CSVN – Hành trang vào Nam lập nghiệp của gần 600 lao động người Hà Giang chỉ vỏn vẹn có ba lô quần áo và một ít tiền dành dụm làm lộ phí. Bao nhiêu đó con người là bấy nhiêu kỳ vọng ở chuyến đi xa này. Họ tin tưởng rằng, cây cao su và “đất lành” Đồng Nai sẽ giúp họ có cuộc sống ấm no hơn.
“Thấy tận mắt, sờ tận da” cây cao su
Gần 40 năm trong đời, chưa bao giờ vợ chồng anh Tẩn Xuân Quang và chị Ly Thị Lan (huyện Sính Mần, tỉnh Hà Giang) nghĩ rằng mình sẽ đi xa quê hương. Ấy nhưng cuộc sống phải chạy từng bữa cho gia đình 4 miệng ăn, hai con lại đang tuổi đến trường, tất cả chỉ chờ đợi vào đàn lợn, năm nào được giá thì anh chị tằn tiện tiết kiệm được 50 triệu, còn không thì cũng chỉ đủ sinh hoạt phí.
Tết Nguyên đán 2022 vừa rồi, khi gia đình anh còn lo lắng vì dịch bệnh nên khó khăn hơn những năm trước thì tiền đâu mà sắm sanh Tết nhất, nhưng rồi anh em trong bản đi xa về có tiền sửa sang nhà cửa, lại còn có của dư để ngân hàng, vợ chồng nào ít thì cũng hơn 100 triệu đồng, vợ chồng nào nhiều cũng phải ngót nghét tận 200 triệu đồng. Thăm hỏi thì anh được biết mọi người vào làm công nhân cao su tại Đồng Nai. Nói rồi, vợ chồng anh cũng không phải đắn đo suy nghĩ gì nhiều mà thống nhất chờ Tết xong vào Nam lập nghiệp cùng bà con.
Anh nói: “Trước đây, vợ tôi cũng đã từng đi làm công nhân trong khu công nghiệp ở Bắc Ninh nhưng thu nhập cũng ít lắm. Quanh năm suốt tháng ở ngoài này, đất đai không có nhiều nên cả gia đình chỉ trông chờ vào nương ngô, sào lúa, chăn nuôi nhỏ lẻ. Tôi tin rằng, anh em họ đi 1 năm mà đã dư dả thì vợ chồng tôi cũng sẽ cố gắng để làm. Cả hai vợ chồng đều là đảng viên, nếu đi xa thì không thể nào sinh hoạt Đảng ở ngoài này được, do đó, chúng tôi đã làm thủ tục chuyển sinh hoạt Đảng vào trong này cho thuận tiện”.
Lần đầu tiên “thấy tận mắt, sờ tận da” cây cao su, anh chị cũng thấy lạ lẫm, nhưng đã làm nông nghiệp trước đây thì việc thao tác trên cây cao su là không khó mấy. Anh chị và bà con mới vào được đơn vị tập huấn lý thuyết và thực hành về trang bị miệng cạo, kỹ thuật cạo mủ nên dần dần quen tay.
Gần đến giờ nghỉ trưa, cả hai vợ chồng vẫn miệt mài thiết kế miệng cạo. Chúng tôi hỏi anh về thời gian đầu vào đây như thế nào, anh chia sẻ chân tình: “Lúc đầu cũng lo lắng lắm vì xa quê, không biết trong đây điều kiện việc làm như thế nào nhưng vào đây rồi là thấy yên tâm. Lãnh đạo nông trường rất quan tâm đến anh chị em, chúng tôi được hỗ trợ về nơi ở, vật dụng cần thiết để sinh hoạt, nấu nướng, công việc cũng ổn lắm, chưa thấy vất vả gì. Chúng tôi nghe nói làm công nhân cao su phải có tay nghề giỏi, phải siêng mới có thu nhập cao, do đó ai cố gắng lắm”.
Ngày 28/2/2022 có lẽ là ngày không thể quên đối với anh Nguyễn Văn Thịnh – Phó GĐ Nông trường Cẩm Mỹ khi anh được giao nhiệm vụ đón bà con người Mông từ Hà Giang vào làm công nhân cao su. Đây cũng là năm đầu tiên Nông trường Cẩm Mỹ thu tuyển lao động Hà Giang. Nhìn bà con khăn gói vào Nam, anh thấy được hình ảnh của mình hơn 30 năm trước cũng một mình xách balo từ ngoài Bắc vào Đồng Nai lập nghiệp. Đã từng trải qua hoàn cảnh như vậy nên anh thấu hiểu và chia sẻ với những khó khăn bước đầu bà con đến còn “lạ nước lạ cái”. Anh động viên, khích lệ bà con nỗ lực làm việc để có thu nhập tốt, ổn định cuộc sống, có điều kiện nuôi con học hành thành tài.
Anh cho biết: “Đợt này nông trường đón 26 công nhân Hà Giang, trong đó có 12 cặp vợ chồng và 2 người là anh em họ hàng. Ba ngày đầu khi bà con vào, nông trường thuê người nấu bếp ăn tập thể, sau đó nông trường mua bếp gas, nồi cơm điện, xoong nồi, chén bát và các tổ chức đoàn thể hỗ trợ nhu yếu phẩm cần thiết để bà con chủ động trong ăn uống. Nông trường tìm mua xe máy cũ để bà con thuận tiện hơn trong việc đi ra lô. Chúng tôi quan tâm, chăm lo cho bà con bằng hành động cụ thể chứ không phải bằng lời nói, vì vậy bà con thấy được và đã gọi điện về quê để gọi thêm người quen vào làm, sắp tới có thêm 16 lao động Hà Giang vào “đầu quân” tại nông trường”.
