Trường hợp nào được đình công?

CSVN – Tại buổi làm việc ở Khu chế xuất Tân Thuận (TP.HCM) vào ngày 23/8, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng đã hỏi: Công đoàn (CĐ) đã tổ chức cuộc đình công nào thành công chưa? Bà Trần Kim Yến – Chủ tịch LĐLĐ TP.HCM trả lời: “Chưa bao giờ!”. Vậy trong trường hợp nào thì được đình công?h
Cán bộ CĐ giải thích cho công nhân trong một vụ đình công.
Cán bộ CĐ giải thích cho công nhân trong một vụ đình công.

Theo quy định, đình công chỉ được tiến hành đối với các “tranh chấp lao động tập thể về lợi ích”. Theo Khoản 9, Điều 3 Bộ Luật Lao động (BLLĐ), tranh chấp lao động phát sinh từ việc tập thể lao động yêu cầu xác lập các điều kiện lao động mới so với quy định của pháp luật, thỏa ước tập thể, nội quy hoặc các quy chế, thỏa thuận hợp pháp khác. Tức là, tranh chấp lao động về lợi ích là tranh chấp phát sinh khi tập thể lao động đòi hỏi những lợi ích cao hơn luật, thỏa ước tập thể, nội quy lao động hoặc những thỏa thuận khác.

Thực tế nhiều năm qua cho thấy, gần như 100% các cuộc tranh chấp lao động tập thể hiện nay là “tranh chấp lao động về quyền”. Vậy thế nào là tranh chấp lao động tập thể về quyền?

Khoản 8, Điều 3 BLLĐ giải thích: Tranh chấp giữa tập thể lao động với người sử dụng lao động phát sinh từ việc giải thích và thực hiện khác nhau quy định của pháp luật về lao động, thỏa ước lao động tập thể, nội quy lao động, quy chế và thỏa thuận hợp pháp khác. Có thể hiểu, đây là tranh chấp do doanh nghiệp vi phạm pháp luật lao động, vi phạm thỏa thuận trong thỏa ước tập thể, nội quy, quy chế và các thỏa thuận hợp pháp khác, xâm hại quyền lợi người lao động.

Như vậy, nếu doanh nghiệp trốn đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, chậm trả lương, ép buộc tăng ca… như đã và đang xảy ra là vi phạm pháp luật, xâm hại quyền lợi tập thể lao động. Nếu xảy ra tranh chấp với những nội dung trên thì đây là tranh chấp lao động về quyền và tập thể lao động không được đình công.

Về thời gian tiến hành thủ tục đình công, từ lúc phát sinh tranh chấp đến lúc tổ chức cuộc đình công đúng trình tự mất gần 1 tháng.

Ngoài việc thủ tục rắc rối, phức tạp, kéo dài phải kể đến nguyên nhân mà bất cứ cán bộ CĐ nào cũng phải e dè. Đó là quy định về xử lý vi phạm đối với cuộc đình công (Điều 233): Trong trường hợp cuộc đình công là bất hợp pháp mà gây thiệt hại cho người sử dụng lao động thì tổ chức CĐ lãnh đạo đình công phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

C.Đ (tổng hợp)