VRG đi đầu thực hiện cam kết phát triển bền vững

CSVNO – Đó là nhận định của bà Natcha Tulyasuwan – Phó GĐ Tổ chức USAID Green Invest Asia tại Hội thảo “Khối doanh nghiệp về cao su bền vững” do Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) phối hợp với Tổ chức USAID Green Invest Asia tổ chức, ngày 4/12, tại TP.HCM.
Quang cảnh hội thảo
Quang cảnh hội thảo

Hội thảo là cơ hội để VRA và các hội viên tiếp cận các tổ chức có thiện chí hỗ trợ ngành cao su VN phát triển bền vững, hướng đến được cấp giấy chứng nhận cho nguyên liệu và sản phẩm cao su theo các tiêu chuẩn quốc tế. Đồng thời gặp gỡ khách hàng có nhu cầu mua nguyên liệu và sản phẩm cao su có chứng nhận về nguồn gốc hợp pháp và quản lý bền vững.

Phát biểu khai mạc, ông Võ Hoàng An – Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký VRA,  cho biết trong bối cảnh VN hội nhập kinh tế mạnh mẽ, phát triển bền vững đã và đang trở thành xu thế tất yếu và phổ biến trong cộng đồng doanh nghiệp trên phạm vi toàn cầu. Bên cạnh vai trò điều hành của Chính phú, cộng đồng doanh nghiệp có vị trí đặc biệt quan trọng trong công cuộc phát triển bền vững ở VN. Các doanh nghiệp cao su cung cấp nguồn lực cho việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững trong bối cảnh nguồn ngân sách Nhà nước còn hạn hẹp và nguồn lực hỗ trợ từ bên ngoài chưa nhiều. Do vậy, doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững của VN.

Ông Võ Hoàng An – Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký VRA chia sẻ về ý nghĩa quan trọng của việc phát triển
Ông Võ Hoàng An – Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký VRA chia sẻ về ý nghĩa quan trọng của việc phát triển bền vững

Từ năm 2008, cây cao su đã được xác định là cây nông lâm nghiệp và đa mục đích, có giá trị khá cao và ổn định về mặt kinh tế, tạo điều kiện cải thiện đời sống và cơ sở hạ tầng vùng trồng cao su và đóng góp đáng kể vào môi trường. Gỗ cao su luôn được xem là sản phẩm thân thiện môi trường do có nguồn gốc rừng trồng. Vì vậy, ngành cao su VN cũng sớm nhận thức được ý nghĩa quan trọng của việc phát triển.

Đến nay, nhiều doanh nghiệp tiêu thụ cao su thiên nhiên và gỗ cao su với quy mô lớn trên thế giới đã tuyên bố chính sách thu mua nguyên liệu bền vững. Để đáp ứng yêu cầu về nguồn nguyên liệu bền vững, một số doanh nghiệp đã cam kết sản xuất và cung cấp cao su thiên nhiên, gỗ cao su gắn liền trách nhiệm đối với môi trường, xã hội đồng thời với hiệu quả kinh tế.

Quang cảnh hội thảo
Quang cảnh hội thảo

“Việc thực hiện tốt phát triển bền vững nguyên liệu cao su thiên nhiên và gỗ cao su sẽ tạo cơ hội lớn cho doanh nghiệp, trong việc nâng cao uy tín và năng lực cạnh tranh, thu hút khách hàng, cũng như cải thiện được năng suất và giảm chi phí nhờ sử dụng hiệu quả các nguồn lực, từ đó thâm nhập sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu” – ông An nhấn mạnh.

