CSVNO – Chính quyền TP HCM cam kết cung cấp đầy đủ hàng hóa và an sinh xã hội cho tất cả người dân khi thành phố thực hiện ‘ai ở đâu yên đó’, từ 23/8 đến 6/9.
Không thực hiện phong tỏa TP.HCM trong 2 tuần tới
Chiều 21/8, ông Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM, và ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19, chủ trì buổi họp báo cung cấp thông tin, truyền truyền phòng chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn TP.HCM trong những ngày sắp tới.
Ông Phạm Đức Hải, Phó Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 TP.HCM cho biết, Thành phố cam kết đảm bảo cung cấp đầy đủ hàng hóa và an sinh xã hội cho tất cả người dân khi thành phố thực hiện “ai ở đâu yên đó” từ ngày 23/8 đến 6/9, vì vậy người dân cần bình tĩnh, không hoang mang lo lắng mà đổ ra đường mua sắm, tích trữ thực phẩm, hàng hóa như hiện nay.
Theo ông Phạm Đức Hải, sau khi thành phố thông tin sẽ tiếp tục tăng cường, nâng cao các biện pháp chống dịch tương xứng với tính chất và mức độ lây lan của dịch bệnh Covid-19, do tâm lý lo lắng, nên sáng nay người dân ra đường rất đông, mua sắm, tích trữ hàng hóa. Điều này gây ra tình trạng mất trật tự, ảnh hưởng tới giãn cách xã hội, đe dọa trực tiếp với nguy cơ làm lây lan dịch bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Nếu tình trạng này không chấm dứt thì sẽ khó kiểm soát được dịch bệnh.
“Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 TP.HCM khẳng định, không thực hiện phong tỏa TP.HCM trong 2 tuần tới. TP.HCM không thực hiện tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh. Mà TP.HCM tiếp tục tăng cường, nâng cao các biện pháp tương xứng với tính chất, mức độ lây lan với dịch bệnh”, ông Phạm Đức Hải khẳng định.
Cũng theo ông Hải, TP.HCM tăng cường 4 điểm: tăng cường lực lượng: gồm y tế, công an, quân đội, và nhiều lực lượng cán bộ, công chức, người tình nguyện. “Công an, quân đội, y tế đã có, đồng thời đã được Trung ương tăng cường, giờ tiếp tục tăng cường”, ông Hải nói.
TP.HCM tiếp tục tăng cường phương tiện: gồm máy móc thiết bị, xe xét nghiệm, dụng cụ xét nghiệm, thuốc…
Tăng cường lương thực, thực phẩm, để tiếp tục chăm lo đời sống người dân tốt hơn, để người dân yên tâm phòng chống dịch bệnh. Ông Hải cũng cho biết, Chính phủ vừa tăng cường cho TP.HCM 71.000 tấn gạo.
Tăng cường siết chặt, vì giãn cách chưa nghiêm nên giờ phải siết chặt để giãn cách nghiêm hơn. “Vì kỷ luật kỷ cương chưa nghiêm nên giờ phải tăng cường siết chặt nghiêm hơn”, ông Hải nói.
Tổ công tác đặc biệt đi chợ thay người dân khu phong tỏa
Ông Phạm Đức Hải cho biết, từ 0 giờ ngày 23/8 đến hết ngày 6/9, TP.HCM tăng cường thực hiện một số biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 với phương châm “xây dựng mỗi phường, xã, thị trấn; mỗi cơ quan, nhà máy, xí nghiệp là một pháo đài phòng, chống dịch”.
Thực hiện triệt để giãn cách xã hội; thực hiện nghiêm “nhà cách ly với nhà, tổ dân phố cách ly với tổ dân phố, khu phố ấp cách ly khu phố ấp, phường xã cách ly phường xã”.
“Điểm đặc biệt lần này là Thành lập Tổ công tác đặc biệt tại các phường xã thị trấn. Trong đó, tập trung tại những vùng nguy cơ cao (vùng cam) và nguy cơ rất cao (vùng đỏ).