Gởi niềm tin, hy vọng vào “đất lành”
Vượt hơn 1.900km từ Hà Giang vào Đồng Nai làm công nhân cao su, gia tài anh Lù Văn Nghiêm và chị Cháng Thị Máy mang theo 6 triệu đồng, chi phí xe cộ hết phân nửa, phần còn lại dằn túi để sinh hoạt trong thời gian đầu. Lần đầu tiên vào Nam và cũng là lần đầu tiên đi xa quê đến vậy nhưng anh chị có một niềm tin mãnh liệt với vùng đất này.
Chị Máy tâm sự: “Gia đình tôi có 3 người con, 1 cháu đã đi làm, còn 2 cháu đang đi học. Chúng tôi ráng làm để có tiền cho con vào đại học. Ngoài ra, hàng tháng còn hỗ trợ cho bố mẹ già nên cần rất nhiều chi phí. Ngày mới vào chưa quen đâu, thời tiết rất nóng nhưng rồi cũng dần quen. Vợ chồng tôi xác định đi lập nghiệp là phải bám trụ chứ không được bỏ ngang giữa chừng. Anh em trong nông trường rất quan tâm đến đời sống của bà con mới vào, sau khi ổn định, chúng tôi sẽ được TCT hỗ trợ tiền vé xe đi vào đây. Chúng tôi vui lắm. Ban ngày đi làm, tối đến chúng tôi tranh thủ buộc kiềng để ngày mai thao tác trên vườn cây cho nhanh”.
Trong buổi gặp gỡ công nhân Hà Giang mới vào làm việc, chị Lê Thị Hoài Hương – GĐ Nông trường An Viễng cam kết với bà con là bất kỳ bà con gặp khó khăn gì đều có thể đề xuất ý kiến, nông trường sẽ hỗ trợ kịp thời. Chị cười quả quyết rằng: “Bà con yên tâm vì Hương chăm lo cho công nhân còn hơn lo cho chồng”.
Cũng như chị Hương, chị Thái Thị Oanh – GĐ Nông trường Long Thành những ngày đầu mùa cạo rất tất bật bởi năm nay nông trường tiếp nhận gần 100 bà con Hà Giang vào làm việc. Trong lúc chờ công nhân đi làm về để trao quà, chị vội vã ăn chiếc bánh mì cho buổi trưa vào lúc 4h chiều. Chị hỏi cán bộ nông trường: “3 chuyến xe đã chở công nhân về còn 1 chuyến chưa thấy đâu, em gọi hỏi tổ trưởng xem xe đã về chưa”.
Nói rồi, chị quay sang trao đổi với chúng tôi: “Năm nay số lượng bà con Hà Giang vào đông nên các công tác chuẩn bị về nơi ở và mua sắm các vật dụng cần thiết phải được chuẩn bị từ sớm và chu đáo hơn. Những ngày đầu nông trường chưa mua đủ xe máy cho bà con đi lô nên đã thuê xe lớn để chở bà con đi làm. Nông trường tin rằng với sự chăm lo đầy đủ điều kiện ăn ở và làm việc, bà con sẽ gắn bó dài lâu với đơn vị”.
Anh Lò Seo Páo – Tổ trưởng sản xuất Tổ 8, Nông trường Long Thành chia sẻ: “Bà con Hà Giang vào làm công nhân cao su qua mỗi năm lại càng nhiều hơn bởi nghe tin TCT trả lương cao và chế độ tốt qua những anh chị đã vào làm ở đây. Chính họ đã động viên chúng tôi vào đây. Theo tôi được biết, những anh chị đang công tác tại TCT cũng có rất nhiều người từ nơi khác đến lập nghiệp và ở lại đây, xem đây như là quê hương thứ hai của mình. Chúng tôi là những người xa quê, thời gian đầu sẽ có những khó khăn nhất định nhưng chúng tôi sẽ nỗ lực làm việc, hy vọng rằng mảnh “đất lành” này sẽ giúp chúng tôi có cuộc sống tốt hơn”.
HÀ KHUÊ
Related posts:
- Ông Huỳnh Tấn Siêu - Trưởng Ban Công nghiệp VRG: "Tăng sức cạnh tranh cho các sản phẩm công nghiệp"
- VRG vinh danh lực lượng tiêu biểu trong công tác phòng, chống dịch Covid-19
- Nông trường Long Tân giải nhất Hội thi Bàn tay vàng Cao su Phú Riềng
- Xen canh hiệu quả tại VKETI
- VRG ủng hộ đồng bào tỉnh Lai Châu bị thiệt hại do bão số 3
- 40 năm cây cao su làm thay đổi cuộc sống buôn làng Tây Nguyên
- VRG và Hội Nhà báo TP.HCM có nhiều chương trình phối hợp hiệu quả
- Tổ chức trực tuyến Lễ kỷ niệm 92 năm ngày truyền thống ngành cao su
- Công đoàn Công ty CP Gỗ MDF Kiên Giang nhiều sáng kiến mang lại hiệu quả thiết thực
- Chuyên gia Jom Jacob dự báo giá cao su năm 2023: Tín hiệu tích cực