CSVN – 9 năm công tác, với niềm đam mê sáng tạo, Lê Quốc Duy – nhân viên Phòng Quản lý chất lượng, Công ty CPCS Phước Hòa đã có 10 đề tài sáng kiến, cải tiến được công nhận. “Xây dựng quy trình ủ bùn thải từ hệ thống xử lý nước thải thành phân bón hữu cơ vi sinh” là đề tài anh tâm đắc, bởi sự mới mẻ, mang tính ứng dụng cao.
Sản xuất đại trà sau thời gian thử nghiệm
Theo chia sẻ của Lê Quốc Duy, mỗi năm hai hệ thống xử lý nước thải của công ty thải ra một lượng bùn khá lớn, ước tính khoảng 1.000 – 1.200 tấn từ các cụm bể xử lý sinh học. Trong khi đó, nếu tính chi phí của công ty xử lý và thuê bên ngoài, tốn kém gần 3 tỷ đồng/năm.
Làm thế nào để đỡ tốn chi phí xử lý, đồng thời tận dụng lượng bùn thải mang lại lợi ích cho đơn vị, anh trăn trở, suy nghĩ và cùng đồng nghiệp xây dựng đề tài Quy trình ủ bùn thải từ hệ thống xử lý nước thải thành phân bón hữu cơ vi sinh. “Quá trình thực hiện sáng kiến xây dựng quy trình cũng gặp những khó khăn trong việc thuyết minh tính mới, tính sáng tạo từ cấp phòng đến Hội đồng khoa học công nghệ công ty, cho đến công tác nghiên cứu từ quy mô pilot (mô hình), sản xuất thực tế, đầu tư máy móc, nhà xưởng, xin giấy phép sản xuất vì đây là đề tài mới hoàn toàn với công ty và bên ngoài”, Duy chia sẻ.
Được sự chấp thuận, anh và các đồng sự tiến hành các thí nghiệm. Bùn và vật liệu phối trộn được bố trí thành các đống ủ có tấm bạt nhỏ lót phía dưới. Các đống ủ được đổ thành từng lớp, lớp dưới cùng là lớp vật liệu phối trộn, rồi đến lớp bùn, lớp vi sinh Biosyetem & Trichoderma, cứ như thế đến khi hình thành đống ủ. Quá trình ủ kéo dài khoảng 30 ngày, sau khi ra thành phẩm anh tiến hành lấy mẫu đi kiểm nghiệm, kết quả đạt yêu cầu các thông số, chỉ tiêu quy định.
Ban đầu công ty sản xuất thử nghiệm 20 tấn. Nhận thấy hiệu quả từ quy trình, năm 2016 công ty đã đầu tư trang thiết bị, nhà xưởng, nhân công thực hiện. Đầu năm 2017 tiến hành sản xuất chính thức, kế hoạch năm 2018 là 1.000 tấn. Dự kiến, từ năm 2018 trở đi, công ty sẽ sản xuất thêm hai chủng loại sản phẩm mới là “Phân hữu cơ” và “Chế phẩm sinh học dùng trong trồng trọt”.
Quy trình đem lại nhiều hiệu quả
Năm 2017, công ty đã sản xuất được 650 tấn phân bón hữu cơ vi sinh thành phẩm, giá thành sản xuất 812.000 đồng/tấn, việc sản xuất phân bón từ bùn thải giúp tiết kiệm cho công ty hơn 479 triệu đồng. Còn năm 2018, công ty sẽ sản xuất 1.000 tấn phân bón, dự kiến tiết kiệm khoảng 500 triệu đồng.
Theo chia sẻ của Lê Quốc Duy, ở Việt Nam vấn đề cần nghiên cứu ủ bùn thải ngành cao su thành phân compost (phân hữu cơ) qui mô pilot còn rất mới. Kết quả của đề tài này là một đóng góp hữu ích cho thực tiễn sản xuất nông nghiệp. “Trước đây, phải thu gom và thuê đơn vị chức năng để xử lý dẫn đến tốn kém chi phí không nhỏ, nay giải pháp đã góp phần giảm chi phí xử lý chất thải cho công ty hàng tỷ đồng mỗi năm. Đồng thời giảm thiểu tác động đến môi trường xung quanh, cung cấp lượng phân bón hữu cơ vi sinh bón lại cho cây cao su khoảng 1.000 tấn/năm mang lại giá trị kinh tế cho công ty trên 3 tỷ đồng/năm”, Duy tính toán.
Lê Quốc Duy, tốt nghiệp thạc sỹ Quản lý Tài nguyên & Môi trường, Trường Đại học Công nghiệp TPHCM. Sau khi ra trường, anh về “đầu quân” tại Công ty CPCS Phước Hòa. Trong 10 đề tài được công nhận, đề tài “Xây dựng quy trình ủ bùn thải từ hệ thống xử lý nước thải thành phân bón hữu cơ vi sinh” đã giúp anh và đồng nghiệp giành giải nhì “Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bình Dương giai đoạn 2013 – 2015” và giải thưởng “Sáng tạo trẻ” do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức năm 2015.
HÀ KHUÊ
Related posts:
- Trồng xen canh giúp tăng thu nhập
- Ứng dụng mới về cao su và lốp xe
- Vững bước tiến vào CLB 2 tấn/ha
- Nguyễn Ngọc Tuấn - Tác giả của nhiều sáng kiến hữu ích
- Khoán vườn cây lâu dài tạo ổn định về lao động
- Quy trình sản xuất mủ tờ của công ty cao su Lộc Ninh
- Cải tiến công nghệ mủ tờ RSS
- Cao su Sơn La: Ổn định việc làm, nâng cao thu nhập
- Hiệu quả của công tác phun phòng trị bệnh phấn trắng
- Hiệu quả từ phong trào “Giúp nhau trở thành thợ giỏi”
Kính chào bạn ! Tôi tên là Chu Viết Trọng hiện tôi đang công tác tại UBND thành phố Bắc Giang. Nhiệm vụ của tôi hiện nay là đang quản lý nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt của thành phố, do lượng bùn thải của nhà máy ngày càng thải bỏ nhiều. Được biết Bạn có đề tài ủ bùn thải của nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt thành sản phẩm phân bón hữu cơ đạt chuẩn chất lượng theo quy chuẩn VN. Vậy qua đây tôi kính mong bạn chia sẻ cho tôi quy trình… Read more »