CSVN – Tháng Tám về, ông trời mưa rả rích. Những dòng nhựa trắng sau cơn mưa ánh lên niềm vui của người lao động. Mẹ tôi tay xách thùng đi trút mủ cao su, từng hạt nước còn vương trên lá cây rơi xuống thấm màu áo xanh.
Tôi thương mẹ một mình giữa lô cao su vắng lặng. Cây cao su từ rất lâu đã hóa thân vào mẹ, vào gia đình tôi. Ông bà ngoại tôi làm công nhân cao su cạo mủ từ khi còn tỉnh Sông Bé. Rồi đến mẹ tôi cũng có gần 20 năm gắn bó với thứ cây “vàng trắng” thân yêu, thắm thiết này.
Mẹ làm xa nhà. Từ thôn Phú Nguyên, xã Phú Riềng, huyện Phú Riềng (tỉnh Bình Phước) đến lô cao su mẹ nhận cạo chừng 8 cây số. Ngoài buổi học, tôi tranh thủ chạy xe đạp điện đến nơi mẹ làm. Đôi khi phụ mẹ lấy thùng đi trút mủ cao su, không thì đi với mẹ bóc mủ dây, mủ chén. Mẹ khen con gái 14 tuổi đã biết lo cho mẹ. Mẹ nói nhưng đôi mắt đượm buồn.
Chị em tôi lớn lên trong tình thương của mẹ, trong mùi mủ cao su ngai ngái nghĩa tình. Đêm hai đứa nằm hai bên, mẹ nằm giữa. Mùi mủ cao su như có từ thân thể mẹ lan tỏa trong phòng. Mùi mủ ấy nuôi nấng chúng tôi lớn khôn mỗi ngày. Năm nay tôi vào lớp 9, còn em trai tôi vào lớp 6. Khi còn học lớp 8, những buổi đi học về, tôi dặn em trai mình khóa cửa trong rồi chạy xe đạp đến lô phụ mẹ. Có lần mẹ thấy tôi xách thùng mủ vai trệ một bên. Mẹ chạy lại, cấm tôi không làm phụ mẹ nữa. Lần đó mẹ khóc ôm tôi vào lòng. Tôi vùi mặt mình vào ngực mẹ. Ôi, mùi cao su lẫn mồ hôi của mẹ chảy vào tim tôi, vào từng đêm thao thức…
Mẹ dậy đi cạo mủ, tôi cũng không tài nào chợp mắt thêm được. Mẹ đi rồi, tôi bước ra sân đứng dưới màn sương se lạnh. Nơi mẹ làm ở mãi tận xã Thuận Lợi, huyện Đồng Phú (tỉnh Bình Phước). Một mình mẹ gồng gánh nuôi hai chị em chúng tôi và bà ngoại tật nguyền. Nhìn dòng nhựa cao su mỏng mảnh từ thân cây sần sùi căng xuống chảy đầy chén. Tôi liên tưởng cây cũng như người thăng trầm, ngọt đắng đủ điều.
– Em trông nhà, chị xuống phụ mẹ đây…! Ở nhà lấy bài vở ra ôn học nghe chưa? Đừng bỏ nhà đi chơi… mẹ buồn.
14 tuổi, tôi đã già dặn ra dáng chị Hai dặn dò em và biết lo lắng gia đình, còn lo phụ mẹ. Em trai tôi còn nhỏ cũng nhận ra điều đó.
Ba mẹ tôi không ăn ở với nhau khi tôi còn học cấp một. Ba tôi làm thầu xây dựng. Không biết trong làm ăn dính dấp bên ngoài thế nào, mà ông ra đi để lại cho mẹ tôi một khoản nợ lớn. Mẹ giấu chuyện và gánh trả nợ của ba để lại. Mẹ nhận thêm phần cạo mủ cao su của tư nhân. Từ 1 giờ sáng mẹ đã thức dậy đi cạo mủ đến 5 giờ sáng. Sáng về chưa kịp nghỉ mẹ đã đi làm cạo mủ cho nông trường. Liên tục cả ngày lẫn đêm mẹ tôi lao động gần 12 giờ. Mẹ làm như vậy suốt mấy tháng trời để có tiền trả nợ cho ba. 40 tuổi, tóc mẹ đã nhiều sợi trắng. Chị em tôi thương mẹ vô cùng. Cho tới bây giờ, tôi vẫn không hình dung hết chặng đường chông gai mà mẹ trải qua. Mẹ sinh năm 1983 nhằm tuổi Quý Hợi, ai cũng nói tuổi đó sướng, riêng mẹ tôi luôn lâm cảnh éo le bất hạnh.
