CSVN – Cao su Phước Hòa là đơn vị điển hình của VRG trong việc ứng dụng công cụ truy xuất nguồn gốc sản phẩm thông qua áp dụng in mã số vạch. Một mặt giúp công ty kiểm soát các sản phẩm làm ra một cách tự động hóa, mặt khác tăng tiện ích cho người sử dụng là có thể truy xuất nguồn gốc sản phẩm ở bất cứ nơi đâu. Từ đó góp phần khẳng định chất lượng sản phẩm của Phước Hòa và củng cố niềm tin của khách hàng trên thị trường quốc tế.
Quy trình 5 bước tối ưu
Công ty CPCS Phước Hòa là một trong các đơn vị có diện tích lớn trong ngành cao su VN. Hiện tại, công ty đang quản lý diện tích gần 16.000 ha. Công ty có 3 nhà máy chế biến mủ cao su, tổng công suất chế biến đạt 32.000 tấn/năm, trong đó sản lượng chế biến từ vườn cây công ty khoảng 12.000 tấn/năm. Cơ cấu sản phẩm hiện tại của công ty: SVR CV 50 – 60 chiếm tỷ lệ 50 – 55%; SVR L – 3L chiếm 10 – 15%; SVR 10 – 20 chiếm 15 – 20%; latex chiếm 10 – 15%. Thị trường xuất khẩu của công ty đến hơn 20 nước trên thế giới, bao gồm: Nhật, Đài Loan, Hàn Quốc, Ấn Độ, Malaysia, Đức, Ý, Mỹ…
Quy trình áp dụng mã số mã vạch truy xuất nguồn gốc của Cao su Phước Hòa được thực hiện qua 5 bước tối ưu. Bước 1: Đăng ký sử dụng mã doanh nghiệp GS1. Trước khi bắt đầu sử dụng mã số mã vạch, công ty đăng ký mã doanh nghiệp GS1 từ tổ chức thành viên của GS1 tại Việt Nam. Bước 2: Xây dựng mã số phân định thương phẩm cho sản phẩm. Sau khi nhận được mã doanh nghiệp GS1, công ty xây dựng các mã số phân định thương phẩm cho sản phẩm (GTIN) thông qua bảng đăng ký
danh mục sản phẩm sử dụng mã GTIN. Dãy mã số phân định thương phẩm cho sản phẩm sẽ bao gồm: mã quốc gia/mã doanh nghiệp/mã vật phẩm/mã kiểm tra tương ứng. Sau đó gửi bảng đăng ký danh mục sản phẩm sử dụng mã GTIN đến Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3, để các mã số phân định thương phẩm của công ty được cập nhật lên hệ thống mã số mã vạch quốc gia.
Bước 3: Thiết kế mã vạch. Cỡ mã vạch khi thiết kế tùy thuộc vào mã vạch đã xác định, nơi sẽ sử dụng mã vạch và cách in mã vạch như thế nào. Màu của mã vạch là vạch đen trên nền trắng (các khoảng cách và vùng trống), đây là cách phối hợp màu tốt nhất đối với mã vạch. Bước 4: In trên bao bì sản phẩm. Tương ứng với dãy mã số phân định thương phẩm cho từng chủng loại sản phẩm người vận hành máy sẽ nhập khai báo dữ liệu vào đầu ngày sản xuất, sản phẩm sẽ được in mã vạch liên tục cho đến cuối ngày, thứ tự sản phẩm sẽ được theo dõi lũy kế tăng dần, các sản phẩm cùng loại, cùng lô hàng sẽ có thông tin mã vạch giống nhau. Bước 5: Tra cứu thông tin sản phẩm qua điện thoại di động. Hợp đồng với công ty cung cấp phần mềm truy xuất nguồn gốc sản phẩm qua điện thoại di động, như phần mềm icheck. Gửi bảng đăng ký danh mục sản phẩm sử dụng mã GTIN đến công ty cung cấp phần mềm để kê khai. Tải phần mềm về điện thoại di động sử dụng.
Truy xuất tận nguồn sản phẩm
Tại mỗi dây chuyền chế biến sản phẩm, công ty trang bị hệ thống in mã vạch trên các bành mủ sản xuất ra. Cán bộ quản lý kho sẽ lưu thông tin về sản phẩm trên hệ thống như tên sản phẩm, loại bao bì, kích cỡ, trọng lượng, số lô, ngày sản xuất… Sau đó các bành mủ này được đựng vào các kiện đưa vào lưu kho. Tại kho lưu trữ khi cần truy xuất các thông tin về sản phẩm đều được thực hiện dễ dàng và nhanh chóng.
Hàng ngày, căn cứ vào chỉ thị khi xuất hàng giao cho khách, cán bộ phụ trách giao hàng cùng nhân viên quản lý chất lượng và thủ kho sẽ trích xuất các thông tin về sản phẩm để xuất kho. Trong đó có các thông tin về số lô, mã vạch… để thuận tiện cho khách hàng truy xuất nguồn gốc sau này. Trong quá trình sản phẩm cao su của Phước Hòa lưu thông trên thị trường, khách hàng đều có thể truy xuất được các thông tin về sản phẩm của Phước Hòa bằng cách tải phầm mềm về thiết bị di động để sử dụng.
Ông Trần Minh – Trưởng Ban Công nghiệp VRG, nhận định: “Việc ứng dụng mã số vạch được triển khai đồng bộ cho nhiều loại sản phẩm sẽ tạo sự liên kết có hệ thống, quản lý chặt chẽ, tiết kiệm thời gian, chi phí phát sinh. Khi tham gia hội nhập vào quá trình toàn cầu hóa hiện nay, chúng ta cần nhìn nhận mã số vạch được hiểu là một chỉ số thương hiệu, rất có giá trị, không thể nhầm lẫn hay tranh chấp của nhà sản xuất, là trình độ, niềm tự hào của doanh nghiệp và của quốc gia. Việc áp dụng mã số vạch tại Cao su Phước Hòa đã được khách hàng đánh giá cao và mang lại hiệu quả thiết thực cho công ty. Từ đó nâng cao thương hiệu và uy tín cho công ty trên thị trường quốc tế”.
THIÊN HƯƠNG
Related posts:
- Ông Nguyễn Văn Thái giữ chức Chủ tịch HĐTV Cao su Quảng Nam
- Cao su EaH'leo phấn đấu khai thác vượt hơn 24% kế hoạch sản lượng
- Lợi ích của doanh nghiệp khi được cấp FSC
- Tầm quan trọng của gỗ cao su
- Cao su Mường Nhé - Điện Biên ra quân khai thác mủ cao su
- VRG tập trung chuyển đổi số toàn diện
- Khối Campuchia 1 vượt 7% kế hoạch sản lượng
- Khối thi đua ngành gỗ nỗ lực vượt khó
- Công ty Mang Yang ký kết giao ước thi đua 2018
- Ông Nguyễn Ngọc Thạch giữ chức Tổng biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam