Cần khơi dậy lòng đam mê sáng tạo

CSVN – 6 năm làm việc, anh Đoàn Sơn Long – nhân viên Phòng Quản lý chất lượng Công ty CPCS Phước Hòa đã tham gia nghiên cứu 11 đề tài khoa học. Vừa qua anh được TW Đoàn trao giải thưởng “Sáng tạo trẻ” toàn quốc lần thứ VII với đề tài “Nâng cao hiệu quả quá trình sản xuất SVRCV, tiết kiệm chi phí sản xuất thông qua nghiên cứu rút ngắn thời gian test nhanh độ nhớt Mooney Vicosity nguyên liệu mủ nước”.
Anh Đoàn Sơn Long nhận giải thưởng tại Festival sáng tạo trẻ toàn quốc lần thứ VII
Anh Đoàn Sơn Long nhận giải thưởng tại Festival sáng tạo trẻ toàn quốc lần thứ VII. Ảnh: Ngọc Trường
Có “tiếp sức” từ lãnh đạo

Hiện nay quy trình test nhanh Mooney Vicosity được áp dụng trong nhiều năm qua đã đem lại hiệu quả cao trong quá trình sản xuất SVR CV. Thời gian từ lúc lấy mẫu tại hồ hỗn hợp đến khi có kết quả Mooney nhanh khoảng 20 phút. Trong khoảng thời gian này, các hoạt động hầu như phải chờ. Do đó việc nghiên cứu liên tục để rút ngắn được thời gian chờ này là hết sức cần thiết và sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí như nhân công chờ đợi, điện, nước…

Thời gian qua Phòng Quản lý chất lượng đã nghiên cứu chuyển từ lò sấy vi sóng thông thường sang lò sấy công nghiệp (giá cao hơn nhiều lần) với mong muốn rút ngắn thời gian, nhưng kết quả không như mong đợi (chỉ được khoảng 1,5 phút). Mục tiêu là cần rút ngắn thêm là từ 3-5 phút. Vì vậy, nhóm thực hiện đã nghiên cứu rút ngắn quy trình từ 3-5 phút tập trung vào hai khâu quan trọng. Thứ nhất, cải tiến dụng cụ đánh đông tạo hạt theo hướng sao cho có thể tách tối đa lượng serum trong mẫu, giúp giảm thời gian sấy, nâng cao chất lượng mẫu sau khi sấy. Thứ hai, tự nghiên cứu lắp ráp lò vi sóng tích hợp 2 hay nhiều bộ phận phát sóng, để nâng cao công suất lò để rút ngắn thời gian sấy, thiết kế thân lò phù hợp chịu được môi trường acid, chi phí giá thành thấp hơn nhiều giá thành lò công nghiệp, giảm chi phí bảo trì do chủ động về công nghệ.

Theo anh Long, để có được sự thành công của đề tài nêu trên, có sự động viên, “tiếp sức” rất lớn của anh Tào Mạnh Cương, lãnh đạo Phòng Quản lý chất lượng Công ty CPCS Phước Hòa. Theo anh Cương, đã làm khoa học thì phải tự tin, dám thực hiện ý tưởng dựa trên cơ sở khoa học rõ ràng. Sau đó anh Cương đã đồng ý cho Long thử nghiệm một lò vi sóng. “Anh Cương gợi ý tôi nên tận dụng các lò vi sóng cũ đã hư hỏng để thực hiện nhằm giảm chi phí thực hiện thử nghiệm. Sau gần 2 tháng thử nghiệm bằng nhiều phương án khác nhau. Cuối cùng tôi đã thành công với 1 lò vi sóng hoạt động bằng 2 bộ phát sóng”, anh Long cho biết.

Tiếp thêm nhiều năng lượng để tiếp tục sáng tạo

“Tôi cảm thấy rất vinh dự và tự hào. Để đạt được thành tích này ngoài sự phấn đấu không ngừng của bản thân và sự giúp đỡ của các đồng nghiệp, còn có sự quan tâm, giúp đỡ của Ban lãnh đạo các cấp và đồng nghiệp đã giúp tôi hoàn thành đề tài cải tiến này. Giải thưởng này chắc chắn sẽ tiếp thêm nhiều năng lượng và niềm tin để tôi tiếp tục phấn đấu cho các đề tài sắp tới”, anh Long chia sẻ niềm vui khi nhận giải thưởng “Sáng tạo trẻ”.

Nói về chính sách hỗ trợ đối với công tác nghiên cứu, phát minh, sáng chế hiện nay, anh Long bày tỏ: “VRG đã có sự hỗ trợ tương đối tốt. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả hơn các cơ chế, chính sách phát triển khoa học kỹ thuật, VRG cần hướng dẫn cụ thể. Các bước thực hiện sáng kiến, cải tiến cũng như thủ tục triển khai và công tác giải ngân cho các công trình nghiên cứu cũng cần tinh gọn hơn. Để thúc đẩy lực lượng trẻ tham gia tích cực công tác này, cần phải khơi dậy lòng đam mê sáng tạo thông qua khuyến khích cải tiến các công việc hàng ngày. Đồng thời có cơ chế khen thưởng kịp thời về tinh thần cũng như vật chất cho các sáng kiến, sáng tạo hữu ích”.

Quỳnh Mai