Tại hội thảo, ông Kavickumar Muruganathan – Phó Chủ tịch Tập đoàn Halcyon trình bày chuyên đề “Cao su bền vững: xu hướng thị trường, cơ hội kinh doanh và xuất khẩu”, cho biết: “Dựa theo kỳ vọng của người tiêu thụ cao su thiên nhiên & xu hướng ngành lốp xe, SHFE (Shanghai Futures Exchange) đã triển khai Hợp đồng tương lai TSR20 trong tháng 11/2018, 4 chủng loại được phân phối là: Trung Quốc CSR20, Thái Lan STR20, Malaysia SMR20, Indonesia SIR20. SHFE vẫn đang hoàn tất hợp đồng và chi tiết giao hàng. Hợp đồng tương lai TSR20 nhằm mục đích thay đổi giá cao su thiên nhiên”.

ông Kavickumar Muruganathan – Phó Chủ tịch Tập đoàn Halcyon trình bày chuyên đề “Cao su bền vững: xu hướng thị trường, cơ hội kinh doanh và xuất khẩu”
Ông Kavickumar Muruganathan – Phó Chủ tịch Tập đoàn Halcyon trình bày chuyên đề “Cao su bền vững: xu hướng thị trường, cơ hội kinh doanh và xuất khẩu”

Hiện nay cao su thiên nhiên tồn kho cao, giá thấp, tỷ lệ sử dụng có xu hướng giảm. Hiện tại, Trung Quốc tồn kho rất nhiều, có thể sẽ không nhập khẩu cao su thiên nhiên, vì lượng tồn kho cần 2 – 3 năm mới tiêu thụ hết. Giá cao su hiện giảm 120 USD/tấn. ở Indonesia, nông dân bán với giá cực thấp, thu nhập bình quân hàng tháng thấp hơn nhiều so với thu nhập tối thiểu của Indonesia, nguồn cung cao su dư rất nhiều. “Hợp đồng tương lai TSR20 sẽ thay đổi giá và giải quyết tồn kho. Tiêu chuẩn TSR chặt chẽ, nhất quán, đảm bảo chất lượng mang tầm thế giới: bụi, VM, tro, thấp. PRI cao hơn. Độ dẻo chặt hơn. Kiểm soát khắt khe độ nhớt Mooney”

Ông Kavickumar Muruganathan cũng chia sẻ về quy trình thực hiện Chứng chỉ truy xuất nguồn gốc HEVEAPRO cho cao su, dựa trên các tiêu chí: 100% minh bạch, không phá hủy rừng, bảo vệ môi trường, đảm bảo lợi ích người lao động, không sử dụng lao động trẻ em…

Các chuyên gia với chuyên đề thảo luận “Hành trình hướng tới cao su bền vững”
Ông Trần Ngọc Thuận – Chủ tịch HĐQT VRG, Chủ tịch VRA thảo luận tại hội thảo “Hành trình hướng tới cao su bền vững”

Tại chuyên đề thảo luận “Hành trình hướng tới cao su bền vững”, ông Nguyễn Hữu Tuấn – Đại diện Tập đoàn IKEA tại Việt Nam, cho biết: “Tập đoàn IKEA chuyên thu mua nguyên liệu gỗ, hiện tại mua nhiều nhất ở Thái Lan vì họ đạt được những tiêu chí của IKEA. IKEA có 3 tiêu chí (bao gồm 14 chương): Thứ nhất, phải có chứng chỉ FSC. THứ hai, không sử dụng hóa chất để sấy gỗ (IKEA có chương trình riêng và huấn luyện cho nhà cung cứng). Thứ ba, nhà cung ứng phải đảm bảo hoạt động bảo vệ môi trường, lợi ích cuả người lao động, không có lao động trẻ em. Bên cạnh đó, IKEA có 5 yêu cầu chất lượng riêng biệt, vần đề này có lộ trình và huấn luyện trực tiếp với nhà cung ứng gỗ”.

