KỲ 2: Từ khó khăn gian khổ, đến Huân chương Sao Vàng
CSVN – Từ sau sự kiện Phú Riềng Đỏ 28/10/1929, ngọn lửa đấu tranh đòi quyền lợi chính đáng của công nhân (CN) cao su Phú Riềng đã “lây lan” qua nhiều đồn điền. Bọn chủ Pháp buộc phải nhượng bộ trước nhiều yêu sách chính đáng của CN, sự hà khắc, bóc lột giảm dần. Và rồi từ sau Cách mạng tháng 8/1945, trước cuộc đấu tranh vũ bão của nhân dân ta, trong đó có phần góp công của CN cao su, đất nước đã được hoàn toàn giải phóng vào ngày 30/4/1975. Một chương mới đã mở ra với bao bộn bề lo toan, khắc phục.
Năm 1987, cây cao su do Raul, một dược sĩ người Pháp đem hạt giống từ Indonesia về Việt Nam trồng thử nghiệm. Cuộc thử nghiệm từng bước thành công, và lần lượt có tới 10 công ty chuyên canh cao su của tư bản Pháp tìm đến Việt Nam. Năm 1920, ở Việt Nam đã có 70.007 ha cao su, sản lượng 3.000 tấn. Diện tích cao su dần được mở rộng, cao nhất là 138.400 ha, sản lượng 77.400 tấn vào năm 1945. Nhưng đến năm 1974, trước áp lực của chiến tranh, diện tích giảm chỉ còn 68.400 ha, sản lượng 21.000 tấn.
Sau ngày đất nước thống nhất, diện tích cao su còn khoảng 47.000 ha, trong đó phần lớn là cây già cỗi, hoặc bị tàn phá bởi bom đạn chiến tranh, chất độc hóa học… Nhiệm vụ khôi phục vườn cây, phát triển sản xuất là vô cùng khó khăn, gian khổ. Biết bao mồ hôi, nước mắt và cả máu đã đổ xuống để tái tạo mầm xanh cao su. Ngay từ tháng 4/1975, trên đã có quyết định thành lập Tổng cục Cao su Việt Nam trực thuộc Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, do ông Trần Mão làm Tổng Cục trưởng. Đây chính là tổ chức đầu tiên của ngành cao su VN. Tiếp theo đó, lần lượt các đồn điền của chủ Pháp trở về với ngành. Các “phu công tra” một thời lam lũ đã từ giã kiếp làm “phu”, trở thành người CN cao su với bao nỗi tự hào. Từ hoạt động thầm lặng, nay ở tất cả các đơn vị cao su đã có Đảng lãnh đạo!
Thời đó, để liên kết kinh tế, trong khối XHCN có Hội đồng tương trợ kinh tế (COMECON), và Việt Nam được chú trọng phân công sản xuất cao su cho khối. Chính phủ đã đề ra mục tiêu 1 triệu tấn mủ cao su/năm, và điều ông Đỗ Văn Nuống tức Tư Nguyện, Ủy viên Trung ương Đảng về làm Tổng Cục trưởng vào năm 1980.
Ông Tư Nguyện rất nhiệt tình, năng nổ lại bình dân nên dễ gần gũi với người lao động. Ngoài các yếu tố đó, ông còn được chọn vào vị trí Tổng Cục trưởng là do từng có nhiều năm công tác trên địa bàn miền Đông. Trong các phát biểu của mình, ông thường nhắc đến truyền thống bất khuất của người CN cao su trong sự kiện Phú Riềng Đỏ. Mỗi khi nhắc tới người CN, ông thường nói: “Chúng ta rất tự hào về “giai cấp CN cao su”!”. Chữ dùng của ông nghe vui tai và khí thế, gợi cho người CN cao su nhiều nỗi tự hào. Tại buổi mít tinh kỷ niệm 10 năm giải phóng miền Nam, 10 năm xây dựng và phát triển ngành cao su tổ chức tại Công ty Cao su Dầu Tiếng ngày 27/4/1985, sau khi điểm qua các thành tích nổi bật, ông đã nói: “Là lớp kế thừa tiếp bước những người cộng sản đã làm nên Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng tại Phú Riềng Đỏ hào hùng, giai cấp CN cao su chúng ta quyết đoàn kết một lòng để đạt mục tiêu vươn tới 1 triệu tấn mủ cao su/năm trong thời gian sớm nhất”.
Và rồi, giai cấp CN cao su đã cùng ông Trần Mão, Tư Nguyện và nhiều thế hệ cán bộ xông xáo mở đất làm cao su, từ khôi phục thủ phủ miền Đông hoang tàn đổ nát đến đưa cây cao su lên Tây Nguyên và ra Duyên hải miền Trung. Sau này tiếp bước ông, các thế hệ cán bộ, CN giàu nhiệt huyết đã phát triển cao su lên vùng núi phía Bắc, qua cả Campuchia, Lào. Tính đến thời điểm 90 năm truyền thống ngành cao su này, chúng ta đã có trên 900.000 ha cao su, trong đó VRG với trên 83.000 NLĐ quản lý trên 400.000 ha cao su trong và ngoài nước, số còn lại là của các thành phần kinh tế khác. Kim ngạch xuất khẩu mặt hàng cao su thiên nhiên của VN từ năm 2006 đến nay luôn đạt trên 1 tỷ USD. Đời sống người CN cao su nay đã ổn định với nhà cửa khang trang, được hưởng đầy đủ các chế độ chính sách. Mấy năm nay tuy giá mủ xuống thấp nhưng người CN cũng có thu nhập bình quân trên dưới 6 triệu đồng/ tháng…
Từ những thành tích đặc biệt xuất sắc trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, và công cuộc công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước; ngày 8/4/2012 tại Hội trường Thống Nhất (TPHCM), thay mặt Đảng và Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã trao tặng Huân chương Sao Vàng, Huân chương cao quý nhất của Đảng và Nhà nước cho VRG.
Nhân dịp kỷ niệm 85 năm Ngày truyền thống ngành cao su (28/10/2014), nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã có thư gửi toàn thể NLĐ Tập đoàn, trong đó có đoạn viết: “Có thể nói rằng, ngành cao su đã thực sự trưởng thành, phát triển nhanh và bền vững, không chỉ góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng phát triển kinh tế của đất nước, mà còn góp phần bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại những địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, và làm tốt kinh tế hữu nghị với hai nước bạn Campuchia, Lào. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với đất nước ta”.
SÁU VƯỜN ƯƠM
Kỳ tới: Gặp những phu công tra cuối cùng.
Related posts:
- Hãy cho người cũ vào dĩ vãng
- Cơ sở Mầm non 2-9 (Cao su Bình Thuận): Nơi phụ huynh gửi gắm niềm tin
- Thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch là thiết thực tri ân lực lượng tuyến đầu
- TP HCM đã chuẩn bị các giải pháp cho Chỉ thị 16 tăng cường
- Thủ tướng: 'Khu công nghiệp phải vừa sản xuất, vừa chiến đấu'
- Lượng vaccine về Việt Nam sẽ vượt mục tiêu đề ra
- Khi những người bạn ngành cao su “biến” thành “thợ lò”
- Công nhân làm thêm mùa nghỉ cạo
- Lớp trung cấp chính trị hành chính K18: Đi thực tế tại Cao su Bà Rịa
- Đừng chuyển nỗi đau này thành nỗi đau khác!