Đánh giá hiệu quả chuyển đổi nhịp cạo D3 sang D4

CSVN – Năm 2014, Trạm TNCS Lai Khê (Viện Nghiên cứu CSVN) thực hiện chuyển đổi nhịp độ thu hoạch mủ từ D3 sang D4 đối với 297,88 ha cao su. Các vườn cây được chuyển đổi nhịp độ có tuổi cạo tập trung từ năm thứ 11 đến 14, đây cũng là các vườn cây có năng suất cao nhất của đơn vị.
Ảnh: Vũ Phong
Ảnh: Vũ Phong

Qua một năm thực hiện, các đánh giá sơ bộ về hiệu quả của việc chuyển đổi như sau: Thứ nhất: Việc cạo D4 đã giúp đơn vị giải quyết được khó khăn về lao động (giảm được 29 người so với cạo D3). Đây là hiệu quả lớn nhất và thiết thực nhất bởi nếu không, chắc chắn đơn vị đã không giải quyết được việc thiếu lao động khi mà có đến 58 công nhân (CN) trong 211 người xin thôi việc. Thứ hai: Nâng cao NS lao động cho CN thu hoạch mủ (tăng 22 %) Thứ ba: Góp phần ổn định tiền lương của CN thu hoạch mủ so với năm 2013.

Mặc dù với sản lượng, NS vườn cây cũng như đơn giá khoán năm 2014 đều thấp hơn năm 2013 nhưng tiền lương bình quân của CN không những không bị giảm mà có dấu hiệu tăng (tăng 1 % so với năm 2013). Thứ tư: Đã giúp tiết giảm được một số chi phí phúc lợi đáng kể. Nếu tính các khoản phúc lợi chính ở mức tối thiểu mà một CN được hưởng trong năm thì với việc giảm được 29 CN, đơn vị đã tiết kiệm được khoảng 970 triệu đồng (khoảng 33,454 triệu/CN/năm).

Tuy nhiên, việc chuyển đổi chế độ cạo D3 sang D4 trong năm 2014 cũng còn một số hạn chế như sau: Làm giảm NS vườn cây (đạt 90% so với D3), chủ yếu là do số lần cạo ít hơn. Trong đó, tháng 6/2014 sản lượng giảm 32,5% so với sản lượng tháng 6/2013. Tuy nhiên, khi được tăng cường các biện pháp kỹ thuật và quản lí, đặc biệt là sử dụng chất kích thích cũng như điều chỉnh bảng cạo hợp lí, sản lượng mủ/nhát cạo đã có sự gia tăng rõ rệt. Điều này đã bù đắp được lượng mủ bị sụt giảm do số ngày cạo ít hơn vào các tháng 8, 10 và 11 (những tháng đơn vị hoàn thành kế hoạch).

Phạm Văn Dược (Trạm TNCS Lai Khê)