Để phát triển cao su miền Trung bền vững

CSVN Xuân – Trong năm 2017, cơn bão số 10 đổ bộ vào các tỉnh miền Trung, một lần nữa gây thiệt hại cho cây cao su nơi đây. Dư luận, nhà khoa học, đã từng lên tiếng về tính hiệu quả của việc phát triển cao su ở khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi bão lũ như miền Trung. Trong khi chưa có loại cây nào hiệu quả hơn có thể thay thế cho người dân nơi đây, việc quy hoạch, thay đổi quy trình kỹ thuật để cây cao su có thể “sống chung với bão” là giải pháp trước mắt.
Ảnh: Tùng Châu
Ảnh: Tùng Châu
Có yếu tố lịch sử và pháp lý

Việc quy hoạch và phát triển cao su ở miền Trung có yếu tố pháp lý do định hướng và quy hoạch của Chính phủ. Trong khi đó, do biến đổi khí hậu, chu kỳ bão ở khu vực này càng ngày càng cao, diễn biến phức tạp, đặc biệt là từ năm 2013 đến nay, diện tích ảnh hưởng lên đến hàng trăm ha. Đánh giá mức độ nghiêm trọng qua các cơn bão ở khu vực miền Trung, từ năm 2013 ngành cao su đã có những điều chỉnh, bổ sung quy trình kỹ thuật riêng về khu vực này kịp thời.

Tại tỉnh Quảng Trị, từ năm 1948, người Pháp đã trồng thử nghiệm cây cao su ở xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Linh. Năm 1959 – 1960, Trung ương có chủ trương trồng và phát triển cây cao su trên địa bàn và một số nông, lâm trường tại các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ, như Nông trường Bến Hải, Nông trường Quyết Thắng (Quảng Trị), Nông trường Việt Trung (Quảng Bình). Sau 60 năm, kể từ khi cây cao su xuất hiện đến nay đã chứng minh rất rõ, trồng cây cao su có ưu điểm cả về kinh tế, xã hội và môi trường.

Qua nhiều năm chọn lựa cây trồng, nhìn chung các địa phương đều thấy không có loại cây nào mang lại hiệu quả kinh tế cao như cây cao su. Cao su đã trở thành cây trồng mũi nhọn, góp phần xóa đói, giảm nghèo và làm giàu cho nhiều hộ gia đình, tạo tiền đề vững chắc trong xây dựng nông thôn mới.

Cần giải pháp về kỹ thuật

Sau cơn bão vào năm 2013, ngành cao su đã rà soát và đi đến thống nhất, trừ những diện tích cao su hiện hữu, không phát triển diện tích cao su mới, song song với đa dạng hóa cây trồng. Những năm gần đây, đường đi của bão thay đổi, mức gió giật cao, gây thiệt hại lớn cho vườn cây cao su. Do đó bổ sung, thay đổi quy trình kỹ thuật để hạn chế thiệt hại do bão gây ra. Có ý kiến cho rằng, khi tất cả vườn cây trong khu vực đều bị ảnh hưởng thiệt hại thì cần xem xét lại giống ở khu vực này, một số cây không cần bão, chỉ mới gặp giông lốc cũng đã bị nghiêng.

Tuy nhiên nhiều chuyên gia nhận định, không năm này thì năm khác bão đều đến theo chu kỳ ở khu vực miền Trung, gây ra thiệt hại về tất cả các loại cây trồng không riêng gì cây cao su. Ở miền Đông mùa giông lốc cũng có nhiều vườn cây bị thiệt hại không nhỏ. Do đó, cây cao su, cho đến giờ vẫn là loại cây hiệu quả kinh tế cao so với các loại cây trồng khác.

Riêng về các giải pháp kỹ thuật, các nhà khoa học cho rằng, nên trồng mật độ dày, để khi gãy thì vẫn còn lại cây khác. Hoặc trồng giãn hàng cho gió lùa, hay trồng xen canh. Tuy nhiên trồng xen chỉ là giải pháp tình thế trong khoảng 2, 3 năm thời kỳ kiến thiến cơ bản, thực tế chưa có mô hình nào thực sự hiệu quả, cần được tiếp tục nghiên cứu. Có thể khẳng định, đối với các địa phương ở miền Trung, cây cao su đã góp phần thay đổi cơ bản bộ mặt nông thôn, nhất là các xã vùng sâu, vùng xa.

Nhiều hộ gia đình khấm khá lên nhờ vườn cao su. Cây cao su là cây mũi nhọn kinh tế, góp phần giải quyết việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động ở những vùng nông thôn, miền núi khó khăn, giúp cơ sở hạ tầng nông thôn phát triển, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện. Tuy nhiên về lâu dài, cần phát triển cây cao su theo quy hoạch, theo hướng an toàn, bền vững.

Minh Tâm