Đề xuất giao 300 ha cao su đang khai thác của Cao su Hà Tĩnh cho doanh nghiệp nuôi bò?

CSVN – Khoảng 300 ha cao su của Công ty TNHH MTV Cao su Hà Tĩnh tại NT Hàm Nghi và NT Phan Đình Phùng đang thời đỉnh cao khai thác mủ bỗng dưng bị lãnh đạo huyện Hương Khê đề xuất với tỉnh chuyển cho 1 doanh nghiệp chăn nuôi bò sữa.
Công văn của UBND huyện Hương Khê do Chủ tịch Lê Ngọc Huấn ký.
Công văn của UBND huyện Hương Khê do Chủ tịch Lê Ngọc Huấn ký.
Chặt cao su, nuôi bò?

Hơn 1 tháng qua, nhiều CBCN NT Phan Đình Phùng và NT Hàm Nghi hết sức hoang mang khi lãnh đạo huyện Hương Khê nhiều lần dẫn đoàn doanh nghiệp và sở ban ngành liên quan của tỉnh Hà Tĩnh vào tận các lô cao su đang vào mùa cao điểm thu hoạch để khảo sát. Theo một lãnh đạo NT Hàm Nghi cho biết: Vườn cây cao su ở xã Hương Vĩnh này có tổng diện tích gần 500 ha được trồng từ 1997 – 2005. Đến nay sản lượng mủ khai thác bình quân đạt 1,4 tấn/ha, mật độ cây đạt từ 400 cây/ha là vườn cây đóng góp sản lượng mủ đạt trên 500 tấn/năm.

Một vị lãnh đạo NT Hàm Nghi cho biết thêm: “Huyện Hương Khê đã tổ chức 6 lần đưa các đoàn vào đi chỉ trỏ hết lô này sang lô khác. Ông Lê Ngọc Huấn – Chủ tịch huyện Hương Khê trưởng đoàn giải thích với chúng tôi là chuẩn bị mời doanh nghiệp về đầu tư dự án chăn nuôi bò sữa tại vùng này. Vì vậy, số diện tích cao su này sẽ được chặt bỏ, bàn giao cho doanh nghiệp khác để thực hiện dự án nuôi bò?!”Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngày 11/6/2019, ông Lê Ngọc Huấn – Chủ tịch huyện Hương Khê đã ký công văn số 1071/UBND – TCKH gửi UBND tỉnh Hà Tĩnh và Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Hà Tĩnh với nội dung: Đề nghị UBND tỉnh Hà Tĩnh đồng ý chủ trương cho Công ty Cổ phần sữa Việt Nam khảo sát, lập dự án đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi bò trên địa bàn.

Vườn cây cao su đang khai thác của Công ty TNHH MTV Cao su Hà Tĩnh.
Vườn cây cao su đang khai thác của Công ty TNHH MTV Cao su Hà Tĩnh.

Theo công văn đề xuất của UBND huyện Hương Khê: “Qua kiểm tra, khảo sát vùng đất đủ điều kiện để xây dựng trang trại phát triển để chăn nuôi bò sữa, bò thịt tại tiểu khu 240, 241B thuộc địa bàn các xã Hương Vĩnh, Hương Xuân 342ha, trong đó đất do Tổng Công ty cao su Hà Tĩnh (Nguyên văn ghi từ công văn – Công ty TNHH MTV Cao su Hà Tĩnh – PV) quản lý khoảng 300 ha, còn lại 42 ha là đất ở, đất lâm nghiệp và trồng cây hàng năm của một số dân thuộc xã Hương Vĩnh”.

Bài học nhãn tiền

Ông Đặng Bá Thức – Chủ tịch Hội KHKT lâm nghiệp, nguyên Chi cục trưởng Lâm nghiệp Hà Tĩnh cho rằng, thời kỳ Hà Tĩnh còn khó khăn nhờ có được dự án cao su về đầu tư trên vùng núi Hà Tĩnh nên   đa số diện tích đất trống, đồi trọc bỏ hoang, đất lâm nghiệp nghèo, rừng trồng kém hiệu quả đều được phủ xanh bằng màu xanh cao su. Cây cao su là cây đa mục tiêu, ngoài kinh tế còn có giá trị môi trường sinh thái rất lớn. Bởi với hiện tượng biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, vùng núi Hương Khê có lúc lên tới 45-48º, nếu chặt bỏ cả vườn cao su hàng trăm ha để trồng cỏ nuôi bò coi như “bán phổi xanh”?.

Tiểu khu 240, 241B thuộc địa bàn các xã Hương Vĩnh, Hương Xuân nằm trong khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn sông Tiêm, nếu chặt phá hàng trăm ha cao su sẽ ảnh hưởng rất lớn đến môi trường sinh thái. Đặc biệt, nếu nuôi 12.000 con bò (như dự án đề xuất của doanh nghiệp) thì sẽ gây ô nhiễm cho cả khu vực và sông Tiêm, sông Ngàn Sâu.

Bài học nhãn tiền từ dự án chăn nuôi bò Bình Hà xảy ra tại 2 huyện Kỳ Anh, Cẩm Xuyên đã để lại hậu quả nghiêm trọng từ việc chuyển đổi hàng trăm, hàng ngàn ha cao su và rừng tự nhiên đầu nguồn để thực hiện dự án trồng cỏ nuôi bò. Liệu một dự án tương tự có xảy ra trên đất Hà Tĩnh?

ANH BÌNH

(Còn tiếp)