Cao su Điện Biên chú trọng đào tạo tay nghề khai thác

CSVN – Với bà con nông dân tỉnh Điện Biên, cạo mủ cao su là một nghề mới nên để đáp ứng đủ lao động trong công tác khai thác, Công ty CPCS Điện Biên đã chú trọng đào tạo tay nghề, ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của mùa cạo.
Công nhân Nông trường Cao su Điện Biên (Công ty Cổ phần Cao su Điện Biên) thiết kế miệng cạo
Công nhân Nông trường Cao su Điện Biên (Công ty Cổ phần Cao su Điện Biên) thiết kế miệng cạo
Toàn bộ diện tích cạo D4

Ông Phan Văn Lợi, TGĐ Công ty CPCS Điện Biên cho biết, theo kế hoạch công ty sẽ mở cạo 615 ha cao su trên địa bàn huyện Điện Biên nhưng trong năm 2017 công ty đưa được gần 700 ha vườn cây tại các huyện Điện Biên, Mường Ảng và Mường Chà vào khai thác. Số diện tích này cần khoảng 200 lao động có tay nghề cạo mủ cao su.

Chuẩn bị cho việc khai thác mủ cao su đảm bảo các điều kiện kỹ thuật, trong năm 2016 và những tháng đầu năm 2017, công  ty chủ động phối hợp với Viện Nghiên cứu CSVN mở các lớp đào tạo nghề cạo mủ cao su cho 230 lao động. Kế hoạch từ nay đến cuối năm 2017 sẽ tiếp tục đào tạo nghề cho khoảng 130 lao động để đáp ứng tiến độ mở cạo mới.

Hiện công ty bắt đầu mở miệng cạo xả mủ để chuẩn bị cho việc khai thác đại trà trong tháng 5. Toàn bộ diện tích mở cạo đồng loạt theo phương pháp cạo D4 (4 ngày cạo 1 lần), tuy giảm được lao động so với phương pháp cạo truyền thống D3 (3 ngày cạo 1 lần) nhưng cũng cần tới gần 200 lao động chuyên cạo mủ. Tham gia học nghề trong vùng phát triển cao su chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông, Thái.

Anh Phan Xuân Phương, Đội trưởng Đội 1 cao su xã Mường Pồn, NT Điện Biên, cho biết, diện tích vườn cây đội quản lý đưa vào khai thác trong năm 2017 là 200 ha, trong đó, hơn 4 ha đã đưa vào mở cạo thí điểm năm 2016. Để đảm bảo kỹ thuật cạo mủ, hơn 50 lao động thời vụ và hộ dân nhận khoán vườn cây, công nhân của đội đã được đào tạo nghề cạo mủ cao su. Thực hành chiếm phần lớn thời gian trong quá trình đào tạo, học viên được áp dụng kiến thức, kỹ năng trên chính vườn cây nên đến nay đã khá thành thạo khi tiến hành cạo xả mủ.

 Cần sự hỗ trợ từ địa phương để đáp ứng đủ lao động có  tay nghề

Thời gian cạo mủ trong ngày bắt đầu từ 4 giờ và kết thúc vào 7 giờ sáng. Để tăng thu nhập cho người lao động, công nhân được bố trí làm việc phù hợp tại đội sản xuất, còn các hộ nhận khoán, lao động thời vụ vẫn  có thời gian tăng gia sản xuất, chăn nuôi mà không ảnh hưởng đến thời gian cạo mủ.

Công nhân Nông trường Cao su Điện Biên (Công ty CPCS Điện Biên) cạo mủ cao su
Công nhân Nông trường Cao su Điện Biên (Công ty CPCS Điện Biên) cạo mủ cao su

Tại xã Mường Pồn và Thanh Nưa (huyện Điện Biên), vườn cây đưa vào khai thác tập trung hơn 600 ha, số lượng lớn người dân (trên 60 lao động) xin vào cạo mủ cao su. Với chính quyền địa phương, khi cây cao su đưa vào khai thác mủ là cơ hội thuận lợi để giải quyết khó khăn bấy lâu về vấn đề việc làm cho người lao động. Song về phía công ty dù thiếu nhưng chưa thể nhận  người bởi số lao động này chưa qua đào tạo nghề kỹ thuật cạo mủ cao su. Theo quy định, chỉ khi họ được cơ quan đào tạo cấp chứng chỉ mới đủ điều kiện để ký hợp đồng với công ty khai thác mủ.

Ông Phan Văn Lợi khẳng định, giải quyết việc làm cho lao động trong vùng dự án luôn là một trong những nhiệm vụ mà doanh nghiệp quan tâm thực hiện. Công ty sẵn sàng “đặt hàng” lao động đảm bảo yêu cầu tuyển dụng từ các đơn vị đào tạo trên địa bàn tỉnh. Điều đó vừa giúp đơn vị giảm gánh nặng về chi phí đào tạo, học viên được học bài bản cả lý thuyết tại các cơ sở đào tạo và thời gian thực  hành trực tiếp trên các vườn cao su để nâng cao tay nghề. Công ty sẽ nhận vào làm việc ngay sau khi nhận chứng chỉ đào tạo nghề kỹ thuật cạo mủ, chế biến mủ cao su…

Gia Kiệt