Phun phòng trị phấn trắng – giải pháp hiệu quả cho vườn cao su ở Tây Nguyên

CSVN – Từ nhiều năm qua, sự thành công về mặt sản lượng của các công ty Tây Nguyên không thể không nhắc đến công tác phun phòng trị bệnh phấn trắng. Đây là giải pháp quan trọng đã tạo nên những bước đột phá trong công tác khai thác sản lượng, góp phần quan trọng vào việc các đơn vị luôn về đích sớm.

Lãnh đạo Cao su Chư Prông kiểm tra việc pha thuốc
Khẳng định tính hiệu quả

Năm 2012, Cao su Kon Tum là đơn vị đầu tiên trên địa bàn Tây Nguyên tiến hành phun phòng trị phấn trắng cho vườn cây khai thác. Liên tiếp trong những năm sau đó, năng suất, sản lượng vườn cây của Cao su Kon Tum không ngừng được cải thiện và nhanh chóng tham gia vào CLB 2 tấn/ha của VRG, là đơn vị đầu tiên ở Tây Nguyên có vườn cây đạt năng suất bình quân toàn công ty từ 1,8 tấn/ha trở lên. Đến nay, công ty đã có 11 năm liên tiếp là thành viên của CLB 2 tấn/ha.

Năm 2014 để đánh giá tính hiệu quả của công tác phun phòng phấn trắng, VRG đã tổ chức “Hội nghị tổng kết công tác phun phòng bệnh phấn trắng khu vực Tây Nguyên – Duyên hải miền Trung và Lào” tại Cao su Kon Tum.

Tại Hội nghị năm ấy, ông Lê Minh Châu khi đó là Phó TGĐ VRG đã khẳng định: “Nhìn những tán lá không đốm trắng, phát triển xanh tươi chúng ta phần nào khẳng định rằng, bệnh phấn trắng đã được đẩy lùi một cách có hiệu quả, đây là minh chứng và cũng là thực nghiệm giúp chúng ta tin tưởng hơn trong việc phun phòng trị phấn trắng”.

Sau Hội nghị năm 2014, hầu hết các đơn vị trên địa bàn Tây Nguyên đều có kế hoạch phun phòng phấn trắng hàng năm, thậm chí đã có rất nhiều đơn vị ở khu vực Đông Nam bộ, Duyên hải miền Trung cũng về tham quan, học tập mô hình phun phòng phấn trắng ở Cao su Kon Tum nói riêng và các đơn vị trên địa bàn Tây Nguyên nói chung.

Đến năm 2018, VRG tổ chức Hội thảo về công tác phun phòng phấn trắng trên địa bàn Tây Nguyên với sự tham dự của 7 đơn vị ở Gia Lai – Kon Tum. Tại Hội thảo, các đơn vị đã được Cao su Kon Tum đưa đi thực địa 2 vườn cây phun và không phun phòng phấn trắng nhằm có cái nhìn khách quan về tầm quan trọng của công phác phun phòng phấn trắng. Đồng thời so sánh, phân tích về tính hiệu quả và chỉ ra những hạn chế, tồn tại cần khắc phục.

Kết luận buổi Hội thảo, ông Lại Văn Lâm lúc đó là Trưởng Ban QLKT VRG cho rằng: “Công tác phun phòng phấn trắng cho vườn cây cao su khai thác là rất cần thiết và phải được lãnh đạo các đơn vị quan tâm một cách nghiêm túc”.

Đến nay, sau hơn 10 năm tiến hành phun phòng phấn trắng cho vườn cây cao su khai thác, hầu hết các công ty đều khẳng định hiệu quả. Vì thế, năm 2022 tất cả 9 công ty trên địa bàn Tây Nguyên đều tổ chức phun phòng phấn trắng cho những diện tích chủ lực, cho năng suất và sản lượng cao. Cụ thể, Cao su Chư Păh xây dựng kế hoạch phun 3 đợt, tổng diện tích hơn 4.386ha; Cao su Chư Mom Ray tiến hành phun 2 đợt với 1.074 ha; Cao su Sa Thầy trên 850 ha; Cao su Kon Tum phun cho 5.577 ha với việc phun 3 lần đơn; Cao su Chư Prông tổ chức phun cho 2.419 ha; Cao su Ea H’leo phun trên 3.371 ha…

Báo cáo, đánh giá tổng kết công tác phun phòng phấn trắng năm 2022, đại diện các đơn vị ở Tây Nguyên đều có chung kết luận, toàn bộ vườn cây đã giữ được bộ tán lá ổn định từ 90% lượng sinh khối lá trở lên, lá xanh bóng, bộ lá ổn định, xanh tốt, phát triển đồng đều, độ phủ kín nhanh. Hiệu quả phun thuốc tương đối cao, diện tích được phun thuốc phòng trị bệnh có bộ lá xanh đậm, bóng, vườn cây có độ che phủ cao.

Phun phòng phấn trắng ở Cao su Kon Tum
Chủ động ứng phó

Ông Lê Khả Liễm, nguyên TGĐ Cao su Kon Tum từng chia sẻ: “Thời điểm phun là cực kỳ quan trọng, tổ chức phun khi vườn cây ra lá hơn 10% và thực hiện phun từ 16 giờ ngày hôm trước đến 9 giờ sáng hôm sau, việc phun thuốc đạt hiệu quả tốt nhất là tuân thủ nguyên tắc 4 đúng trong bảo vệ thực vật “đúng thuốc, đúng lúc, đúng cách và đúng liều lượng”. Đồng thời, phải chủ động tạo ra đội ngũ nhân lực chuyên nghiệp, dồi dào để có thể đảm bảo sự thay thế khi cần thiết”. Với điều kiện thời tiết luôn diễn biến bất ổn và khắc nghiệt như ở Tây Nguyên, hiệu quả ở mỗi đơn vị khác nhau, có công ty chỉ cần phun 1 – 2 đợt bệnh giảm rõ rệt, nhưng cũng có đơn vị phun đến 3 – 4 đợt, thậm chí như Cao su Chư Păh từng phun đến 5 đợt mới có thể khống chế được dịch.

Trước tình hình diễn biến thời tiết khó lường của những ngày đầu năm 2023, phấn trắng có dấu hiệu bùng phát và lây lan diện rộng, ông Võ Toàn Thắng – TGĐ Cao su Chư Prông cho hay: “Chúng tôi đang theo dõi sát tình hình bệnh phấn trắng, xử lý theo báo cáo hàng ngày của các đơn vị để có kế hoạch cụ thể”. Trong khi đó, Cao su Mang Yang, Cao su Kon Tum, Ea H’leo…và nhiều đơn vị khác đã sớm chủ động làm tờ trình vào cuối năm 2022 gửi lãnh đạo VRG phê duyệt kế hoạch phun phòng phấn trắng năm 2023. Các công ty cho hay, sẽ tập trung vào phun những diện tích cao su chủ lực, có năng suất và sản lượng cao.

Anh Nguyễn Trung Kiên – Phó TGĐ Cao su Chư Prông chia sẻ: “Năm nay, dường như thời tiết diễn biến khó lường. Nhiệt độ trong ngày thay đổi liên tục, sáng lạnh chiều nóng, có hôm thì mưa… nhưng công ty sẽ nỗ lực để giữ được bộ lá”.

Tại Cao su Kon Tum, hiện nay hầu hết các nông trường đều có từ 2 – 3 máy thường trực, bên cạnh đó các nông trường cũng đã chủ động đặt vấn đề với các hộ dân có máy phun để khi cần sẽ đồng loạt phun cho kịp tiến độ nếu phấn trắng bùng phát bệnh.

VĂN VĨNH