CSVN – Đa dạng các sản phẩm nông, công nghiệp để nâng cao hiệu quả toàn diện của VRG, thời gian tới, với chiến lược dài hạn các công ty sản xuất sản phẩm công nghiệp của Tập đoàn đang đẩy mạnh tái cơ cấu hoạt động. Hướng đến tạo dựng thương hiệu VRG chung cho các sản phẩm công nghiệp cao su, xây dựng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm công nghiệp thương hiệu VRG. Ông Huỳnh Tấn Siêu – Trưởng Ban Công nghiệp VRG đã trao đổi với Cao su Việt Nam xung quanh vấn đề này.
– Thưa ông, ông đánh giá cụ thể như thế nào về hoạt động sản xuất kinh doanh của các công ty sản xuất sản phẩm công nghiệp thuộc VRG trong năm 2023 vừa qua?
Ông Huỳnh Tấn Siêu: Tập đoàn hiện có 5 công ty sản xuất sản phẩm công nghiệp: Công ty CPCS Bến Thành, Công ty CP VRG Khải Hoàn, Công ty CP Thể thao Ngôi sao Geru, Công ty CP Chỉ sợi Cao su SADO, Công ty CP Kỹ thuật Cao su Đồng Phú. Trước đây, Công ty CP CN & XNK Cao su có dây chuyền sản xuất sản phẩm công nghiệp cao su nhưng kể từ quý IV/2022, công ty đã ngưng sản xuất sản phẩm công nghiệp cao su do không có đơn hàng.
Các sản phẩm công nghiệp cao su của Tập đoàn hiện nay gồm: nệm gối cao su (DORUFOAM); găng tay Khải Hoàn (Vglove); bóng thể thao (Geru Star); chỉ sợi cao su (SADO); dây chuyền băng tải (Cao su Bến Thành)… Các sản phẩm này đã, đang khẳng định được uy tín trên thị trường, được khách hàng trong nước và quốc tế tin cậy. Ngoài ra, Tập đoàn còn có sản phẩm lốp xe mang thương hiệu ***VRG. Trong năm 2023, các công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp đều bị ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt sản lượng găng tay y tế giảm do nhu cầu thị trường nên hầu hết các sản phẩm còn lại không đủ bù khoản thiếu hụt doanh thu. Tổng doanh thu năm 2023 nhóm các công ty sản xuất sản phẩm công nghiệp cao su của 5 công ty khoảng 880 tỷ đồng (tương đương 73% kế hoạch năm). Tình hình SXKD của các công ty sản xuất sản phẩm công nghiệp trong năm 2023 gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng chung của tình hình suy thoái kinh tế thế giới, chiến tranh Nga – Ukraine, dẫn đến sản lượng tiêu thụ sản phẩm sụt giảm mạnh. Riêng sản phẩm lốp xe, Tập đoàn đi theo hướng xây dựng thương hiệu trước lúc thực hiện đầu tư nhà máy, đã phát triển sản phẩm lốp xe tải mang thương hiệu ***VRG, sản phẩm đạt tiêu chuẩn JIS D4230 của Nhật Bản và tiêu chuẩn quốc gia TCVN 7533:2005. Từ năm 2018 đến năm 2023,
Tập đoàn đã sản xuất và tiêu thụ 5.363 bộ lốp xe tải thương hiệu ***VRG (bao gồm chủng loại 8.25-16 và 9.00- 20). Ngoài ra, Tập đoàn đã sản xuất và tiêu thụ 10 chủng loại lốp xe 2 bánh thương hiệu ***VRG với số lượng 31.300 chiếc. Qua quá trình sử dụng, sản phẩm lốp xe thương hiệu ***VRG được khách hàng đánh giá là sản phẩm có chất lượng tốt, đúng quy chuẩn, đạt chất lượng về độ bám đường, khả năng chống mài mòn, chịu lực và có giá cả hợp lý.
– Thời gian tới, các công ty sản xuất sản phẩm công nghiệp thuộc VRG cần có những giải pháp gì để nâng cao hiệu quả hoạt động, thưa ông?
Ông Huỳnh Tấn Siêu: Những năm qua, hoạt động SXKD của ngành sản xuất sản phẩm công nghiệp cao su có sự gia tăng về mặt sản lượng, doanh thu, lợi nhuận (đặc biệt trong năm 2020, 2021 doanh thu và lợi nhuận của Công ty CP VRG Khải Hoàn tăng đột biến nhờ tiêu thụ tốt trong đại dịch Covid-19)… góp phần quan trọng vào việc hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch chung của Tập đoàn. Tuy nhiên, các công ty sản xuất sản phẩm công nghiệp cao su Tập đoàn vẫn còn tồn tại một số hạn chế chung nhất định, như: Các công ty chưa xây dựng được bộ quy chuẩn về mặt chất lượng riêng cho sản phẩm để tạo sự đột phá và sức mạnh cạnh tranh với các đối thủ khác trên cùng một lĩnh vực. Công nghệ sản xuất, dây chuyền thiết bị đa số đã được các công ty đầu tư khá lâu, đến nay đã lỗi thời lạc hậu dẫn đến khó đáp ứng được các đòi hỏi trong thị trường và khách hàng cạnh tranh như hiện nay. Công tác tiếp thị, quảng cáo sản phẩm của các công ty còn yếu, chưa tạo được sự lan tỏa và bùng nổ trên thị trường, từ đó dẫn đến hiệu quả SXKD vẫn còn thấp, chưa đạt được theo kỳ vọng.
