Tình yêu ngành, tình yêu nghề trọn vẹn, thủy chung

CSVN Xuân – Thật khó để có thể diễn tả hết những cảm xúc tại Hội thi Bàn tay vàng khai thác mủ cao su lần thứ XI. Đó là nơi trao nhau nghĩa cử đẹp, là cảm xúc thăng hoa, là hình ảnh của lực lượng công nhân cao su yêu ngành, yêu nghề, một tình yêu trọn vẹn, thủy chung. 
Đội ngũ thợ giỏi nhận được sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo VRG. Chủ tịch VRG Trần Ngọc Thuận động viên thí sinh trước giờ thi. Ảnh: Vũ Phong
Đội ngũ thợ giỏi nhận được sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo VRG. Chủ tịch VRG Trần Ngọc Thuận động viên thí sinh trước giờ thi. Ảnh: Vũ Phong
“Cảm ơn mình đã chọn trở thành công nhân cao su”

Như lời của ông Lê Minh Châu – nguyên Phó TGĐ VRG đã nói: “Hội thi Bàn tay vàng là kỳ festival đặc biệt của ngành” đủ để hiểu rằng sức “nóng” của Hội thi. Lịch sử Hội thi đã minh chứng cho phong trào Luyện tay nghề – Thi thợ giỏi ngày càng phát triển, có sức lan tỏa sâu rộng trong toàn ngành. Qua thời gian, bảng vàng của Hội thi đã ghi tên nhiều cá nhân, tập thể là hạt nhân điển hình trong phong trào. Và cứ như thế, hai năm một lần, ngày hội hoan ca ấy lại được mong chờ hơn bất kỳ một ngày hội nào trong ngành.

Ai cũng biết, họ – thợ giỏi là lực lượng nòng cốt đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng suất vườn cây, góp phần làm tăng hiệu quả sản xuất của đơn vị nói riêng và ngành cao su nói chung. Hình ảnh cần mẫn của công nhân trên vườn cây đã trở thành biểu tượng không thể không nhắc tới khi nói đến ngành cao su. Là công nhân cao su ai cũng một lần mong muốn được đại diện cho đơn vị mình tham dự Hội thi Bàn tay vàng cấp ngành, bởi đó là niềm tự hào, là nơi anh tài toàn ngành hội tụ.

Nụ cười rạng rỡ của thí sinh khi nghe công bố kết quả. Ảnh: Vũ Phong.
Nụ cười rạng rỡ của thí sinh khi nghe công bố kết quả. Ảnh: Vũ Phong.

Và cũng chính tại Hội thi đã xuất hiện muôn vàn hình ảnh đẹp và cảm xúc của ngày hội lớn này. Chắc hẳn nhiều người vẫn còn nhớ hình ảnh của anh Trần Sỹ Lợi – Công ty CPCS Phước Hòa vỡ òa khi tên mình được xướng lên nhận giải cao nhất tại Hội thi năm 2006, những giọt nước mắt hạnh phúc của anh cứ thế rơi. Đến bây giờ, khi được vinh danh một lần nữa, cảm xúc của anh về ngày đó vẫn còn nguyên vẹn: “Với tôi, khoảnh khắc đó là một kỷ niệm đẹp theo tôi suốt cả cuộc đời, tôi sẽ không bao giờ quên giây phút tự hào ấy. Nhờ Hội thi, tôi có được như ngày hôm nay. Bố mẹ, anh chị tôi đều là công nhân cao su và tôi cũng tự hào khi mình là một phần trong ngôi nhà chung của ngành. Tình yêu với màu xanh cao su của tôi không hề nhạt phai mà càng được bồi đắp qua năm tháng”.

Thí sinh người đồng bào miền núi phía Bắc trong giờ thi lý thuyết.
Thí sinh người đồng bào miền núi phía Bắc trong giờ thi lý thuyết.

Hay như anh Trần Duy Đức – Công ty TNHH MTV Cao su Chư Prông khi đã “ôm” chắc trong tay cúp, bằng khen ở vị trí “Bàn tay vàng” Hội thi 2016 anh vẫn chưa tin đó là sự thật. Thời điểm đó, anh chia sẻ: “Bản thân thật sự rất bất ngờ và không thể tin được mình nhận giải nhất. Bởi ai đến với Hội thi toàn ngành đều là những thợ giỏi, đều là những người gắn bó với nghề, yêu nghề, nỗ lực với tình yêu ấy. Xin được cảm ơn tất cả, cảm ơn lãnh đạo ngành, đơn vị đã luôn trân trọng, ghi nhận những đóng góp của NLĐ trực tiếp. Và tôi thầm cảm ơn vì mình đã chọn trở thành công nhân cao su”.

Chúng tôi nhớ mãi câu nói của anh Phạm Chí Mạnh – Công ty CPCS Đồng Phú, “Bàn tay vàng” năm 2008: “Ai đã gắn bó với ngành cao su thì đều có tình yêu với ngành, có đam mê với công việc mình đang theo đuổi. Nếu không yêu thì làm sao làm tốt được. Và nếu làm chỉ vì thu nhập thì chắc hẳn có nhiều người đã nghỉ việc, bởi những năm gần đây giá mủ giảm, tiền lương giảm. Nhưng tôi lại thấy, ai trụ được với cao su rồi thì không dứt ra được. Tôi nghĩ rằng càng khó khăn càng phải gắn bó để có sức mạnh vượt qua”.

