Các công ty cao su Tây Nguyên nỗ lực tăng năng suất

CSVN Xuân – Năm 2015, các CTCS ở Tây Nguyên đã nỗ lực vượt khó để cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu SXKD. Năm 2016, các đơn vị đã chủ động xây dựng các biện pháp nhằm ứng phó với tình hình được dự báo chưa thể lạc quan. Trao đổi với PV Tạp chí Cao su VN, Phó TGĐ VRG Nguyễn Văn Tân cho biết:
Phó TGĐ VRG - Nguyễn Văn Tân (thứ 2 từ trái sang) kiểm tra vườn cây tại Công ty Chư Mom Ray. Ảnh: Văn Vĩnh
Phó TGĐ VRG – Nguyễn Văn Tân (thứ 2 từ trái sang) kiểm tra vườn cây tại Công ty Chư Mom Ray. Ảnh: Văn Vĩnh

Trước tình hình giá bán mủ cao su năm 2015 tiếp tục giảm nhiều so với 2014, các đơn vị trên địa bàn Tây Nguyên đã chủ động thực hiện hàng loạt biện pháp để giảm giá thành. Cụ thể là rà soát, cắt giảm những chi phí chưa cần thiết, những chi phí có thể giảm (kể cả bón phân), từng bước chuyển dần sang chế độ cạo D4, tổ chức quản lý hợp lý nhằm duy trì và nâng cao năng suất vườn cây, năng suất lao động…

Ngoài ra, còn thực hiện tốt chủ trương cắt giảm suất đầu tư vườn cây tái canh và KTCB theo đúng chỉ đạo của VRG. Đồng thời, nỗ lực tìm kiếm thêm khách hàng để tiêu thụ được sản phẩm, hạn chế tồn kho trong tình hình giá bán liên tục giảm… Nhờ những nỗ lực đồng bộ đó, dù giá bán bình quân giảm mạnh so với năm 2014 (mức giá bình quân chỉ còn 27 – 30 triệu đồng/tấn tùy từng công ty, trong khi năm 2014 là từ 32 – 35 triệu đồng/tấn) nhưng giá thành các công ty cũng khống chế từ 27 – 29 triệu đồng/tấn. Trong đó, 2 Công ty Kon Tum và Ea H’leo nhờ đạt được năng suất trên 1,8 tấn/ha nên giá thành ở mức 27 – 27,5 triệu đồng/tấn.

Một số công ty dự kiến có khả năng lỗ trong sản xuất cao su như Krông Buk, đã tăng cường gia công chế biến mủ hơn 4.000 tấn với lợi nhuận xấp xỉ 1 triệu đồng/tấn. Công ty Mang Yang thì đẩy mạnh thanh lý vườn cây năng suất thấp… Nhờ vậy đã hạn chế mức lỗ hoặc bảo đảm hòa vốn. Đặc biệt, các công ty đã hết sức quan tâm chăm lo đến đời sống người lao động, nhất là CN đồng bào dân tộc. Một số công ty đạt mức lương bình quân từ 4 triệu đồng/người/tháng trở lên, riêng Công ty Kon Tum đạt trên 5 triệu đồng/người/tháng.

Năm 2015 có đến 3 đơn vị ở Tây Nguyên hoàn thành kế hoạch trên 23 ngày? Theo ông, đạt được kết quả vậy là nhờ vào yếu tố gì?

Ông Nguyễn Văn Tân: Xác định khó khăn lớn nhất của năm 2015 là giá bán sụt giảm, có khả năng người lao động xin nghỉ việc (do chính sách BHXH có thay đổi, lương giảm…), nhiều chỉ tiêu SXKD khó đạt, nên lãnh đạo các công ty đã tập trung vào vấn đề hoàn thành chỉ tiêu sản lượng, lấy đó làm nền tảng để hạ giá thành và chăm lo tiền lương cho người lao động… Từ đó, lãnh đạo các công ty đã chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp như: Quyết liệt trong phòng trị bệnh phấn trắng ngay từ đầu năm (với chi phí thấp hơn năm 2014), phòng trị các bệnh Botryo, Cory…

Ông Nguyễn Văn Tân kiểm tra vườn cây Công ty Chư Păh
Ông Nguyễn Văn Tân kiểm tra vườn cây Công ty Chư Păh

Đồng thời chú trọng công tác tổ chức quản lý sản xuất, quản lý vườn cây, lao động, kết hợp với việc tuyên truyền, động viên người lao động… Nhờ vậy, đến hết năm, nhiều đơn vị đã hoàn thành kế hoạch sản lượng, trong đó Công ty Mang Yang, Kon Tum và Ea H’leo hoàn thành trước 23 ngày. Công ty Kon Tum giữ vững được năng suất trên 1,8 tấn/ha, Công ty Ea H’leo lần đầu tiên đạt năng suất 1,8 tấn/ha và là đơn vị thứ hai ở Tây Nguyên tham gia CLB 2 tấn/ha

– Năm 2016 được dự báo tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Ông có thể cho biết VRG sẽ có những định hướng, chỉ đạo và biện pháp hỗ trợ các đơn vị Tây Nguyên như thế nào?

 Ông Nguyễn Văn Tân: Ngoài dự báo giá cao su vẫn ở mức thấp thì năm 2016, các doanh nghiệp còn phải xây dựng và thực hiện thang bảng lương mới theo quy định của Nhà nước. Điều đó chắc chắn sẽ làm cho mức đóng BHXH, BHYT, BHTN tăng so với năm 2015.

Đối với các công ty trên địa bàn Tây Nguyên, việc thực hiện càng thêm khó khăn do có nhiều CN đồng bào dân tộc. Nhằm giúp các công ty chủ động ứng phó với khó khăn trong năm 2016, lãnh đạo VRG dự kiến xây dựng giá bán bình quân 26 triệu đồng, giá thành 25 triệu đồng/tấn. Yêu cầu đó đòi hỏi các công ty phải tiếp tục rà soát nhằm giảm chi phí đầu tư; tăng cường công tác quản lý để hạ giá thành trên tất cả các yếu tố; tích cực chuyển sang cạo chế độ D4…

Mặt khác, tích cực tìm kiếm khách hàng, mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và nước ngoài. Đồng thời, chủ động phối hợp với Viện Nghiên cứu Cao su VN và sự tham vấn, hỗ trợ của các ban chuyên môn của VRG… Một khi năng suất vườn cây và năng suất lao động cao, sản lượng và tiêu thụ tốt, thu nhập người lao động ổn định thì có thể vượt qua khó khăn.

 – Xin cảm ơn ông!  

Văn Vĩnh (thực hiện)