Phát triển cây cao su ở Hà Giang: có cơ sở, có niềm tin

Năm 2014, Công ty CPCS Hà Giang có kế hoạch trồng mới 300 ha cao su tại 3 huyện Bắc Quang, Quang Bình và Vị Xuyên, nâng tổng diện tích cao su của công ty lên 1.400 ha. Lễ ra quân trồng mới đã được thực hiện từ ngày 12/3 và kết thúc vào tháng 6/2014. Năm nay có xã Yên Hà, huyện Quang Bình lần đầu tiên trồng loại cây này với diện tích 150 ha. 100% diện tích được trồng mới trong năm 2014 là giống cây cao su chịu lạnh Ian 873 – loại giống mới được VRG đưa vào nhóm chịu lạnh tốt nhất.

Vườn cao su tái canh sinh trưởng tốt, niềm tin đang trở lại với người trồng cao su ở Hà Giang. Ảnh: N.P
Vườn cao su tái canh sinh trưởng tốt, niềm tin đang trở lại với người trồng cao su ở Hà Giang. Ảnh: N.P

Lãnh đạo công ty cho biết sẽ tuân thủ nghiêm ngặt quy định của VRG về việc trồng mới cao su tại miền núi phía Bắc. Cụ thể là chọn giống cao su chịu lạnh IAN 873, trồng đúng quy trình, đúng thời vụ, trồng chậm và chắc, không chạy theo diện tích.

Điều này được đúc kết rút kinh nghiệm sau đợt rét hại năm 2010, khiến một số diện tích cao su bị chết. Sau khi tái canh bằng giống cao su chịu lạnh và chăm sóc tốt, hơn 1.100 ha cao su của công ty dù đã trải qua một số đợt rét “nặng đô” vào năm 2012 và 2013, đến nay vẫn xanh tốt. Từ đó, người dân vùng cao của tỉnh Hà Giang càng vững niềm tin trở lại với cây cao su. Nhiều gia đình đã tự nguyện góp đất cho công ty để được tham gia trồng “vàng trắng” với hi vọng thoát nghèo.

Với 1.100 ha cao su đã trồng, hiện Công ty CPCS Hà Giang đã nhận hàng trăm con em địa phương vào làm công nhân và tạo việc làm thời vụ cho hơn 1.000 người dân.

Thực tế cho thấy, cây cao su chịu lạnh đang cho thấy tín hiệu vui nhất định qua sự phát triển của nó. Việc phát triển cây cao su ở Hà Giang tuy chưa thoát khỏi những hoài nghi, nhưng không phải thiếu cơ sở. Hơn 1.100 ha cao su đã trồng đang sinh trưởng tốt là minh chứng cho điều đó. Hơn nữa, nhìn sang vùng trồng cao su tại khu vực Thiên Bảo thuộc huyện Malipho, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), khu vực giáp với cửa khẩu Thanh Thủy (Hà Giang), có những vườn cây cao su đã được trồng, khai thác hơn 30 năm. Điều đó sẽ giúp những người phát triển cây cao su ở Hà Giang tự tin hơn trong việc mở rộng diện tích cao su trên vùng đất xứ lạnh.

T.P