CSVN XUÂN – Để có được thành quả ngày hôm nay tại khu vực miền núi phía Bắc, cây cao su trải qua rất nhiều gian truân và mang dấu ấn đóng góp rất lớn của đ/c Trương Vĩnh Trọng – Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, nguyên Trưởng Ban chỉ đạo Tây Bắc. Nhân dịp tham dự Lễ khánh thành nhà máy, đ/c đã có những chia sẻ chân tình, ấm áp. Tạp chí CSVN trân trọng giới thiệu.
Khi Đảng chọn người lên làm Trưởng Ban chỉ đạo Tây Bắc, thời đó khó khăn lắm, anh em thì ít người muốn lên, nên Đảng phân công đ/c Trương Tấn Sang – lúc bấy giờ là Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương lên phụ trách khu vực Tây Bắc. Thời gian sau, đ/c Tư Sang được bầu vào Thường trực Ban Bí thư nên không thể lên Tây Bắc để lãnh đạo. Sau đó Đảng đã chọn và phân công tôi lên làm Trưởng Ban chỉ đạo Tây Bắc. Lúc đó tôi không biết gì về Tây Bắc cả. Chỉ biết đó là một vùng đất núi non trùng điệp, một mảnh đất anh hùng, che chở đồng bào trong những ngày kháng chiến gian khổ chống Pháp. Dù biết khó khăn, nhưng Đảng đã phân công làm Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Trưởng Ban chỉ đạo Tây Bắc tôi vẫn sẵn sàng. Dù vậy trong lòng vẫn băn khoăn lo lắng. Anh Tư Sang đã động viên tôi cố gắng lên đây để phát triển vùng Tây Bắc giúp đỡ cho đồng bào. Nhờ những lời động viên của anh em, bè bạn và sự giúp đỡ nhiệt tình của các tỉnh, trong đó có Sơn La nên tôi cũng an tâm phần nào.
Lên Tây Bắc, lần đầu tiên gặp đồng bào, họ nói: “Từ xưa đến nay nhà nước hướng dẫn trồng đủ loại cây nhưng đều thất bại”. Lên đây thấy toàn núi và đồi trọc, cuộc sống đồng bào rất khó khăn. Tôi đã hỏi thêm về truyền thống của đồng bào thì anh em mới nói: “Truyền thống của vùng Tây Bắc này là hy sinh cho cách mạng nhiều nhưng chưa hưởng được bao nhiêu”. Lòng tôi lại trăn trở suy nghĩ phải làm gì đó cho đồng bào Tây Bắc. Trước đó anh Tư Sang đã lên chỉ đạo trồng cây cao su, tôi lên tiếp tục chỉ đạo chương trình này nhưng phải phấn chấn hơn, tích cực và nhiệt tình hơn.
Những ngày cuối tuần, nghỉ lễ, nhiều người tranh thủ về quê thăm gia đình nhưng tôi vẫn ở lại, lên thăm đồng bào để tính toán nên làm thế nào cho vùng đất này. Lúc đó tất cả tâm trí tôi đặt hết vào Tây Bắc, cùng anh em tìm phương pháp. Cuối cùng đã nghĩ ra nên thành lập công ty cổ phần, người dân sẽ góp đất để trồng cao su. Nhưng nhiều người dân đặt câu hỏi: “Gia đình tôi có mấy ha đất, nay đưa vào công ty cổ phần thì lấy gì nuôi sống gia đình?”. Tôi liền trả lời: “Đưa đất vào Tập đoàn Cao su thì đất vẫn là của mình, con em trong gia đình sẽ được làm cán bộ, công nhân của công ty, thu nhập hàng tháng sẽ cao hơn”. Tôi đã cố gắng phân tích và cuối cùng bà con cũng xuôi lòng nhưng vẫn còn hoài nghi.
Lúc đặt cây cao su xuống trồng tôi rất lo lắng, mỗi khi trời rét là tôi liên lạc hỏi anh em xem cây cao su thế nào?
Có rụng lá hay không, có đổi sắc hay không? Khi đó trồng mới rất nhiều, thiệt hại do thời tiết cũng lớn. Lúc bấy giờ mà rối trí là đã dọn về. Nghĩ lại, tôi rất hoan nghênh đ/c Võ Nhật Duy (nguyên TGĐ Công ty CPCS Sơn La) đã rất cố gắng. Tôi cũng đã khuyên dù khó trăm bề vẫn phải nhớ lời Bác Hồ dạy: “ Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền, đào núi và lấp biển, quyết chí ắt làm nên”. Đ/c Duy đã cố bám trụ lại, cùng với sự lãnh đạo, giúp đỡ của Tỉnh ủy, UBND để tiếp tục phát triển cây cao su.
Nay thấy cao su phát triển tốt tôi rất mừng, lần nào lên Sơn La tôi cũng ghé thăm các vườn cây, đặc biệt là vào Ít Ong để thăm lại vườn cao su mẫu. Cao su phát triển tốt ở Sơn La, cuộc sống đồng bào tốt lên tôi thấy rất vui. Mỗi lúc tôi ghé thăm, bà con đều tặng quà, chỉ là quả bầu, quả bí, chục trứng gà nhưng của ít lòng nhiều. Đó là tấm lòng của bà con làm tôi rất ấm lòng.
Trồng cao su nếu giá mà lên cao thì đời sống đồng bào nâng cao lắm, đôi lúc gặp đ/c Trần Ngọc Thuận – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn tôi đều hỏi thăm giá cao su. Đ/c Thuận cũng chia sẻ nhiều. Nhưng có một câu nói của đ/c Thuận làm tôi nhớ mãi: “Giá cao su không lên anh Hai ơi nhưng tình cảm con người càng đầy ắp và còn hơn nữa”.
ĐÀO PHONG (ghi)
Related posts:
- Nông trường Sông Giêng giải nhất thi thợ giỏi Cao su Bình Thuận
- Tái cơ cấu ngành cao su theo hướng bền vững
- 15 thí sinh tham gia Hội thi Bàn tay vàng thu hoạch mủ Cao su Krông Buk
- Cao su Phước Hòa – Kampong Thom ra quân mùa cạo mới
- Tăng cường và nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát
- Cao su Kon Tum: 6/11 nông trường hoàn thành sản lượng sớm
- Y tế ngành làm tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe NLĐ
- 8 công ty cao su đã tạo diện mạo mới cho tỉnh Kampong Thom
- Tiền lương khu vực miền Đông đạt 4-6 triệu đồng/người/tháng
- Đề xuất giao 300 ha cao su đang khai thác của Cao su Hà Tĩnh cho doanh nghiệp nuôi bò?