CSVN – Tháng 5/2019 đánh dấu cột mốc quan trọng đối với cây cao su trên vùng đất Hà Giang. Đây là thời điểm hàng trăm ha cao su của Công ty CPCS Hà Giang bắt đầu mở cạo khảo nghiệm và cho sản lượng mủ rất tốt.
Đưa 420 ha vào khai thác
Ông Đỗ Anh Minh – TGĐ Công ty CPCS Hà Giang, cho biết, sau nhiều năm nỗ lực triển khai trồng và chăm sóc cây cao su ở các huyện Bắc Quang, Vị Xuyên và Quang Bình, năm nay, công ty sẽ tiến hành khai thác khảo nghiệm khoảng 420 ha cao su, chiếm khoảng 28% tổng diện tích cao su trồng ở Hà Giang. Trong đó, diện tích đưa vào khai thác khảo nghiệm từ tháng 5/2019 là 214 ha, diện tích dự kiến đưa vào khai thác từ tháng 10 tới đây là 206 ha.
Có thể nói, câu chuyện về cây cao su ở Hà Giang trong những năm qua là câu chuyện đầy vất vả. Đó là sự thử thách về quyết tâm, khát vọng, về từng giống cây trong quá trình thích nghi, bám rễ trên miền đất mới. Trải qua 10 năm phát triển, đến nay công ty đã trồng được trên 1.500 ha cao su, trong đó diện tích trồng từ các năm 2011 – 2012 là 700 ha, diện tích trồng từ các năm 2013 – 2015 là trên 800 ha. Diện tích 600 ha cao su trồng năm 2011, năm nay công ty đưa vào khai thác khảo nghiệm 420 ha và chia thành 2 đợt.
Để bắt đầu cho việc khai thác mủ cao su, công ty đã có sự chuẩn bị khá kỹ lưỡng. Trên 70 công nhân, đa phần là con em đồng bào các dân tộc ở địa phương đã được tổ chức tập huấn kỹ thuật khai thác mủ, cũng như được đi học hỏi kinh nghiệm cạo mủ từ các đơn vị bạn. Từ đó, giúp cho hoạt động cạo mủ dù mới bắt đầu nhưng không còn bỡ ngỡ đối với mỗi người.
Tin tưởng sản lượng mủ tốt
Được biết, từ năm 2018, công ty đã tổ chức việc cạo mủ thử nên năm 2019 bước vào khai thác khảo nghiệm đợt 1 với 214 ha, lãnh đạo công ty rất tin tưởng về sản lượng mủ khai thác.
TGĐ Đỗ Anh Minh khẳng định, vùng quy hoạch phát triển cây cao su của tỉnh Hà Giang là tốt, đây là khu vực có cường độ ánh sáng, thời tiết cơ bản đáp ứng với sự phát triển của cây cao su. Cùng với đó là các giống cao su được lựa chọn phù hợp với điều kiện khí hậu tại đây. Do đó, sản lượng mủ khai thác thử năm 2018 cũng như đợt khai thác khảo nghiệm 214 ha năm nay là rất ổn. Sản lượng mủ khai thác lần đầu tại các diện tích ước đạt trung bình từ 6 – 7 tạ/ha.
Trao đổi với chúng tôi, anh Dương Văn Thắng – Đội trưởng Đội sản xuất Cao su Trung Thành, cho biết bước vào vụ khai thác mủ cao su năm nay, cán bộ, nhân viên trong đội rất phấn khởi. Toàn đội có 21 công nhân đã được tập huấn, nắm vững kỹ thuật cạo mủ. Năm nay, theo kế hoạch đội sẽ thực hiện cạo mủ khảo nghiệm lần đầu trên diện tích 127 ha, trong đó đợt 1 bắt đầu từ tháng 5 trên diện tích 63 ha. Bước đầu cạo khảo nghiệm có diện tích đạt đến 8 tạ/ha.
Lãnh đạo Công ty CPCS Hà Giang cho biết thêm, những năm tiếp theo sẽ đưa dần các diện tích đủ tuổi vào khai thác. Qua đó, năm 2020 sẽ đưa thêm 250 ha vào khai thác; năm 2021 đưa 301 ha vào khai thác, từ năm 2022 – 2024 toàn bộ diện tích vườn cao su 1.500 ha sẽ được khai thác hết, tạo công ăn việc làm cho khoảng 500 công nhân trực tiếp sản xuất và 80 lao động gián tiếp.
HUY TOÁN
Related posts:
- Cao su Dầu Tiếng trao học bổng "Khuyến tài khuyến học 20/6”
- Cao su Phước Hòa: Nhiều kỳ vọng mới
- Chi bộ Geru Star quyết tâm thực hiện thành công nhiệm vụ nhiệm kỳ mới
- Kim ngạch xuất khẩu của Cao su Bà Rịa đạt 5,1 triệu USD
- Chậm nhất quý I/2018 sẽ IPO VRG
- VRG tích cực đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa
- Tiết giảm suất đầu tư bằng nhiều giải pháp hợp lý
- Cao su Lai Châu II linh hoạt trong thu hút lao động
- Võ Chí Trân giành Bàn tay vàng Cao su Kon Tum
- Đảng bộ VRG phát huy tốt vai trò lãnh đạo đưa Tập đoàn vượt qua khó khăn