CSVN – Với doanh thu gần 50% so với tổng doanh thu toàn Tập đoàn, năm 2016 các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực chế biến gỗ trực thuộc VRG tiếp tục thu được nhiều thắng lợi. Điều đó không chỉ thể hiện qua các chỉ số về doanh thu, lợi nhuận mà còn khẳng định rõ ở chiến lược phát triển của từng đơn vị như mở rộng dây chuyền sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm và thị trường tiêu thụ…
Quy mô gỗ MDF được mở rộng
Ông Lê Xuân Hòe – Phó TGĐ VRG đánh giá, năm 2016, toàn Tập đoàn có 13 công ty gỗ, trong đó có 3 đơn vị hoạt động trong lĩnh vực chế biến gỗ MDF. Doanh thu của tất cả đơn vị gỗ trong năm nay khoảng 4.700 tỷ đồng, chiếm gần 50% tổng doanh thu toàn Tập đoàn. Chính nhờ doanh thu lợi nhuận từ sản phẩm gỗ nên mặc dù giá cao su xuống thấp nhưng VRG vẫn đảm bảo được các chỉ tiêu về kinh tế. “Chúng tôi cho rằng, tính đến thời điểm này, việc đẩy mạnh phát triển ngành gỗ là đúng đắn và sẽ tiếp tục duy trì phát triển cho tương xứng với tiềm năng của VRG”, ông Lê Xuân Hòe khẳng định.
Đơn cử như Công ty CP Gỗ MDF Geruco – Quảng Trị, với việc đưa dây chuyền 2 có công suất 120.000 m3 sản phẩm/năm tại Khu công nghiệp Quán Ngang, tỉnh Quảng Trị vào sản xuất, không chỉ nâng công suất toàn công ty mà còn khẳng định hướng đi đúng đắn trong việc thực hiện đa dạng hóa sản phẩm. Sản phẩm chính của nhà máy là ván MDF có độ dày 2,5 mm – 08 mm và độ dày 10 mm – 32 mm phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.
Với bề dày trong kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh gỗ, cộng với việc đưa dây chuyền 2 vào sản xuất, năm 2016 Công ty đã chủ động vượt qua khó khăn hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra. Theo đó, năm nay sản lượng sản xuất Công ty thực hiện là 126.417 m3, tiêu thụ 115.000 m3, tổng doanh thu 596 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 21,5 tỷ đồng, thu nhập bình quân trên 7,5 triệu đồng/người/tháng.
Cũng trong lĩnh vực chế biến gỗ MDF, Công ty CP gỗ MDF VRG Dongwha – Đơn vị có công suất lớn nhất khu vực Châu Á với 300.000 m3/năm đã từng bước khẳng định được vị thế của mình trên thị trường thế giới với tỷ lệ xuất khẩu khá cao. Dự kiến hết năm 2016, tổng khối lượng sản xuất của Công ty đạt 393.000 m3 sản phẩm, tổng doanh thu trên 2.124 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 700 tỷ đồng, đạt 102% kế hoạch/năm; nộp ngân sách Nhà nước 190 tỷ đồng; thu nhập bình quân 19,7 triệu đồng/người/tháng.
Để mở rộng sản xuất cũng như đa dạng hóa chủng loại sản phẩm phục vụ khách hàng, hiện nay Công ty CP Gỗ MDF VRG Dongwha đang hoàn tất các công đoạn cuối cùng để đưa dây chuyền 2 có công suất thiết kế 180.000 m3 sản phẩm/năm vào sản xuất trong tháng 2/2017. Như vậy, khi dây chuyền này đi vào hoạt động sẽ nâng tổng công suất thiết kế của Công ty CP Gỗ MDF VRG Dongwha lên 480.000 m3 sản phẩm/năm.
Năm 2016, cũng là năm Công ty CP gỗ MDF VRG Kiên Giang đã đưa nhà máy chế biến gỗ vào sản xuất sau gần 2 năm xây dựng. Theo đó, ngày 14/3/2016 dự án đã được khánh thành. Tấm ván đầu tiên của nhà máy được sản xuất vào ngày 7/4/2016. Nhà máy hoạt động theo công nghệ ép liên tục – công nghệ tiên tiến được chuyển giao từ Cộng hòa Liên bang Đức. Đây cũng là công nghệ đầầu tiên trên thế giới sản xuất ván MDF từ nguyên liệu gỗ tràm nước.
