CSVN – Từ những lần đầu khi được đọc thơ Thanh Hiếu (*) ta đã có một cảm giác chắc chắn là Thanh Hiếu sẽ có tập hợp những bài lục bát. Cảm giác đó giống như khi ta muốn biết đầy đủ về ai đó…, về con người đó thì phải có tập hợp những “dữ liệu”. Bởi vậy khi được cầm trên tay gần 100 bài lục bát của Thanh Hiếu, ta hiểu cảm giác của mình là đúng. Nếu Thanh Hiếu không tự tập hợp những “dữ liệu lục bát” này thì sẽ tiếc biết bao!
Có đến 2/3 trong các bài lục bát vẫn là một Thanh Hiếu đi và viết. Mỗi bài là một câu chuyện, một lời tự sự theo cách cảm nhận riêng của mình về những địa danh nơi bước chân Thanh Hiếu cùng với đồng đội đã đi qua cùng với tình yêu con người, cuộc sống, không khí lao động, vẻ đẹp khỏe khoắn của đất, của cây, …
Từ một miền Đông Nam Bộ bạt ngàn cao su với “Bình Phước khúc tình ca”, “Lộc Ninh em một nụ hồng”, “Một thoáng Bình Thuận”…, cho đến Tây Bắc, Tây Nguyên “Em thợ KonTum”, “Mênh mông Chumomray”, “Cỏ hồng Đắk Đoa”, “Với Ea’Hleo”, “ Tình ca Sa Thầy”,… cho đến miền Trung “ Vĩnh Linh yêu thương”, “Ta về quê mẹ ta thôi”, “Quảng Trị ơi một tiếng lòng”, “Tìm về ví dặm Hồng Lam”,… Ở một góc khác, đó là những cảm xúc nồng nàn trong các chuyến công tác, cảm xúc công dân. Chỉ có điều là lúc nào Thanh Hiếu cũng …vội vàng: “Này em cầm lấy vần thơ, anh viết vồi vội ngu ngơ thế này” (Hòn chồng – Hòn vợ). Thanh Hiếu đã có một lời “tự thú” rất dễ thương về cái không chủ đích “thành nhà thơ” của mình!
Tuy nhiên có một Thanh Hiếu giấu mình trong lục bát với một cõi riêng, rất riêng, kín đáo “Một mình”. Có nhiều những “Tự khúc”, “Không đề”, “Vay trả mùa thu”, “Uống rượu với trăng”, để hoài niệm, trăn trở, có cả …sám hối để “Tạ tình”, để lục vấn với chính mình, để “Ngẫu hứng với mùa thu”, với trăng, với em, đến tận cùng của “Ta với thơ”. Một cõi riêng của Thanh Hiếu! Chính khi đã trở về “Một mảnh tình riêng ta với ta” thì Thanh Hiếu không nhiều lời. Một “Tự khúc” chỉ có bốn câu để gieo quẻ cho chính mình và một lời nguyền “Gừng cay muối mặn”.
“Anh làm khất thực mộng mơ/ Lang thang hết cõi ơ hờ gió mây/ Niệm tình một quẻ cầu may/Với em “muối mặn gừng cay” vì bùa”.
Trong cõi riêng một mình Thanh Hiếu dám đối diện với vay – trả mà không cần phải lảng tránh “Mùa này ai gặt hoang vu/ Sót hạt lệ. Trả lại thu: Vốn. Lời” (Vay trả mùa thu).
Đã một mình thì cũng rất dễ giải bày, thở than với chính mình, chấp nhận mà không đòi hỏi, không ảo tưởng:
“Anh ngồi đãi chữ thâu đêm/Vén khuya bạc phếch một miền ảo vong/Chữ câu đuổi chạy lòng vòng /Vô tình em thả tiếng lòng ngẩn ngơ/Đêm tàn như một giấc mơ/Anh đi nhặt nhạnh mảnh thơ ru người”.
Một mình thì không cần phải dối lòng. Đó chính là lúc ta được nói thật nhất:
“Câu thơ ai bẻ làm đôi/ Nửa đau đớn. Nửa mồ côi lạc vần…/Yêu em câu thơ đầy đong/Giận hờn ta chỉ bẻ cong… thôi mà”.
Chỉ có khi một mình Thanh Hiếu mới trở về đối thoại với “chính mi”:
“Này mi sợi tóc hoa râm/ Ngồi lại một chút tình thâm thuở nào”(Tự tình một mình)
Đến một lúc chính “Mi” đã cảm nhận được
“xế chiều dầu dãi tự trào”, nếm trải “Lắm trò
lăn lóc sân đời đắng cay”, đã biết thế nào là dại khôn, cam chịu, biết thế nào là vay trả, thiếu thừa, là chông chênh, chơi vơi “Lênh đênh chẳng bến không bờ, một con thuyền vụng chở thơ trôi dòng” (Ta với thơ).