Mẹ kể: Năm 2000, mẹ tốt nghiệp phổ thông trung học rồi sau đó thi đậu Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, tại Thành phố Hồ Chí Minh. Cuộc đời mẹ ngỡ đã bước sang trang mới, khi ông bà ngoại từng gắn bó cây cao su gần nửa đời người. Thượng đế vốn không mỉm cười với mẹ, ngày chuẩn bị nhập học, bà ngoại tôi bị tai nạn giao thông nặng. Bà nằm ở bệnh viện tỉnh rồi chuyến tiếp lên thành phố điều trị vết thương suốt mấy tháng liền. Hôm đó bà ngoại đi cạo mủ cao su về thì bị một thanh niên chạy xe máy ngược chiều đâm trúng. Cú va mạnh làm bà ngã đập xuống lề đường. Gót bàn chân phải của bà ngoại tôi bị dập, một mắt cá bị bể lòi ra ngoài.
Ước mơ vào đại học của mẹ tôi chợt tắt từ đó. Mẹ trở thành công nhân cao su cạo mủ như ông bà ngoại. Mẹ từng nói “Ở Bình Phước yêu thương trong tình người còn có cả tình cây, tình đất…”. Tôi ngẫm nghĩ mẹ nói rất đúng. Đời sống công nhân, cả người dân lao động và hầu hết trên địa bàn tỉnh Bình Phước nói riêng trồng cây cao su làm cây kinh tế trọng điểm. Cây cao su còn biểu hiện ưu thế của một tỉnh thuần túy “nông, công nghiệp xanh” phát triển toàn phần. Nhiều công ty cao su, nhà máy chế biến mủ đã, đang thu hút hàng vạn lao động trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp tư nhân trồng, khai thác nhựa cao su cũng đã tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. Chính vì đó mà mỗi khi trời giông bão, nhìn từng hàng cao su vật vả nghiêng theo chiều gió, lòng mẹ tôi rối bời lo lắng.
Trưa nay nấu cơm xong chị em tôi đợi mẹ về ăn, tới trưa vẫn không thấy mẹ về. Tôi linh cảm như có điều không lành. Dẫn xe đạp điện ra khỏi cổng, tôi ngoái mặt vào nhà dặn em ở nhà nhớ khóa cửa cẩn thận, thời gian gần đây đã có kẻ bắt cóc trẻ em. Căn dặn em trai xong, tôi mở khóa vù xe chạy về nơi làm tìm mẹ. Mẹ ơi! Tôi vừa chạy vừa thầm gọi mẹ. Thoáng ánh mắt mẹ cười sau từng dãy cao su… Vừa đến vòng xoay gặp cô công nhân cùng chung tổ với mẹ cho biết: “Mẹ con vừa bị tai nạn các cô chú đã đưa mẹ vào bệnh viện công ty cấp cứu rồi”. Tôi hốt hoảng quay xe vào bệnh viện và thấy mình có lỗi với mẹ. Vì chúng con mẹ vất vả sớm hôm. Mẹ làm không ngơi nghỉ!
Mẹ nằm đó, trên mặt và mí mắt rách nhiều chỗ. Tôi lao vào ôm mẹ, khóc òa…! “Không sao đâu con, vết thương phần ngoài thôi. Chỉ tại mẹ mệt chạy xe không vững, nên bánh trước cấn lên cục đá làm mẹ té. Thế con và em cơm nước gì chưa?”. “Chúng con đợi mẹ về ăn cơm luôn…!”. Mẹ chống tay ngồi dậy ôm tôi. Nước mắt mẹ thấm lên áo tôi, tỏa lên mùi cao su ngai ngái từ chiếc áo công nhân màu xanh lá cây mẹ mặc. Trong đó có cả mùi mồ hôi lẫn vị máu mặn chát từ trên các vết thương ở mặt mẹ nhỏ xuống thấm vào con, ngấm vào cuộc đời của chúng con, để lưu lại ký ức năm tháng về mẹ.
NGUYỄN DUY HIẾN
(Đồng Xoài – Bình Phước)
Related posts:
- “Giọng hát vàng” ngành cao su
- Bữa cơm ấm áp
- Cây cao su ở Phú Nhuận – Sài Gòn
- "Ca sĩ" cao su sao chưa tham gia "Tiếng hát mãi xanh"?
- Trở về với đại ngàn
- Thời kỳ vàng son nhờ kế hoạch Stevenson
- Cao su Chư Prông: Tổ chức giải bóng đá mừng ngày doanh nhân
- Để bài hát truyền thống thực sự xứng tầm
- Lan tỏa tình yêu với sách
- Về thăm làng nghề thổ cẩm