Chúc tết năm mèo

Cùng nhau phấn khởi đón năm mèo

Chúc để mọi nhà thoát vận eo

Đô thị đầu tầu tăng sức kéo

Nông thôn cứ địa cắt đuôi nghèo

Đồng lương thu nhập không còn hẻo

Dự án thông dòng hết bị treo

Cổ phiếu lên đều thôi ngoặt ngoẹo

Chỉ tiêu kế hoạch vượt nhanh…vèo

ĐỖ VĂN TÂN
Thợ cạo và gác lửa

Mùng ba Tết Quý Mão tới lượt tôi, nhỏ Lan, nhỏ Hồng, thằng Tèo đi gác lửa lô cao su. Buổi sáng trước khi đi chúng tôi không quên phân công nhau đem bánh tét, củ kiệu, lạp xưởng và cái chảo để chiên lạp xưởng… Đặc biệt, là phải có bộ bài để khi xáp lại ngồi nghỉ ngơi, ăn uống, thì đánh vài ván tú lơ khơ giải trí cho vui.Tết mà!

Giờ nghỉ trưa, chúng tôi bốn người tụ lại ăn uống no nê. Thằng Tèo lấy bộ bài ra, nhỏ Lan úp cái chảo vừa chiên lạp xưởng xuống đất. Chúng tôi chơi tú lơ khơ quẹt lọ nghẹ. Tôi mặt béo, nên được vẽ thành con heo; nhỏ Lan mặt nhỏ được vẽ thành con chuột chù; thằng Tèo cái trán rộng cùng với khuôn mặt to bự được vẽ thành con hổ; nhỏ Hồng mặt tròn được vẽ thành con mèo.

Đang chơi hào hứng thì tiếng bác Tám phu công – tra gọi vọng ra:

– Bác cúng mùng ba xong rồi, vô lẹ lên nghen bây!

Chúng tôi thu xếp đồ đạc, có mặt tại nhà bác. Bác đã dọn sẵn con gà xé phay, bắp cải, rổ rau, nước mắm chua cay trên bàn. Bác cháu ăn uống, đưa cay tí chút rượu Xuân. Tết mà!

 Thấy bác cười hoài. Hỏi sao bác vui, bác mới nói:

– Nhìn bây bác mới nhớ chuyện này. Bác kể bây nghe, năm đó, cận Tết đoàn Mãi Võ Sơn Đông về quảng cáo bán thuốc, rồi biểu diễn võ thuật, xiếc ăn than đỏ, nuốt lửa… đủ kiểu. Mọi người đến xem vỗ tay rần rần tán thưởng, chỉ có một mình bác là không vỗ tay thôi. Một tay biểu diễn võ thuật, thấy bác không phục tài nghệ, hắn ta tiến lại chỗ bác đứng, rồi hỏi bác: “Ông ở đâu tới vậy?”. Bác trả lời: “Đi gác lửa, đang ngồi gác lửa thấy tụ tập đông nên vô xem thôi”. Bác vừa nói dứt câu, hắn lật đật thu xếp hành lý cùng ê kíp rời đi, đến giờ đã mấy chục năm rồi, cũng chưa thấy đoàn Mãi Võ Sơn Đông nào về lại làng này nữa.

Chúng tôi thắc mắc:

– Họ có võ thuật, nội công thâm hậu, ăn than, nuốt lửa được… cớ sao lại sợ bác là thợ cạo mủ đi gác lửa lô chứ?

Bác cười giải thích:

– Hắn ta sợ bác là đúng! Lúc đó bác cũng giống bây bi giờ, mặt mày đen đúa lọ nghẹ chạy xộc vô đám đông, lại còn nói là “Đi gác lửa, ngồi gác lửa”. Không bị lửa cháy xém, chứng tỏ bác thuộc dạng “mình đồng da sắt” rồi. Cái thứ nhỏ nhặt ăn than, nuốt lửa của hắn mà nhằm nhò gì so với bác phải hơm bây?

Chúng tôi ồ lên cười với câu chuyện vui, hóm hỉnh của bác, mà cũng cười cho chính chúng tôi đem cái mặt heo, mặt hổ, mặt mèo, mặt chuột… vô nhà bác ngày Tết ăn gà, thiệt vui quá xá!

NGUYỄN CỦ CẢI
Hình tượng con mèo với triết lý nhân sinh

Trong ca dao dân ca, con mèo được thể hiện trong mối quan hệ chủ yếu với con chuột, con chó, con cọp… Trong các mối quan hệ trên thì mèo vừa là kẻ yếu, vừa là kẻ mạnh.

Trong mối quan hệ với con cầy (chó), việc tranh chấp miếng ăn dẫn đến xô xát, cắn xé nhau giữa chúng thì con mèo bao giờ cũng bị thua thiệt: Mèo ngao cắn cổ con cầy/Con cầy vật chết cả bầy mèo ngao.

Trong bài ca ở dạng đồng dao này, con mèo gây sự trước, nó đã cắn cổ con cầy nhưng hậu quả là không những chỉ nó bị chết mà vạ lây cả đồng loại, cả bầy bị chết. Ở đây, bài học nhân sinh là kẻ yếu không nên tranh giành, gây sự với kẻ mạnh hơn mình để tránh tổn thất không cần thiết.

Trong quan hệ giữa mèo và chuột, chuột là cái ăn và bắt chuột là phương thức kiếm miếng ăn của mèo: Con mèo con mẻo con meo /Muốn ăn thịt chuột thì leo xà nhà.

Bài ca ngụ ý về lời khuyên muốn ăn thì lăn vào bếp, không ai đưa sẵn, bày sẵn. Cũng như con người, muốn có cái ăn phải làm việc, lao động cực nhọc.

Mèo và chuột là hai con vật có mối thù truyền kiếp. Món khoái khẩu của mèo là thịt chuột nên hễ thấy chuột là mèo tìm mọi phương kế để bắt ăn thịt, nhưng sự thể hôm nay mèo lại tỏ ra thân thiết, ngọt nhạt với chuột:

 Con mèo mà trèo cây cau

 Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà

 Chú chuột đi chợ đàng xa

 Mua mắm mua muối giỗ cha con mèo

Đây là bài ca dao thâm thúy, sâu sắc có pha màu sắc hài hước, dí dỏm. Qua đó gởi gắm những bài học triết lý nhân sinh. Đối với kẻ thù truyền kiếp thì không nên ngây thơ cả tin vào những lời đường mật của chúng, chưa bao giờ là bạn thì không thể nào bỗng dưng lại tỏ thái độ thân mật anh em. Phải cảnh giác trước mọi sự thay đổi thái độ của kẻ thù…

Tác giả dân gian qua hình tượng con mèo để bày tỏ quan điểm của mình về những vấn đề xã hội, hàm chứa những bài học, những triết lý nhân sinh sâu sắc.          

NHÂN VĂN (st)