Trước hình hình SXKD khó khăn trong các năm qua, các công ty sản xuất sản phẩm công nghiệp cao su của Tập đoàn đã cố gắng đưa ra nhiều giải pháp thiết thực nhằm đảm bảo hoạt động luôn hiệu quả, hầu hết các công ty tập trung vào các giải pháp cụ thể:
– Sắp xếp bộ máy tổ chức tinh gọn, hoạt động đồng bộ, hiệu quả nhằm thực hiện mục tiêu phát triển công ty theo hướng bền vững; xây dựng đội ngũ NLĐ tận tâm, giỏi tay nghề và am hiểu quy trình sản xuất.
– Tiếp tục thực hiện tiết kiệm trong sản xuất, cải tiến dây chuyền công nghệ, hạ giá thành sản phẩm; cải tiến kỹ thuật; tăng cường công tác kiểm soát, định mức vật tư, nguyên liệu, công lao động nhằm kiểm soát tốt chi phí sản xuất. Tăng cường công tác kiểm tra chất lượng sản phẩm.
– Đẩy mạnh công tác mở rộng thị trường, xây dựng chính sách bán hàng linh hoạt phù hợp với tình hình thị trường tiêu thụ của từng khu vực trong và ngoài nước. Giữ vững hệ thống bán hàng, gia tăng cạnh tranh với đối thủ trong và ngoài nước và các sản phẩm cùng phân khúc trên thị trường.
– Tiếp tục phát triển thương hiệu thông qua các hoạt động quảng cáo trên báo chí truyền thông như Tạp chí Cao su Việt Nam; tham gia các hội chợ lớn như Vifa, Vietbuil, các hội chợ xúc tiến thương mại trong và ngoài nước nhằm lan tỏa hơn nữa thương hiệu mà các công ty đã xây dựng được trong các năm qua.
– Xin ông chia sẻ về phương án tái cơ cấu hoạt động của các công ty sản xuất sản phẩm công nghiệp thuộc VRG?
Ông Huỳnh Tấn Siêu: Hiện nay lãnh đạo Tập đoàn đã trực tiếp chỉ đạo các công ty: Bến Thành, Khải Hoàn, Geru và CN & XNK Cao su thực hiện các Đề án tái cơ cấu giai đoạn 2024-2025, tầm nhìn đến 2030. Tập đoàn vẫn xác định các công ty thuộc nhóm ngành nghề SXKD chính của Tập đoàn, vì vậy, định hướng phát triển trong giai đoạn tiếp theo của các công ty vẫn theo hướng duy trì các sản phẩm thế mạnh hiện có, mở rộng phát triển một số sản phẩm mới dựa trên nền tảng sẵn có nhằm đáp ứng linh hoạt nhu cầu của thị trường. Về chi tiết phương án tái cơ cấu hoạt động của các công ty như sau: Công ty CP Cao su Bến Thành: Do lĩnh vực SXKD băng tải 1,4m trên thị trường hiện đã bão hòa, vì vậy công ty định hướng đầu tư thêm dây chuyền băng tải với khổ rộng 2m, công suất 130.000 m2/ năm nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng hóa sản phẩm từ khổ 0,5m đến 2m của toàn nhà máy. Mặt khác, dây chuyền mới này không chỉ sản xuất băng tải khổ lớn từ 1,5m đến 2m mà còn sản xuất được khổ nhỏ hơn từ 0,5m đến 1,4m như dây chuyền hiện tại đang hoạt động tại nhà máy, mục tiêu sẽ đáp ứng đầy đủ, đa dạng nhu cầu sử dụng băng tải của khách hàng.
Ngoài ra, trong giai đoạn đến năm 2030 ngoài việc định hướng đầu tư dây chuyền sản xuất băng tải với khổ rộng đến 2 m thì Bến Thành vẫn sẽ tiếp tục nghiên cứu các giải pháp để nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí giá thành, cũng như sẽ tìm kiếm thêm các khách hàng mới và các dòng sản phẩm cao su kỹ thuật mới nhằm tăng hiệu quả hoạt động cho công ty.
