Cài thiện đời sống nhờ xen canh

CSVN XUÂN – Trong vài năm trở lại đây, giá cao su vẫn chưa có sự khởi sắc, thu nhập của công nhân (CN) cao su vẫn chưa cải thiện. Do vậy, nhiều CN đã chọn cách làm thêm kinh tế phụ để cải thiện đời sống. Trồng xen canh trong cao su tái canh là cách làm được nhiều người chọn lựa và đã mang lại hiệu quả thiết thực.
Ông Hà Văn Khương, Thành viên HĐQT, Trưởng ban Quản lý Kỹ thuật VRG kiểm tra mô hình trồng xen dứa tại Cao su Mang Yang. Ảnh: Văn Vĩnh.
Ông Hà Văn Khương, Thành viên HĐQT, Trưởng ban Quản lý Kỹ thuật VRG kiểm tra mô hình trồng xen dứa tại Cao su Mang Yang. Ảnh: Văn Vĩnh.
Đa dạng các mô hình

Hưởng ứng phong trào thực hiện Nghị quyết 6a của Công đoàn CSVN về đẩy mạnh phát triển kinh tế gia đình, nhiều công ty trên địa bàn Tây Nguyên đã tích cực tuyên truyền, vận động CN thực hiện, điển hình có Cao su Chư Prông, Chư Sê, Mang Yang, Chư Păh…

Anh Nguyễn Xuân Vũ – trợ lý thanh tra bảo vệ của Nông trường (NT) Ia Glai thuộc Công ty TNHH MTV Cao su Chư Sê, là người nhiều năm vẫn miệt mài trồng xen trong cao su tái canh để tăng thu nhập cho gia đình với mô hình trồng khoai lang. Anh chia sẻ: “Ở NT tôi có nhiều CN trồng xen khoai lang trong cao su lắm, nở rộ từ năm 2016. Trong đó có những CN đã khá lên từ mô hình này như chị Mã Thị Yến ở tổ 2 hay gia đình chị Mai Thị Thủy…Còn bản thân tôi cũng trồng khoai lang từ nhiều năm rồi cũng có năm được, năm mất. Năm 2019 này gia đình tôi trồng được 10 ha, nhờ thời tiết tốt nên khoai được mùa và được giá nên mỗi ha cũng lãi được 50 triệu đồng”.

Trồng xen lạc tại Cao su Chư Sê. Ảnh: Văn Vĩnh.
Trồng xen lạc tại Cao su Chư Sê. Ảnh: Văn Vĩnh.

Tại Cao su Chư Sê phong trào làm kinh tế phụ thông qua trồng xen phát triển mạnh ở NT Ia H’lốp với tổng diện tích trên 1.000 ha với nhiều loại cây và mô hình khác nhau, nhưng nhiều nhất là khoai lang với trên 200 ha. Anh Nguyễn Anh Trực – trợ lý Tổ chức Lao động – Tiền lương của NT cho hay: “Trong số hơn 200 ha được CN nhận trồng xen thì có đến 40 hộ gia đình chiếm 2/3 là CN trực tiếp. Nhất là có nhiều CN là đồng bào dân tộc thiểu số tham gia, điển hình có CN Trây H’en ở tổ 8 hay anh Huỳnh Tăng Phước Tiến có thu nhập từ trồng xen khoảng 100 triệu đồng trong năm 2019 này”.

Thu hoạch khoai lang trồng xen. Ảnh: Văn Vĩnh
Thu hoạch khoai lang trồng xen. Ảnh: Văn Vĩnh

Phong trào phát triển kinh tế gia đình không chỉ phát triển mạnh tại Công ty Chư Sê mà nó còn lan tỏa đến hầu hết các đơn vị trên địa bàn Tây Nguyên. Theo ghi nhận của chúng tôi, Cao su Chư Prông cũng có nhiều   mô hình kinh tế gia đình như: Trồng xen canh, chăn nuôi, liên kết các dịch vụ khác với tổng số 1.970 hộ tham gia, chủ yếu là cà phê, lúa, đậu, khoai lang, chanh dây. Thu nhập bình quân của các hộ đối với cây ngắn ngày từ    1 – 1,5 triệu đồng/ha/tháng còn với cây công nghiệp dài ngày từ 90 – 100 triệu đồng/ha/năm.

Hưởng ứng mạnh mẽ Nghị quyết 6a còn có người lao động của Cao su Mang Yang, Chư Păh với những cánh đồng khoai lang hàng chục ha. Cán bộ thì tham gia trồng với quy mô hàng chục ha, CN thì trồng vài hecta…Những đơn vị mới như Chư Mom Ray, Sa Thầy thì tham gia trồng lúa, trồng mì.

Tại Cao su Quảng Trị, chủ trương trồng xen được thực hiện tốt nhiều năm qua. Ảnh: Phan Thắng.
Tại Cao su Quảng Trị, chủ trương trồng xen được thực hiện tốt nhiều năm qua. Ảnh: Phan Thắng.
Kinh tế ổn định, toàn tâm ra lô

Chị Lê Thị Yến, một CN tiêu biểu nhất tổ 9 – NT Ia H’lốp (Cao su Chư Sê) với tỷ lệ hoàn thành sản lượng đạt 130% kế hoạch chia sẻ với chúng tôi: “Nhờ 700 cây cà phê và 500 trụ tiêu trồng xen trong cao su của NT mà kinh tế gia đình em đã ổn định trong vài năm trở lại đây, có được hậu phương vững chắc này nên em mới toàn tâm ở trên lô, tập trung toàn lực cho công tác khai thác, tận thu và bảo vệ sản phẩm sau khai thác”.

Còn anh Lương Văn Uyên ở tổ khai thác 6 – NT Mo Rai III của Công ty TNHH MTV Cao su Chư Mom Ray  thì bày tỏ: “Nhờ NT tạo điều kiện cho vợ chồng chúng tôi trồng lúa ở bờ lô cao su gần suối nên 2 năm nay gia đình tôi luôn dư thóc lúa sau mỗi vụ thu hoạch, có thóc lúa đầy bồ nên chúng tôi yên tâm công tác, thường xuyên trên lô và tích cực tham gia các hoạt động của đơn vị. Do vậy, năm 2019 tôi đã khai thác vượt kế hoạch 30 ngày và là người về đích sớm thứ 2 trong tổ”.

Trồng lúa xen canh cao su tại Cao su Bình Long. Ảnh: Vũ Phong.
Trồng lúa xen canh cao su tại Cao su Bình Long. Ảnh: Vũ Phong.

Trong hoàn cảnh còn nhiều khó khăn do giá mủ thấp, nguồn thu từ công tác xen canh và những mô hình kinh tế gia đình khác đã hỗ trợ đắc lực cho người lao động, nhất  là CN trực tiếp lao động sản xuất, là nguồn thu quan trọng để nâng cao chất lượng cuộc sống từ đó CN yên tâm công tác, không bỏ ngày cạo, cây cạo. Chính điều này đã góp phần quan trọng vào việc năm 2019 hầu hết các đơn vị trên địa bàn Tây Nguyên đều hoàn thành vượt kế hoạch giao. Tiêu biểu như Cao su Ea H’leo về đích sớm 35 ngày; Cao su Mang Yang hoàn thành sớm 31 ngày hay Cao su Chư Prông hoàn thành kế hoạch trước thời hạn 20 ngày…

VĂN VĨNH