Khi chạm vào “Tri thiên mệnh” thì chính là lúc “Mi” trong Thanh Hiếu biết cúi đầu để “Tạ tình” với đời, với nghĩa nặng tình sâu, tạ tình với trăng, với rượu, với em:
“Vì anh duyên nợ em đau/ Mặn mưa chát nắng nát nhàu bấy nhiêu…
Tạ tình em bao tháng ngày/ Tiếng lòng anh nấc khúc này gửi em”.
Đến tận cùng của tiếng lòng thì những câu lục bát của Thanh Hiếu trở về nguyên vẹn sự lịch lãm, đam mê, hiến dâng, yêu thương không toan tính: “Hằng hà sa số khúc ru/ Anh xin một khúc ru thu muộn mằn.” (Khúc ru mùa thu).
Có lẽ trong lịch sử ngàn đời của những bài thơ tình thì những câu thơ có cụm từ: “Anh xin…” bao giờ cũng là những câu thơ dễ làm lay động lòng người nhất! Trong thơ của Thanh Hiếu cụm từ này cũng đã được nhiều lần nhắc lại.
Thanh Hiếu có nhiều lục bát “Một mình”, nhưng “Một mình ngồi xoa bàn chân, hỏi bao nhiêu bước xa gần đời ta?” là một tứ rất lạ. Xoa tay thì nhiều, nhưng xoa chân thì chỉ có trong thơ Thanh Hiếu.
“Ta đi từ thuở bình minh/ Ngọt bùi cay đắng giật mình: hoàng hôn/ Vấp lên ngã xuống điếng hồn/ Nụ cười nước mắt trượt trơn dặm dài”.
Xoa chân để ngẫm đời, giống như một lão nông, một nắng hai sương dãi dầu trên đồng ruộng cả ngày để rồi đêm về tặc lưỡi “Xoa chân nghĩ ngợi ngày mai… phải bước cho hết trần ai… lên đường”.
Trong lục bát “Một mình ngồi xoa bàn chân” mang đậm chất Thanh Hiếu. Với chiêm nghiệm sảng khoái, lạc quan, không gục ngã. Rồi khi bình minh thức giấc, “lão nông” Thanh Hiếu lại lên đường cùng với “Khăn gói yêu thương” của em, của mọi người.
Đấy mới chính là một Thanh Hiếu, lúc đầy, lúc vơi, lúc say say, chuếnh choáng, lúc mơ lúc thực… nhưng khi đã đi là đến, khi đã làm là hết mình.
Đọc lục bát Thanh Hiếu với nhiều cung bậc cảm xúc nhưng đọng lại là vị ngọt của năng lượng tích cực, là cái duyên ngầm của những câu lục bát với cách sử dụng tu từ láy âm rất riêng, vừa dân gian, vừa điệu nghệ. Vì vậy ta không ngạc nhiên khi thơ Thanh Hiếu được phổ nhạc lại làm đắm say lòng người đến vậy!
Còn rất nhiều đề tài thú vị để nói trong lục bát của Thanh Hiếu. Nhưng chắc chắn chuyện của thơ, của rượu, của trăng, của em, của “Một mình” Thanh Hiếu không thể nói hết một lần.
Xin nợ với “Tự khúc” của Thanh Hiếu. (*): Thanh Hiếu – Bút danh của ông Phan Mạnh Hùng – Chủ tịch Công đoàn Cao su Việt Nam.
UYÊN KHANH
Related posts:
- Chuyện chàng trai đưa lan về rừng
- “Chứng nhận phát triển bền vững nâng cao vị thế thương hiệu sản phẩm”
- Thanh xuân không hối tiếc!
- Mỗi chuyến đi, một trải nghiệm
- Cây cao su ở Việt Nam dưới góc nhìn Lịch sử - Sinh thái (1897 - 1975)
- Phun phòng trị phấn trắng - giải pháp hiệu quả cho vườn cao su ở Tây Nguyên
- Về thăm làng nghề thổ cẩm
- Thay đổi theo hướng phát triển bền vững để duy trì thị phần tiêu thụ cao su lâu dài và ổn định
- Chung tay xây dựng "tập đoàn mạnh - công nhân giàu"
- Thú vị nghề MC đám tiệc