Uy tín sản phẩm gỗ tinh chế trên thị trường quốc tế được khẳng định
Trong lĩnh vực sản xuất các sản phẩm tinh chế, Công ty CP Chế biến gỗ Thuận An là một điểm sáng của VRG. Với bề dày kinh nghiệm của mình trong lĩnh vực này, năm 2016, Công ty CP Chế biến gỗ Thuận An một lần nữa khẳng định được vị thế của mình chủ động vượt qua khó khăn hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch, về đích sớm 31 ngày so với kế hoạch đề ra. Đây là năm thứ 3 liên tiếp Công ty về trước kế hoạch. Và theo tính toán của lãnh đạo Công ty, tính hết năm 2016, sản lượng đồ gỗ tinh chế là 6.036 m3, đạt 107,2% so với kế hoạch; tổng doanh thu 497,076 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 14,461 tỷ đồng.
Hiện nay, sản phẩm đồ gỗ xuất khẩu của Công ty đã nhiều năm liền cạnh tranh được về mặt chất lượng sản phẩm với các nước ASEAN như Indonesia, Malaysia, Thái Lan… và trên thị trường Châu Âu, Mỹ… Đây là 2 thị trường khó tính nhưng có tính ổn định cao và là thị trường truyền thống của Công ty trong các năm qua. Sản phẩm đồ gỗ của Công ty đã tạo được uy tín và có nhiều bạn hàng gắn bó lâu dài, hợp tác mở rộng thị trường, giúp đầu tư máy móc thiết bị hiện đại và đảm bảo nhu cầu tiêu thụ sản phẩm với số lượng lớn và tăng trưởng liên tục.
Tại lễ mừng công hoàn thành kế hoạch, Phó TGĐ VRG Lê Xuân Hòe đánh giá: “Thuận An là đơn vị đứng đầu của tập đoàn trong lĩnh vực tinh chế đồ gỗ. Đây là điểm sáng để các đơn vị khác kinh doanh trong lĩnh vực này theo đuổi. Trong thời gian tới, gỗ Thuận An cần phải phát huy thế mạnh của mình để cho việc phát triển sản phẩm gỗ tinh chế đúng như kế hoạch của Tập đoàn nhằm khẳng định là cánh chim đầu đàn của ngành gỗ tinh chế của VRG”.
Mặc dù đang trong thời kỳ tái cơ cấu tổ chức hoạt động sản xuất và đang gặp nhiều khó khăn, về nguồn nguyên liệu, chuyên môn, kỹ thuật và tay nghề công nhân nhưng trong năm 2016, tổng sản lượng sản xuất gỗ các loại của Công ty Cổ phần gỗ Đồng Phú đạt 10.700 m3, tổng doanh thu 161,6 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 3,7 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 12,4 tỷ đồng, thu nhập bình quân hơn 5,4 triệu đồng/người/tháng.
Ng.Cường
Related posts:
- VRG phấn đấu lợi nhuận năm 2023 đạt 4.855 tỷ đồng
- Binh đoàn 15: Lợi nhuận 2020 đạt trên 267% kế hoạch
- Cao su Kon Tum hoàn thành kế hoạch trước 41 ngày
- Các công ty tại Campuchia đã nỗ lực vươn lên trong điều kiện khó khăn
- Khối thi đua nông nghiệp Gia Lai chi gần 8 tỷ đồng thực hiện công tác an sinh xã hội
- Nâng cao hiệu quả hoạt động và huy động nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước
- Đảng ủy VRG thực hiện hiệu quả ký kết quy chế phối hợp với các tỉnh ủy
- Đảng bộ VRG phát huy tốt vai trò lãnh đạo đưa Tập đoàn vượt qua khó khăn
- Công đoàn Cao su Việt Nam hỗ trợ công nhân mắc bệnh hiểm nghèo
- Công bố ra mắt sách lịch sử "Công ty Cao su Đồng Nai - Hành trình xuyên thế kỷ: Những dấu ấn và giá ...