Cho yêu thương để nhận lại nụ cười, hạnh phúc

CSVN – Một ổ bánh mì với nhiều người không đáng là bao nhưng với người lao động nghèo đó là cả vấn đề. Vậy nên, chỉ là ổ bánh mì không chả, không thịt, đi kèm chai nước tương, hộp sữa đặc cũng làm ấm lòng biết bao phận người lao động vất vả.

Tủ bánh mì tình thương ấm lòng bao phận người lao động nghèo
San sẻ yêu thương

Một buổi sáng đầu tuần, tôi có mặt tại tủ bánh mì của chị Phạm Ngọc Loan, nằm trên đường Tân Hương, phường Tân Quý, quận Tân Phú, TP.HCM. Chị đang bỏ thêm bánh mì vào chiếc tủ kính có in dòng chữ: “Tủ bánh tình thương”. Cùng lúc, một ông cụ tay cầm xấp vé số, rụt rè bước đến trước tủ, nhận một ổ bánh mì, xé rãnh chiều dọc rồi cho sữa đặc vào, ăn một cách ngon lành. Chị Loan vui vẻ: “Ông ăn cho no, hôm sau lại đến nhé”. Ông cụ cảm ơn, nhanh chóng dùng hết ổ bánh mì và đi bán tiếp.

Nói về cơ duyên với tủ bánh mì tình thương, chị Loan chia sẻ: “Cả năm nay, trước thẩm mỹ viện mình có đặt thùng trà đá miễn phí. Một hôm có cụ già đẩy xe ve chai ghé uống liền mấy ly nước rồi ngồi bệt xuống lề đường. Thấy cụ mệt và uống nhiều nước, nghĩ cụ bị bệnh nên tôi liền chạy ra hỏi thăm. Cụ thú thật do quá đói nên uống liền mấy ly nước cho đỡ đói. Quá thương hoàn cảnh của cụ, tôi suy nghĩ nên làm gì đó và đã quyết định đặt một tủ bánh mì miễn phí để giúp đỡ bà con”.

“Lúc đầu, nhiều người chưa biết đến và còn ngại nên “bị ế”. Nhưng chỉ sau một tuần, lượng người đến lấy tăng lên và đến nay mỗi ngày hết khoảng 200 ổ bánh mì, 5 hộp sữa đặc và 2 chai nước tương. Tuy không phải thức ăn cao sang gì nhưng cũng giúp người lao động nghèo có cái bỏ bụng cho qua cơn đói”, chị Loan cho biết thêm. Anh Nguyễn Văn Nam – một người chạy xe ôm cho biết: “Từ ngày có tủ bánh mì, cứ sáng là mình ghé qua dùng một ổ. Nhờ có bánh mì miễn phí mà mình để dành thêm được một ít tiền mua sách vở cho con chuẩn bị năm học mới”.

Còn với chị bán vé số Nguyễn Thị Tươi: “Thằng con tui rất thích bánh mì sữa, sáng nào hai mẹ con cũng có bữa ăn no mà ngon, lại còn để dành được thêm ít đồng”.

Cho đi và nhận lại

Chị Loan tâm sự: “Mình rất muốn chuẩn bị những món ăn ngon hơn cho mọi người nhưng khả năng tài chính chỉ đến đó. Bánh mì có hơi khô, nhưng nhờ có sữa nên dễ ăn. Nhiều người sau khi ăn xong còn khen ngon làm mình rất vui. Hy vọng dịch bệnh mau hết, thu nhập ổn định trở lại để mình có thể giúp đỡ bà con nhiều hơn”.

Hằng ngày, ngoài công việc chính là quản lý thẩm mỹ viện của mình, chị Loan dành thời gian để lo cho tủ bánh mì đến tận tối muộn. Lắm lúc chị ngồi nhìn dòng xe qua lại, chờ từng người ghé đến, giúp họ lấy bánh, sữa và hỏi han công việc. Vậy nên hầu như vị khách nào chị cũng biết rõ gia cảnh. Có những người khách đặc biệt khó khăn, chị đăng lên mạng xã hội để kêu gọi sự giúp đỡ.

Cũng nhờ sự nhiệt thành và tủ bánh mì tình thương của chị mà mấy ngày gần đây truyền thông dấy lên câu chuyện cổ tích “cô gái xinh đẹp và chú xe ôm nghèo”. Nhờ những chia sẻ lên mạng xã hội của chị Loan mà một cô gái trẻ đã quyên góp được số tiền hơn 40 triệu giúp ông Hải mua xe và điện thoại mới để chạy xe ôm công nghệ nuôi sống gia đình. Riêng chị Loan cũng quyên góp được hơn 10 triệu.

Trưa cuối hè, Sài Gòn nắng như thiêu đốt. Tiếng xe lăn cót két bên lề đường, giọng chị vang lên từ trong nhà át cả tiếng xe qua lại: “Chú Út cứ ngồi trên xe lăn, để con mang ra”. Ông cụ thương binh nhận lấy ổ bánh mì sữa, cám ơn với ánh mắt lấp lánh. Chị Loan vẫn với nụ cười hiền, nhân hậu. Chia tay chị, chúng tôi nhớ như in lời tâm sự rất thật của chị: “Từ ngày có tủ bánh mì, mình chạy ra chạy vào nên đen hẳn ra. Nhưng đó là những giây phút thật ý nghĩa. Cuộc đời này luôn công bằng, cho đi là sẽ được nhận lại, cho yêu thương để nhận lại nụ cười, hạnh phúc”.

ĐÀO PHONG