cãi nhiều lần trong giới cầm quyền thực dân. Tới những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, qua các cuộc thăm dò, bàn thảo của nhiều chính khách, vấn đề đã được quyết định.
Một chính sách khai thác thuộc địa Đông Dương trong đó có Việt Nam đã được hình thành mà tinh thần cơ bản là: Thuộc địa Đông Dương phải được đặc biệt dành riêng cho thị trường Pháp. Nền sản xuất thuộc địa này chỉ được thu gọn trong việc cung cấp cho chính quốc nguyên liệu hay những vật phẩm gì mà nước Pháp không có. Kỹ nghệ, nếu cần được khuyến khích, thì cũng chỉ trong giới hạn nhằm bổ sung cho công nghiệp chính quốc chứ không được làm tổn hại đến nền công nghiệp chính quốc. Nói cách khác, kỹ nghệ thuộc địa phải được lập ra để sản xuất những gì mà kỹ nghệ nước Pháp không thể sản xuất được, để gửi hàng tới những nơi nào mà hàng hóa của chính quốc không thể gửi tới được.
Chiếm Việt Nam để làm thị trường tiêu thụ hàng hóa, để khai thác tài nguyên, đó là mục tiêu, là “quốc sách” kẻ cướp của tập đoàn thống trị nước Pháp hồi đó, một nước đang chuyển sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa.
Trong toàn bộ chính sách khai thác thuộc địa Việt Nam để vơ vét bóc lột, thực dân Pháp chú trọng nhiều đến ngành nông nghiệp là ngành đầu tư ít vốn mà dễ dàng thu được lợi nhuận, và trong việc khai thác nông nghiệp, chúng chủ trương cướp đoạt ruộng đất để lập các đồn điền trồng lúa và trồng các loại cây công nghiệp dài ngày như cao su, cà phê, chè (trà)…
Với mục tiêu này, ngay từ năm 1888, tức là chỉ 4 năm sau ngày chúng hoàn thành công cuộc đánh chiếm bằng quân sự đối với toàn bộ đất nước ta, toàn quyền Đông Dương đã ra Nghị định cho bọn địa chủ thực dân… được quyền lập các đồn điền ở những vùng mà chúng gọi là “đất vô chủ”. Cái gọi là “đất hoang”, “đất vô chủ” thực ra là những ruộng đất màu mỡ của nông dân mà chúng đuổi đi bằng nhiều cách để chiếm đoạt và việc cướp đoạt ruộng đất này đã diễn ra thật trắng trợn với tốc độ chóng mặt.
(xem tiếp kỳ sau)
CSVN
(trích Lịch sử phong trào công nhân cao su)
Related posts:
- Mời tham gia bình chọn Bài hát truyền thống ngành cao su
- Tuổi trẻ gây quỹ mua cồng chiêng
- Cao su đại điền - Hình thành và phát triển
- 3 trong 1
- Tự trồng hoa cảnh đón Tết
- Một số tiết mục đạt giải "Tiếng hát CN cao su" khu vực 1
- Vì sao Tạp chí Cao su chậm đến tay bạn đọc?
- “Búa liềm vàng”- giải báo chí về xây dựng Đảng
- Nhà truyền thống công nhân Cao su Dầu Tiếng: gìn giữ những hiện vật quý trong quá trình xây dựng và ...
- Hội diễn Khu vực V: Đơn vị nào sẽ tỏa sáng?