CSVN – Trong tình hình giá cả thị trường có những biến động mạnh như hiện nay nhưng Công ty CPCS Phước Hòa vẫn luôn tổ chức tốt công tác thu mua cao su tiểu điền, quản lý chất lượng mủ thu mua nguyên liệu, thành phẩm và nâng cao hiệu quả chế biến mủ SVR CV.
>> Tổ chức thu mua gắn kết chặt chẽ với hộ nông dân
Nghiệm thu chính xác chất lượng nguyên liệu thu mua
Công ty Cổ phần Cao su Phước Hòa hiện có 3 nhà máy chế biến với tổng công suất 27.000 tấn/năm, sản xuất các sản phẩm SVR CV 50-60, Latex, SVRL, SVR3L, SVR10 tiêu thụ trong nước và xuất khẩu hơn 30 nước trên khắp thế giới. Để hoạt động thu mua đạt hiệu quả, công ty thành lập Ban thu mua và ngoài việc phân công, phân nhiệm rõ ràng đến các thành viên, việc tổ chức mạng lưới thu mua rộng khắp tại các điểm nhà máy, các nông trường cũng được chú trọng.
Để có thể cạnh tranh với các nhà máy tư nhân đóng trên địa bàn, công ty thực hiện cơ chế giá linh hoạt theo thị trường, điều chỉnh giá theo ngày và thông báo kịp thời cho khách hàng. Bên cạnh đó, công ty thanh toán tiền bán mủ ngay sau một ngày dưới hình thức tiền mặt hay chuyển khoản, tạo lòng tin của khách hàng. Để việc tổ chức thu mua thực hiện tốt, đối với các hộ tiểu điền, khâu nghiệm thu chất lượng phải bảo đảm chính xác, khách quan và thanh toán tiền nhanh chóng.
Còn với diện tích vườn cây khoán cho CBNV, công ty đã có hợp đồng quy định trách nhiệm bán sản phẩm cho công ty và hàng năm đều giao kế hoạch sản lượng cho từng hộ. Bên cạnh đó, có chính sách hậu đãi đối với các nhà cung ứng nguyên liệu thường xuyên; theo đó các hộ bán liên tục trên một năm được công ty bù giá khi thị trường sụt giảm, còn đối với nhà cung ứng bán liên tục 1 tháng đến 1 năm thì đơn giá bán cao hơn từ 5-7 đồng/TSC so với các hộ không bán thường xuyên.
Ngoài ra, do chất lượng mủ tiểu điền không đồng đều, một số hộ chạy theo lợi nhuận đã cho thêm tạp chất nên chất lượng mủ nguyên liệu không tốt. Vì thế, công ty đã có những hướng dẫn cho khách hàng cách phát hiện hóa chất bỏ vào mủ nước, kiểm tra chất lượng nguyên liệu đầu vào để có thể chế biến ra sản phẩm tốt đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Phối hợp chặt chẽ giữa các bộ phận
Nhằm kiểm soát chặt chẽ chất lượng mủ nước trong sản xuất cao su SVR CV, công ty đã xây dựng các phương pháp nhận biết mủ nước bị độn hóa chất; mủ nước phải ở trạng thái lỏng tốt, không có hiện tượng chớm đông; pH thích hợp từ 7,5 -9,0, nồng độ dung dịch amoniac 5%, mủ không có mùi hôi…
Từ những hạn chế của phương pháp chọn dòng vô tính để chế biến mủ SVR CV, ngoài sử dụng hóa chất cắt mạch, công ty đã kết hợp ứng dụng vi sóng để xác định mooney viscosity; kiểm soát độ nhớt mooney theo từng khu vực, từng hộ, chủ động phối trộn nguyên liệu mủ nước ban đầu, tạo sự đồng đều mooney giữa các hồ hỗn hợp; cần lưu ý khối lượng hóa chất LP152 cần thiết để giảm 1 đơn vị độ nhớt trên tấn cao su khô, ở những khoảng độ nhớt khác nhau thì khác nhau; từng khoảng giá trị pH khác nhau, hiệu suất cắt mạch của LP152 cũng khác nhau.
Ngoài ra các thông số kỹ thuật khác như khối lượng mủ phả/hộc, thời gian sấy, sản lượng quy khô của hồ hỗn hợp… trong quá trình chế biến cần được ổn định để quá trình xử lý, điều chỉnh hóa chất cắt mạch LP152 được chính xác và hiệu quả.
Kinh nghiệm từ công ty cho thấy, việc chế biến mủ SVR CV ngoài khâu nghiệm thu nguyên liệu, quá trình sản xuất phải khuấy trộn hợp lý để đảm bảo các kết quả được chính xác. Bên cạnh đó cần có đội ngũ CBNV kỹ thuật tận tâm với công việc, có tinh thần trách nhiệm cao để theo dõi và đề xuất kịp thời khi kết quả sản xuất không đạt như dự kiến. Ngoài ra cần có sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các bộ phận trong Ban thu mua, Phòng Quản lý chất lượng và Xí nghiệp Chế biến trong suốt quá trình sản xuất.
Nguyễn Hồng
Related posts:
- Nông trường Bến Củi, Công ty CPCS Tây Ninh: Nâng cao hiệu quả sản xuất nhờ cơ giới hóa
- Xen cây dược liệu trên đất cao su: Cách làm hiệu quả
- Nuôi ong dú, thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm
- Mô hình đội quản lý là người Campuchia mang lại hiệu quả cao
- Không bón phân vườn cây khai thác
- Sáng kiến "phun thuốc cỏ tự chế bằng xe máy" hiệu quả và an toàn
- Những sáng kiến từ lòng yêu nghề
- Đóng bè vượt sông vận chuyển mủ
- Cải tiến công nghệ mủ tờ RSS
- Khu vực Tây Nguyên: Đặc thù địa hình gây khó cơ giới hóa