“Chất lượng đội ngũ thợ giỏi ngày càng cao”

CSVN – Trước thềm Hội thi Bàn tay vàng khai thác mủ cao su – lần thứ XI năm 2018, cùng với việc tổng kết, vinh danh thành viên Câu lạc bộ 2 tấn và các cá nhân đạt danh hiệu “Bàn tay vàng” qua các thời kỳ, ông Trần Ngọc Thuận – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT VRG đã chia sẻ với PV Tạp chí Cao su VN xung quanh phong trào luyện tay nghề thi thợ giỏi, cũng như ý nghĩa của việc gia tăng năng suất vườn cây của VRG trong thời gian qua.
Ông Trần Ngọc Thuận – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT VRG trao thưởng tại Hội thi bàn tay vàng khai thác mủ cao su năm 2016. Ảnh: Tùng Châu.
Ông Trần Ngọc Thuận – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT VRG trao thưởng tại Hội thi bàn tay vàng khai thác mủ cao su năm 2016. Ảnh: Tùng Châu.
  • Nhân dịp vinh danh các “Bàn tay vàng” – thợ giỏi khai thác mủ cao su lần này, xin ông đánh giá về vai trò của đội ngũ thợ giỏi trong phong trào luyện tay nghề thi thợ giỏi của VRG?

Ông Trần Ngọc Thuận: Ngành cao su có nhiều đặc thù, trong đó là phong trào luyện tay nghề thi thợ giỏi đã được thực hiện xuyên suốt trong thời gian qua. Phong trào này được nhân rộng và đã vượt ra phạm vi quốc tế. Cụ thể là những nơi VRG đang trồng cao su như Lào, Campuchia, thậm chí các nước quan tâm rất lớn và đã tham quan học hỏi phong trào luyện tay nghề thi thợ giỏi của VRG.

Trong đợt vinh danh các “Bàn tay vàng” – thợ giỏi khai thác mủ cao su lần này, VRG có 50 thợ giỏi được vinh danh ở cấp ngành. Có thể khẳng định, qua phong trào luyện tay nghề thi thợ giỏi, không những chúng ta có một cuộc đua rất trong sáng, lành mạnh, mà còn có động lực, vì kết quả giải thưởng đi theo có cả vật chất và tinh thần. Quan trọng hơn, chúng ta đã duy trì được một đội ngũ thợ giỏi là hạt nhân trong các phong trào lao động sản xuất và chính họ là một trong những nhân tố làm cho hàng chục ngàn người công nhân khai thác trên các vườn cây có sự nỗ lực và cố gắng, thậm chí có sự vươn lên để đạt thợ giỏi ở cấp cao hơn. Đây là phong trào rất có ý nghĩa và thực sự đã mang lại hiệu ứng và hiệu quả rất tốt trong công tác quản lý của ngành cao su trong nhiều năm.

Nhân dịp này, tôi xin biểu dương, khen ngợi, những công ty, đơn vị đã duy trì tốt phong trào và đạt kết quả cao trong các kỳ thi do VRG tổ chức. Tôi tin tưởng chắc chắn chất lượng của đội ngũ thợ giỏi mỗi ngày một cao.

  • Xin ông cho biết việc ra đời Câu lạc bộ (CLB) 2 tấn của VRG cho đến nay có ý nghĩa như thế nào trong việc đóng góp vào hoạt động SXKD của Tập đoàn?

Ông Trần Ngọc Thuận: Một trong 5 ngành nghề mà Thủ tướng Chính phủ quyết định cho VRG đầu tư thì ngành chính, truyền thống vẫn là trồng và phát triển cao su trong nước và nước ngoài. Với quy mô VRG đang quản lý trên 410.000 ha, VRG đã có nhiều chủ trương, nhiều giải pháp và có nhiều sáng kiến trong công tác quản lý mang lại hiệu quả trong quá trình phát triển ngành cao su. Đó là quy trình kỹ thuật thường xuyên được bổ sung sửa đổi, các quy chế, quy định trong lĩnh vực chuyên môn, các sáng kiến, cải tiến và kể cả đội ngũ cán bộ kỹ thuật đã thường xuyên thực hiện tốt nhiệm vụ của mình. Bên cạnh đó là những chủ trương, sáng kiến trong công tác quản lý. Lãnh đạo VRG đánh giá rất cao một trong những chủ trương đó là việc hình thành CLB 2 tấn.