– Công ty CP VRG Khải Hoàn: Công ty là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong ngành công nghiệp sản xuất găng tay y tế của Việt Nam. Tuy nhiên, hiện công ty đang gặp rất nhiều khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, dây chuyền công nghệ đầu tư đã lâu (line đơn), chi phí giá thành sản xuất cao và không thể cạnh tranh lại các sản phẩm công nghệ mới (line đôi). Vì vậy trong thời gian tới, định hướng trọng tâm công ty sẽ xây dựng phương án cải tạo, thay thế các line đơn thành các line đôi kể từ năm 2025 trở đi và kế hoạch một năm sẽ đưa 1 line đôi vào sản xuất để thay thế 2 line đơn hiện tại nhằm nâng công suất sản xuất từ 460 thùng/ngày/2 line đơn lên 600 thùng/ngày/1 line đôi. Ngoài ra, việc tăng line đôi sẽ làm giảm được tỷ lệ hàng lỗi, do đây là line mới và cũng là định hướng để sắp xếp lại hệ thống lò hơi, cơ cấu sản phẩm hàng năm của công ty.
– Công ty CP CN&XNK Cao su: Hiện dây chuyền sản xuất “đồ chơi cho thú cưng” ở Xí nghiệp Cao su Kỹ thuật Tam Hiệp của công ty nằm tại Khu công nghiệp Biên Hòa 1 đang chuẩn bị di dời theo chủ trương của tỉnh Đồng Nai. Tuy nhiên đến nay địa phương vẫn chưa thông báo cụ thể về thời gian và phương án di dời nên dây chuyền sản xuất “đồ chơi cho thú cưng” chỉ sản xuất cầm chừng, không thể đầu tư và mở rộng. Trong thời gian tới, đơn vị sẽ tập trung tìm kiếm vị trí sản xuất mới phù hợp quy hoạch để sản xuất lâu dài và ổn định. Trước đây đơn vị cũng từng sản xuất đế giày, vòng phớt, tấm chắn bùn, thảm cao su và nhiều loại khác, tuy nhiên do đơn hàng nhỏ lẻ, do giới hạn về nguồn lực tài chính, thiết bị, công nghệ, khuôn mẫu và quy hoạch nơi sản xuất nên hiện không còn sản xuất và chỉ duy trì sản xuất cầm chừng sản phẩm đồ chơi cho thú cưng trong thời gian chờ đợi di dời theo quy hoạch.
– Công ty CP Thể thao Ngôi sao Geru: Công ty có công nghệ và kinh nghiệm sản xuất dụng cụ thể dục thể thao lâu năm, đồng thời đã xây dựng được thương hiệu mạnh trong ngành dụng cụ thể dục thể thao. Vì vậy, công ty có ưu thế có thị trường và lượng khách hàng rộng khắp cả trong và ngoài nước. Định hướng trong thời gian tới, công ty vẫn tiếp tục giữ nguyên các sản phẩm truyền thống, phát triển thêm sản phẩm thú cưng bơm hơi, bóng luyện tập sức khỏe (Maedicine balls), bóng cho người khuyết tật (Boccica). Khó khăn hiện nay của công ty là vị trí trú đóng mặt bằng hẹp, nhà máy nằm trong khu nội đô, không nằm trong khu công nghiệp, máy móc và thiết bị đã cũ, lạc hậu, vì vậy, việc mở rộng dây chuyền sản xuất gặp nhiều khó khăn. Về tầm nhìn đến năm 2030, nếu địa phương không yêu cầu di dời, chỉ yêu cầu di dời một phần nhà xưởng của công ty do liên quan đến công tác bảo vệ môi trường như: nồi hơi, cán luyện, hệ thống nước thải, hệ thống hút mùi… thì công ty định hướng sẽ thực hiện phương án di dời một phần và cho thuê mặt bằng hiện có. Cụ thể là di dời các máy móc thiết bị sản xuất bóng cao su và vẫn duy trì sản xuất tại công ty các bộ phận như: văn phòng, kho thành phẩm, sản xuất bóng khâu, bóng dán (do một phần đã gia công ngoài)… diện tích di dời khoảng 3.000 m2 (di dời từ khu vực cán luyện đến bộ phận cơ khí). Tuy nhiên, việc di dời nhà xưởng là phương án cần tính toán kỹ để đảm bảo duy trì phát triển sản phẩm của công ty.
– Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của ông!
THIÊN HƯƠNG (thực hiện)
Related posts:
- Lãnh đạo VRG thăm, trao hỗ trợ các công ty cao su và địa phương khắc phục thiệt hại bão số 3
- Thư ngỏ Vận động tài trợ, đóng góp cho “Quỹ hỗ trợ Làng Công nhân cao su”
- Ngành gỗ nỗ lực phục hồi sau đại dịch Covid-19
- Cao su Bến Thành: Nhiều giải pháp ổn định nguồn nguyên liệu, tăng cường hợp tác, gia tăng thị phần
- Tiếp tục tìm kiếm giải pháp nâng thu nhập người lao động
- Tranh tài quyết liệt trong ngày hội lớn
- Hội thi Bàn tay vàng là lễ hội truyền thống, mang tính biểu tượng của ngành cao su
- Các công ty thủy điện hoạt động hiệu quả, đóng góp vào doanh thu của VRG
- Sôi nổi ngày hội bàn tay vàng Cao su Đồng Phú
- Tiếp tục tìm phương án tháo gỡ khó khăn ở Cao su Mang Yang