Xen canh bước đầu phát huy hiệu quả

CSVN – Chủ trương trồng xen canh trên đất cao su nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất tuy đang ở giai đoạn thử nghiệm nhưng bước đầu đã chứng minh hướng đi đúng với việc mang lại lợi ích kinh tế – kỹ thuật, tăng thu nhập cho người lao động và lợi nhuận cho đơn vị.
Trồng mía xen cao su tại TCT Cao su Đồng Nai. Ảnh: Vũ Phong
Trồng mía xen cao su tại TCT Cao su Đồng Nai. Ảnh: Vũ Phong
Khu vực Đông Nam bộ: Đã trồng xen 8.488 ha

Theo Báo cáo sơ kết công tác trồng xen năm 2015 khu vực miền Đông Nam bộ (MĐNB) của Ban Quản lý Kỹ thuật VRG, tổng diện tích trồng xen khu vực MĐNB là 8.488 ha/10.778 ha; trong đó trồng xen 22 loại cây ngắn ngày và lâu năm theo quy cách thiết kế hàng đơn là 6.783 ha và 1.705 ha hàng kép.

Ông Lê Thanh Hưng – TGĐ Công ty Cao su Dầu Tiếng, cho rằng việc trồng xen đã được công ty thực hiện từ năm 2007, đến năm 2015, thực hiện chủ trương của VRG, công ty thực hiện trồng xen với diện tích khoảng 2.600 ha trên đất cao su các loại cây ngắn ngày và dài ngày như: đậu xanh, bắp, dưa hấu, mè, chuối, dó bầu…

“Lợi ích trực tiếp thu được từ việc trồng xen canh đã rõ, đó là tiết kiệm công cày lại vườn cây, hưởng lợi lượng phân bón hữu cơ của cây ngắn ngày sau thu hoạch và tận dụng phế phẩm ủ gốc giữ ẩm cây cao su. Bên cạnh đó, công ty còn thu về 1,541 tỷ đồng từ các hợp đồng trồng xen trên đất cao su; trong đó với loại cây ngắn ngày 500 ngàn đồng/ha/vụ, cây dài ngày 2,5 triệu đồng/ha/vụ”, ông Hưng cho biết.

Với mục tiêu tăng hiệu quả sử dụng đất, chăm sóc tốt diện tích vườn cây KTCB, đảm bảo sinh trưởng vườn cây cao su, TCT Cao su Đồng Nai đã có những yêu cầu về quy trình kỹ thuật trồng xen canh, hạn chế trồng các loại cây cạnh tranh ánh sáng, dinh dưỡng, dễ cháy…

Ông Đỗ Minh Tuấn – TGĐ TCT Cao su Đồng Nai, cho hay: “Năm 2015, TCT thu về từ công tác xen canh khoảng 13 tỷ đồng. Qua kiểm tra, đánh giá ban đầu vườn cây cao su trong vườn xen phát triển bình thường, mật độ cây so với mật độ thiết kế đạt 100%. Năm 2016, TCT sẽ tiếp tục trồng xen 450 ha trên vườn cây KTCB”.

Thu hoạch nghệ xen canh tại Công ty TNHH MTv Cao su Thanh Hóa. Ảnh: Mai Luận.
Thu hoạch nghệ xen canh tại Công ty TNHH MTv Cao su Thanh Hóa. Ảnh: Mai Luận.

Với đặc điểm thổ nhưỡng hơn 50% diện tích hạng 3 và hạng 4, lượng mưa thấp, đến trễ, gần biển gió nhiều, việc thực hiện trồng xen trong cao su của Công ty CPCS Hòa Bình gặp nhiều khó khăn. Năm 2015, tổng diện tích KTCB của đơn vị là 591 ha, trong đó thiết kế 85 ha hàng đơn và 506 ha hàng kép. Công ty liên kết trồng 242 ha cây keo lai và dó bầu 276 ha để xen canh. Đến thời điểm hiện tại chưa thấy sự cạnh tranh cây keo đối với cao su, diện tích cao su có trồng xen canh phát triển tương đối ổn định. Năm đầu tiên thực hiện phương án trồng xen keo lai trong cao su, công ty giảm chi phí công phát luồng hơn 500 ngàn đồng/ha; đối với diện tích liên kết trồng dó bầu, tiền thu đất 2,7 triệu đồng/ha/năm.

“Dự kiến sắp tới công ty sẽ thực hiện trồng xen 2 chu kỳ trồng keo lai và 1 chu kỳ trồng tràm bông vàng theo suốt chu kỳ phát triển của cây cao su để giảm diện tích đất trống và gãy đổ trên vườn cây cao su”, bà Võ Thị Thủy – Phó TGĐ công ty cho biết.

Trồng xen đem lại hiệu quả về kỹ thuật và kinh tế

Theo đánh giá của Ban Quản lý Kỹ thuật VRG, bước đầu, mô hình xen canh trên đất cao su đem lại hiệu quả tích cực, cây cao su sinh trưởng và phát triển bình thường, hiệu quả sử dụng đất được nâng cao, đáp ứng được chủ trương giảm suất đầu tư của VRG. Bên cạnh lợi ích về mặt kỹ thuật, còn tăng thu nhập cho người trồng xen, giảm công làm cỏ chống cháy, thu trực tiếp bằng tiền hoặc phân bón, bình quân 1,2 triệu đồng/ha/năm và lợi nhuận thu về từ mô hình hàng kép là 2,22 triệu đồng/ha/năm.

“Về mặt kỹ thuật, các đơn vị nên có phương án trồng xen trong hàng kép với mô hình cây cao su với cây cao su lấy gỗ hoặc theo dõi đánh giá thêm phương án luân canh giữa cây keo lai và tràm bông vàng… Nếu đầu tư đúng cho cây trồng xen canh như các đơn vị đã thực hiện, sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến cây cao su hoặc chấp nhận ảnh hưởng ở mức độ có thể cho phép”, ông Lại Văn Lâm –Trưởng Ban Quản lý Kỹ thuật VRG nêu quan điểm.

TGĐ VRG Trần Ngọc Thuận đánh giá cao sự nỗ lực của các đơn vị MĐNB trong việc thực hiện chủ trương trồng xen canh trên vườn cây cao su của VRG. TGĐ lưu ý, đây là chủ trương đúng nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tiết giảm suất đầu tư và tăng thu nhập cho người lao động. Tuy nhiên, VRG không bắt buộc các đơn vị phải thực hiện, tùy đặc thù của từng đơn vị để chọn các loại cây phù hợp và khuyến khích tăng dần diện tích trồng xen trong những năm tới.

Nguyễn Lý