Hạt cao su trong ký ức tuổi thơ

hat cao su
Ảnh: Đỗ Duyên

Hồi còn bé, nếu không đi học tôi lại theo chị hai đi ra rừng cao su để nhặt hạt. Đó cũng là lúc thời tiết bắt đầu đi vào nắng mưa thất thường. Khi trái cao su bắt đầu chín, vườn cây cũng vui hơn, nhộn nhịp hẳn lên vì có nhiều người đến để nhặt hạt, trong đó có hai chị em tôi.

Cây cao su cho ra những dòng nhựa, được ví như “vàng trắng”, bởi từ lâu nay việc trồng, khai thác, chế biến các sản phẩm từ mủ cao su đã trở thành một nghề mang kinh tế cho nhiều người dân. Đó là loài cây rất dễ thích ứng, phát triển trên những vùng đất khô cằn, chính vì thế quá trình chăm sóc cây cao su rất vất vả. Bởi cây cao su phát triển nhanh nhất cũng từ 5 -6 năm mới thu hoạch được. Người ta thường quan tâm đến hiệu quả kinh tế từ cây cao su đem lại như khai thác nhựa trắng, chế biến các sản phẩm gỗ, nhưng ít ai để ý tới hạt cao su dùng để làm gì. Nhớ lại những ngày đó, giá cao su cao, lũ trẻ con chúng tôi tay xách giỏ, lom khom nhặt từng hạt, mang về bán cho bà Năm lấy tiền.

Khi những trái cao su rụng, rừng cây lại phát ra những tiếng kêu lách cách rất vui nhộn, lòng tôi lại cảm thấy vui sướng đến lạ thường, lắng nghe những âm thanh giòn tan. Trời nắng cũng như trời mưa, không ngày nào có thể vắng mặt hai chị em chúng tôi được. Cúi khom người, nghe tiếng rơi cọc cọc trên mặt đất là tôi vội vàng chạy đến để nhặt ngay. Hai chị em thường đua nhau xem ai nhặt được nhiều hơn, có những lúc vì mải mê chơi mà tôi quên đi nhiệm vụ nhặt hạt của mình.

Cây cao su đã giúp nhiều hộ nghèo vươn lên làm giàu ngay trên quê hương của mình. Thế nhưng thời gian gần đây giá cao su giảm mạnh, nhiều bà con nông dân mất ăn mất ngủ. Hôm nay mẹ gọi điện bảo ở quê có nhiều người chặt cây cao su đi, vì giá mủ thấp quá. Tự dưng có một cái gì đó đau xé, biết bao kỷ niệm thơ ấu của tôi đã qua đi, nhưng tôi vẫn không bao giờ quên những ngày đi theo chị hai nhặt hạt. Bỗng thèm được nghe tiếng nổ lách cách của trái cao su…

Thùy Trang