Trồng xen canh cho thu nhập cao

CSVN – Thực hiện chủ trương nâng cao hiệu quả sử dụng đất, nhiều công ty đơn vị đã phát triển các mô hình trồng xen canh hiệu quả, góp phần tạo thêm thu nhập cho NLĐ và giảm chi phí đầu tư cho vườn cây.
Trồng xen cây nghệ trên vườn cao su tại Nông trường Ea Hồ - Phú Lộc. Ảnh: Trọng Nguyên
Trồng xen cây nghệ trên vườn cao su tại Nông trường Ea Hồ – Phú Lộc. Ảnh: Trọng Nguyên
Trồng xen lãi 30 triệu đồng/ha

Thực hiện Nghị quyết 6a của CĐ Cao su Việt Nam về việc đẩy mạnh phát triển kinh tế gia đình. Với lợi thế về đất đai, khí hậu của vùng đất đỏ Tây Nguyên, từ nhiều năm nay NTCS Ea Hồ – Phú Lộc (Công ty TNHH MTV Cao su Krông Buk) đã chú trọng công tác trồng xen canh các loại cây ngắn ngày và dài ngày trong lô cao su. Đây là nhiệm vụ được toàn thể CB.CNVC-LĐ nông trường (trong đó có 56 CN đồng bào dân tộc thiểu số) hưởng ứng tích cực.

Đến nay, đã có hơn 290 hộ hợp đồng trồng cà phê xen cao su với tổng diện tích hơn 664 ha. Trong đó, có 236 hộ CB.CNLĐ và 56 hộ CN người đồng bào dân tộc tại chỗ (chiếm 100% CN người đồng bào).

Ngoài việc trồng xen canh cà phê, còn nhiều hộ tham gia trồng các loại cây hoa màu ngắn ngày như lúa, bắp, đậu, khoai lang, nghệ. Đã  có 51 hộ tham gia, trong đó  có 22 hộ CN đồng bào dân tộc tại chỗ (bình quân đạt 2,45 ha/CN). Được biết, với các loại cây lúa, bắp, đậu bình quân thu nhập (sau khi trừ chi phí) đạt từ 6 – 8 triệu đồng/ha/năm, đạt khoảng từ 18 – 25 triệu đồng/hộ/năm. Còn đối với khoai lang, nghệ cho thu nhập từ 90 – 100 triệu đồng/ha, sau khi trừ chi phí 30 – 40 triệu đồng/ha, còn lãi khoảng 30 triệu đồng/ha.

Một cán bộ NT Ea Hồ – Phú Lộc cho biết, việc trồng xen canh trong cao su vừa cho hiệu quả kinh tế đáng kể, tăng thu nhập cho người lao động, vừa tiết giảm chi phí, giảm suất đầu tư và nhân công chăm sóc, tăng nguồn thu cho công ty. Cùng với tiền lương, CNLĐ nông trường có thêm mức thu nhập bình quân từ 7 – 9 triệu đồng/người/ tháng. Nhưng cái được lớn hơn, có lẽ là về mặt tinh thần khi CN có đời sống ổn định, yên tâm gắn bó công tác với công việc.

 Thu nhập cao nhờ trồng nghệ

Vài năm gần đây, Công ty CPCS Hòa Bình đã thực hiện thanh lý những vườn cây già cỗi, năng suất thấp, thay thế dần bằng những vườn cây tái canh trồng mới có năng suất cao hơn. Vì thế, công ty có diện tích kiến thiết cơ bản khá ổn định để CNLĐ phát triển kinh tế gia đình bằng mô hình trồng xen canh.

Việc triển khai trồng xen được CN hưởng ứng nhiệt tình, giúp họ có thêm thu nhập khi tiền lương không còn cao như những năm trước. Những mô hình trồng xen canh cây bí, ngô, đậu xanh, nghệ, gừng… được thực hiện trên khắp các vườn cây đang trong giai đoạn chăm sóc cơ bản của công ty. Bên cạnh khuyến khích CNLĐ tham gia trồng xen canh, tạo thu nhập việc làm, đồng thời giúp giảm bớt chi phí chăm sóc vườn cây, công ty còn liên doanh liên kết, với các tổ chức và cá nhân đẩy mạnh trồng xen để nâng cao hiệu quả sử dụng đất.

Năm 2016, bà Phạm Thị Ánh Tuyết – nguyên là công nhân cao su của công ty, hợp đồng trồng 20 ha nghệ. Đến năm 2017, bà Tuyết tiếp tục hợp đồng trồng thêm 50 ha nghệ nữa. Ngoài ra,  bà còn trồng thêm 15 ha mỳ và 10  ha đậu phộng, dọc theo đường điện cao thế ở giữa lô mà không trồng được cao su.

Để có đầu ra ổn định, bà Tuyết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với một công ty ở quận 9 (TP.HCM). Theo tính toán của bà Tuyết, bình quân mỗi hata nghệ xen canh cho 20 tấn củ, với 50 ha trồng năm 2017 thì bà thu về 1.000 tấn củ. Nếu lấy giá bình quân 6.500 đồng/kg củ nghệ, thì năm nay bà thu được 6,5 tỷ đồng. Sau khi trừ đi chi phí cây giống, phân bón, tiền nhân công chăm sóc và các khoản chi phí khác khoảng trên 5 tỷ đồng, bà Tuyết còn lời khoảng 1,5 tỷ đồng. Ngoài ra, chưa  kể thu nhập từ 15 ha mỳ và 10 ha đậu phộng.

Trọng Nguyên – CTV 5B