CSVNO – Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị Thủ tướng Chính phủ Chỉ đạo chính thức bổ sung đối tượng công nhân lao động tại các doanh nghiệp vào danh sách nhóm đối tượng được ưu tiên sớm tiêm vắc-xin phòng COVID-19.
Ngày 26/5, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi đợt dịch COVID-19 lần thứ 4.
Theo báo cáo của các cấp công đoàn, cả nước đã có hàng nghìn ca dương tính với Sars-CoV-2, hàng vạn F1, hàng chục vạn F2 là công nhân, viên chức, lao động. Con số này vẫn đang tiếp tục tăng lên hằng ngày. Đã có hàng trăm doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động, đe dọa đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất; hàng trăm nghìn người lao động phải nghỉ việc, mất việc làm do bị cách ly, nằm trong khu vực phong tỏa hoặc do doanh nghiệp dừng hoạt động.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về chiến lược mua vắc-xin và huy động mọi nguồn lực trong xã hội để người dân có thể tiếp cận vắc-xin phòng COVID-19 nhanh nhất, nhằm kiểm soát dịch bệnh và tiếp tục thực hiện mục tiêu kép “vừa chống dịch thành công, vừa phát triển kinh tế – xã hội toàn diện”, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị Thủ tướng Chính phủ Chỉ đạo chính thức bổ sung đối tượng công nhân lao động tại các doanh nghiệp vào danh sách nhóm đối tượng được ưu tiên sớm tiêm vắc-xin phòng COVID-19 để bảo vệ sức khỏe người lao động, giảm thiểu nguy cơ bùng phát dịch tại doanh nghiệp, khu công nghiệp.
Có chính sách cho phép doanh nghiệp được hạch toán kinh phí mua vắc-xin phòng COVID-19 cho công nhân lao động hoặc kinh phí tài trợ cho Quỹ vắc-xin vào chi phí hợp lý, hợp lệ của doanh nghiệp để tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đang phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam kêu gọi, vận động các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh mua vắc-xin để tiêm cho người lao động tại doanh nghiệp của mình; hỗ trợ, tài trợ cho Quỹ vắc-xin phòng dịch COVID-19.
Tiếp tục chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các địa phương phối hợp với tổ chức công đoàn và các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân chăm lo đảm bảo an toàn cho công nhân lao động đang điều trị, đang cách ly hoặc đang phải nghỉ việc do doanh nghiệp ngừng hoạt động; duy trì cuộc sống và sinh hoạt ở mức cần thiết; hỗ trợ đặc biệt đối với các công nhân đang mắc bệnh hiểm nghèo, tai nạn lao động, đang mang thai hoặc nuôi con nhỏ.
Có chủ trương cho phép sử dụng số kinh phí còn lại của ngân sách nhà nước chưa thực hiện của gói hỗ trợ theo Nghị quyết 42/NQ-CP để hỗ trợ trực tiếp cho người lao động bị ảnh hưởng đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 tại các khu công nghiệp, nhất là các đối tượng người lao động là F0 đang điều trị bệnh; người lao động đang phải nghỉ việc trong các khu cách ly tập trung, cách ly tại nhà, hoặc đang cư trú trong các khu vực phong tỏa y tế.
Nội dung hỗ trợ có thể là tiền lương ngừng việc hoặc miễn phí tiền ăn, tiền sinh hoạt, chi phí xét nghiệm và test nhanh COVID-19 mà người lao động đang phải trả theo Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 08/2/2021 của Chính phủ về chi phí cách ly y tế, khám, chữa bệnh và một số chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch.
theo dangcongsan.vn
Related posts:
- Đừng tự làm khổ mình, khổ người
- Hãy để con tự quyết định
- Gặp người “giải cứu” hàng chục máy cày bị… đắp chiếu!
- Cao su Sa Thầy hướng về miền Nam thân thương
- Tiếp tục quan tâm, chia sẻ, hỗ trợ
- Tin khẩn của Bộ Y tế: Từ hôm nay cách ly tập trung dài hơn 14 ngày
- Chồng bị coi thường
- Chiến lược vaccine COVID-19 sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển
- Kiên cường đấu tranh, thắng lợi trọn vẹn
- Trung thu ấm áp