Tổ công tác đặc biệt gồm Chủ tịch UBND phường xã thị trấn, công an, quân đội, công chức, viên chức, cán bộ xã, thành viên tổ Covid cộng đồng. Có nhiệm vụ tham gia công tác kiểm tra, nhắc nhở, tuyên truyền vận động người dân thực hiện tốt giãn cách xã hội. Duy trì các tổ tự quản bảo vệ vùng xanh, đi chợ thay cho người dân thực hiện an sinh xã hội. Tổ công tác hoạt động gắn với địa bàn phường, xã quản lý.
Ông Hải cũng cho biết, TP.HCM sẽ phân vùng, mỗi vùng sẽ có quy định khác nhau. Ở “vùng xanh” (vùng an toàn) và “vùng vàng” (nguy cơ thấp) thành phố chia làm 2 nhóm. Với người dân có điều kiện, chưa cần sự hỗ trợ của cơ quan chức năng có thể đi chợ một lần mỗi tuần. Những người có hoàn cảnh khó khăn sẽ nhận được gói hỗ trợ của thành phố.
Hiện TP.HCM đã chuẩn bị 2 triệu gói hỗ trợ an sinh và có thể nhiều hơn, cùng với các gói hỗ trợ theo Nghị quyết 68 của Chính phủ, Nghị quyết 09 của HĐND TP.HCM để giúp đỡ, chăm sóc cho người có hoàn cảnh khó khăn.
“Tổ công tác đặc biệt sẽ phát các gói hỗ trợ an sinh này tới người dân một tuần một lần. Không phải là lực lượng quân đội như các báo đã đưa”, ông Hải nói.
Đối với “vùng cam” (nguy cơ cao) và “vùng đỏ” (nguy cơ rất cao), TP.HCM cũng chia ra hai nhóm tương tự. Với người dân có điều kiện, chưa cần hỗ trợ, thì Tổ công tác đặc biệt sẽ đi chợ giúp và người dân trả tiền, một tuần một lần. Những người có hoàn cảnh khó khăn, sẽ nhận được các gói hỗ trợ.
“Thành phố đã cung cấp cho các phường, xã gần 3.000 địa chỉ cung ứng hàng hóa thiết yếu. Trường hợp địa bàn thiếu hàng hóa, TP.HCM sẽ đưa xe lưu động mang lương thực, thực phẩm, hàng hóa tới để người dân mua”, ông Phạm Đức Hải khẳng định.
Thành phố đã hết sức cố gắng, dự liệu các phương án, các giải pháp cụ thể. Tuy nhiên, theo ông Hải, khi triển khai, chắc chắn sẽ còn một số trục trặc, thiếu sót, có thể hàng hóa tới chậm, có thể đi chợ chưa hài lòng… Mong bà con, nhân dân Thành phố gọi ngay cho Tổ công tác để điều chỉnh.
Chúng ta đang ứng phó với biến chủng Delta phức tạp, khó lường, lây lan rất nhanh. TP.HCM trân trọng đề nghị người dân bình tĩnh, cảnh giác, thực hiện tốt các giải pháp phòng chống dịch theo phương châm 5K + vacxin + thuốc. Chúng ta cùng nhau thắt lưng buộc bụng trong 14 ngày, sẵn sàng chia sẻ khó khăn, cùng chung tay, đoàn kết. Chúng ta sẽ vượt qua dịch bệnh”, Phó trưởng Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải kêu gọi.
theo Nông nghiệp Việt Nam
Related posts:
- Đừng quá hoang mang!
- TPHCM sáng 23/8: Giãn cách nghiêm ngặt
- Áp lực ...về đích
- Gặp người “giải cứu” hàng chục máy cày bị… đắp chiếu!
- Dịch COVID-19 đã lây lan tại 22/25 tỉnh thành của Campuchia
- Thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch là thiết thực tri ân lực lượng tuyến đầu
- Chiến lược vaccine COVID-19 sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển
- Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam thông tin về gia hạn sử dụng vaccine Pfizer
- Giao các bộ, ngành tìm giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp
- Hãy để con tự quyết định