Tăng tốc, chuẩn bị về đích. Ảnh: Vũ Phong
Tăng tốc, chuẩn bị về đích. Ảnh: Vũ Phong

“Lực lượng công nhân cao su sẽ giữ được bản sắc của giai cấp công nhân Việt Nam”

Đó là khẳng định của ông Ngọ Duy Hiểu – Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khi lần đầu tiên tham dự Hội thi Bàn tay vàng do VRG tổ chức. Ông đã bày tỏ sự bất ngờ khi VRG tổ chức Hội thi mang tính đặc thù của ngành cao su có chiều sâu. Đặc biệt, với ông, các thợ giỏi đều bản lĩnh, quyết tâm: “Ở họ có đam mê, có sự phấn đấu trong nghề nghiệp, có tình yêu nghề mới chuyên tâm rèn luyện để đạt được những thành tích cao tại Hội thi. Điều đó rất đáng quý, có yêu, có đam mê thì mới gắn bó đến như vậy. Và tôi tin tưởng rằng, lực lượng công nhân cao su Việt Nam sẽ giữ được bản sắc của giai cấp công nhân Việt Nam”.

Thật vậy, chứng kiến những phút giây chạy đua với thời gian đến nghẹt thở của các thí sinh mới thấy được sự quyết tâm, bản lĩnh để giúp đơn vị mình thăng hạng trên bảng xếp loại Hội thi cấp ngành. Toàn bộ thợ giỏi đại diện cho hơn 70.000 công nhân khai thác trực tiếp về tề tựu, giải thưởng có giới hạn, vì thế thí sinh luôn giữ tâm lý ổn định và không cho phép mình có bất kỳ sai sót nào. Phải nỗ lực hết sức, thi với tất cả những gì mình có. Đó là câu trả lời đầu tiên của các thí sinh khi được hỏi về bí quyết để giành chiến thắng tại Hội thi quan trọng này. Tuy cạnh tranh khốc liệt đến từng giây nhưng ở đó luôn có những tình cảm, sẻ chia, những hình ảnh đầy nghĩa tình của ngành cao su. Các thí sinh chia nhau từng chai nước, từng phần bánh mì, sau giờ căng thẳng trên trường thi.

Hội thi Bàn tay vàng khai thác mủ cao su năm 2018 lần đầu tiên quy tụ đông đủ các khu vực trồng cao su của VRG, từ trong nước đến nước ngoài. Trong ảnh: Thí sinh các vùng miền chúc mừng giải nhất - CN Mai Duy Tuấn (Cao su Phú Riềng). Ảnh: Vũ Phong
Hội thi Bàn tay vàng khai thác mủ cao su năm 2018 lần đầu tiên quy tụ đông đủ các khu vực trồng cao su của VRG, từ trong nước đến nước ngoài. Trong ảnh: Thí sinh các vùng miền chúc mừng giải nhất – CN Mai Duy Tuấn (Cao su Phú Riềng). Ảnh: Vũ Phong

Có cơ hội theo chân các thí sinh từ cơ sở cho đến cấp ngành, chúng tôi như được hòa mình vào những cảm xúc của thợ giỏi. Có thể nói năm 2018 là một năm ghi đậm dấu ấn khi lần đầu tiên Hội thi quy tụ đầy đủ các thợ giỏi về tranh tài. Là thợ giỏi ở miền núi phía Bắc – nơi Hội thi Bàn tay vàng khá là xa lạ, chị Lò Thị Khằm – Công ty CPCS Lai Châu hồi hộp trước ngày thi: “Tôi đã thi ở cấp công ty nhưng lần đầu tiên vào miền Nam, đặc biệt đây là một chuyến đi có ý nghĩa trong cuộc đời tôi. Điều mà trước đây tôi chưa từng nghĩ đến, đó là đại diện cho anh chị em ở đơn vị tham dự một Hội thi tranh tài về nghề nghiệp của mình. Công tác tổ chức thật hoành tráng, quy mô mọi thứ đều chỉn chu”.

Còn chị Lò Thị Tươi – Công ty CPCS Sơn La dù chưa may mắn được danh hiệu như hai đồng nghiệp trong đơn vị nhưng sau khi Hội thi, bày tỏ cảm xúc: “Lần đầu tiên tôi được đi máy bay, cứ như là mơ. Các anh chị trong này ai cũng giỏi, có người đã nhiều năm đi thi cấp ngành. Là đơn vị mới tham dự lần đầu nên các anh chị em bạn bè đều động viên, cổ vũ. Sau Hội thi, chúng tôi được lãnh đạo công ty cho đi Vũng Tàu chơi cho biết biển. Với tôi, tất cả về Hội thi đều là những kỷ niệm đẹp trong cuộc đời tôi. Tôi sẽ phấn đấu thật nhiều để mùa thi sau sẽ được đi thi tiếp”.

Đội thi Cao su Phú Riềng bên xe hoa diễu hành của đơn vị. Ảnh: Ngọc Cẩm
Đội thi Cao su Phú Riềng bên xe hoa diễu hành của đơn vị. Ảnh: Ngọc Cẩm

Hội thi năm 2018 khép lại nhưng vẫn còn đó những cái bắt tay thật nồng ấm chào hỏi nhau sau thời gian dài gặp lại, là những lời khích lệ tinh thần trước giờ “ra trận”, là những nụ cười, những gởi trao, sẻ chia niềm vui ngày hội ngộ. Một lời chào hứa hẹn gặp lại tại Hội thi năm 2020.

QUỲNH MAI