Từ năm 2004, VRG bắt đầu xem xét và bình chọn CLB 2 tấn và đến năm 2007 có quy chế chính thức về CLB 2 tấn cấp công ty và cấp nông trường. Nếu như năm 2007, VRG có 10 công ty và 58 nông trường đạt danh hiệu CLB 2 tấn, thì đến nay, VRG đã có 16 công ty và 98 nông trường đạt danh hiệu CLB 2 tấn. Đặc biệt, có nhiều đơn vị cấp công ty đã liên tục từ 11 – 12 năm liên tục nằm trong CLB 2 tấn, tiêu biểu là các công ty Đông Nam bộ. Có những nông trường liên tục 14 năm đạt danh hiệu CLB 2 tấn, điển hình ở Bình Long, Phước Hòa, Lộc Ninh.

Sự ra đời của CLB 2 tấn mang ý nghĩa quan trọng, đây là CLB tập hợp các nông trường, đơn vị tiêu biểu, xuất sắc, có vườn cây đạt năng suất cao, chất lượng tốt. CLB mang một sứ mệnh đặc biệt là biểu dương, tôn vinh những tập thể, cá nhân có thành tích đóng góp xứng đáng trong công tác quản lý, tổ chức sản xuất, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa công việc nhằm không ngừng tăng năng suất vườn cây năm sau luôn cao hơn năm trước.

Chúng ta có thể thấy CLB 2 tấn là chủ trương về mặt quản lý nhưng hiệu quả mang lại rất lớn. Với diện tích lớn VRG đang quản lý, nếu năng suất vườn cây không cao sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng đất, thu nhập của CNVC – LĐ và tăng trưởng của doanh nghiệp cũng bị chậm lại. Do vậy, chủ trương hình thành và duy trì CLB 2 tấn đến thời điểm hiện nay, lãnh đạo VRG đánh giá hoàn toàn đúng đắn và tiếp tục được phát huy, đẩy mạnh trong thời gian tới.

Đặc biệt, không chỉ là CLB 2 tấn, mà hiện nay có nhiều công ty, nông trường, đội tổ đã đạt năng suất rất cao, trên 3 tấn, thậm chí là 3,2 tấn, góp phần rất lớn vào kết quả SXKD của từng đơn vị nói riêng và VRG nói chung. Với những kết quả mà VRG đạt được từ năm 2004 đến nay, rất mong các đơn vị tiếp tục nỗ lực cố gắng trồng mới – chăm sóc – quản lý – khai thác tốt, để vườn cây luôn đạt năng suất bình quân cao nhất thế giới.

Xin ông cho biết định hướng sắp tới trong việc gia tăng năng suất vườn cây của VRG?

Ông Trần Ngọc Thuận: Việc nâng cao năng suất, sản luợng vườn cây là một trong những mục tiêu rất lớn VRG đã đang và tiếp tục thực hiện trong thời gian tới. Tôi tin tưởng vào tiềm lực của VRG, đó là kinh nghiệm quản lý, có đội ngũ lãnh đạo và cán bộ kỹ thuật kinh nghiệm, thậm chí còn có cả Viện Nghiên cứu, các nhà khoa học lớn trong lĩnh vực cao su và mối quan hệ, vị thế của VRG ở quốc tế.

Để gia tăng năng suất vườn cây, trước hết về mặt kỹ thuật, VRG đã có những quy trình, bộ giống phù hợp với từng vùng miền, thậm chí là từng công ty đều có hệ thống quản lý rất tốt, rất đặc thù để làm sao phù hợp nhất, nâng cao hiệu quả tốt nhất tại từng đơn vị. Điều VRG đặc biệt chú trọng là công tác giống.Tiếp theo là đến quy trình chăm sóc, VRG đã có những cải tiến về kỹ thuật, kể cả phân bón cho rễ, phân bón cho lá… chế độ chăm sóc đặc biệt cho một số vùng. Trong quá trình quản lý, tổ chức sản xuất, mỗi nơi đều có chủ trương, quyết sách phù hợp.

Cuối cùng, tôi nghĩ không có gì hơn là yếu tố con người, chúng ta làm cao su thì phải có tâm huyết và phải có đam mê thì chúng ta mới làm cho cây cao su phát triển như chúng ta mong muốn.

Tôi rất tin tưởng vào hệ thống quản lý kỹ thuật của VRG hiện nay. Tôi xin biểu dương những đơn vị đã làm tốt, nâng cao hiệu quả SXKD xuyên suốt trong nhiều năm qua và cũng lưu ý những đơn vị năng suất, hiệu quả vườn cây thấp phải nỗ lực phấn đấu và có những giải pháp đồng bộ hơn nữa để nâng cao hiệu quả như chủ trương VRG đã đề ra.

  • Trân trọng cảm ơn ông!

TRẦN HUỲNH (thực hiện)