Buổi thảo luận xung quanh vấn đề phát triển bền vững
Buổi thảo luận xung quanh vấn đề phát triển bền vững

Ông Bùi Chính Nghĩa – Vụ trưởng Vụ phát triển rừng, Bộ NN&PTNT trình bày chuyên đề “Tiêu chuẩn quản lý rừng quốc gia – PEFC”, cho biết ngày 1/10 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 1288/QĐ-TTg về phê duyệt đề án quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng với các mục tiêu: quản lý và sự dụng bền vững tài nguyên rừng; thúc đẩy cấp chứng chỉ rừng ở Việt Nam nhằm đáp ứng các yêu cầu của thị trường trong nước và thế giới về nguồn gốc gỗ hợp pháp; tạo nguồn nguyên liệu gỗ rừng trồng, thực hiện quản lý rừng bền vững, đáp ứng tối thiểu khoảng 80% cho nhu cầu sản xuất sản phẩm đồ gỗ xuất khẩu. Theo định hướng của Chính phủ về cấp chứng chỉ là 235.000 ha (88.000 ha rừng tự nhiên, 147.000 ha rừng trồng). Trong giai đoạn từ năm 2018 – 2020 sẽ xây dựng và tổ chức cấp chứng chỉ rừng cho 300.000 ha rừng trồng sản xuất, phòng hộ và giai đoạn 2020 – 2030 là 1 triệu ha.

Ông Bùi Chính Nghĩa – Vụ trưởng Vụ phát triển rừng, Bộ NN&PTNT trình bày chuyên đề “Tiêu chuẩn quản lý rừng quốc gia – PEFC”
Ông Bùi Chính Nghĩa – Vụ trưởng Vụ phát triển rừng, Bộ NN&PTNT trình bày chuyên đề “Tiêu chuẩn quản lý rừng quốc gia – PEFC”

Bà Vũ Thị Quế Anh – Đại diện FSC Việt Nam trình bày chuyên đề “Tổng thể về FSC”, cho biết Hội đồng quản lý rừng thế giới (FSC) là một tổ chức chứng nhận uy tín, có ảnh hưởng lớn trong việc bảo vệ rừng nói riêng và môi trường nói chung trên quy mô toàn cầu. Đến tháng 11/2018, trên toàn thế giới đã có trên 200 triệu ha rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC-FM tại 86 quốc gia (chiếm trên 10% tổng diện tích rừng sản xuất toàn cầu) và trên 35.000 doanh nghiệp được cấp chứng chỉ chuỗi hành trình sản phẩm FCS-CoC ở 122 quốc gia.

Bà Vũ Thị Quế Anh – Đại diện FSC Việt Nam trình bày chuyên đề “Tổng thể về FSC”
Bà Vũ Thị Quế Anh – Đại diện FSC Việt Nam trình bày chuyên đề “Tổng thể về FSC”

Việc thực hiện tốt phát triển bền vững thông qua chứng chỉ FSC sẽ tạo cơ hội lớn cho doanh nghiệp trong việc nâng cao uy tín và năng lực cạnh tranh, thu hút khách hàng, cũng như cải thiện được năng suất và giảm chi phí nhờ sử dụng hiệu quả các nguồn lực, từ đó thâm nhập sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Hiện nay, FSC đưa ra 10 nguyên tắc và 56 chuẩn mực chung. Tiêu chuẩn quản lý rừng FSC được phân ra thành 3 loại chứng nhận cụ thể: FSC-FM (Forest Management certification): Chứng nhận về quản lý rừng. Chứng chỉ FSC-FM dành cho các đơn vị trồng và khai thác rừng. FSC- CoC (Chain of Custody certification): Chứng nhận về chuỗi hành trình sản phẩm. Chứng chỉ FSC – CoC dành cho các đơn vị chế biến các sản phẩm từ rừng. FSC-CW (Controlled Wood): Chứng nhận gỗ có kiểm soát FSC,c hứng nhận hệ thống quản lý cho các đơn vị quản lý rừng hay sản xuất, chế biến và thương mại những nguồn gỗ theo tiêu chuẩn kiểm soát FSC.

“Hiện tại, Việt Nam có 602 doanh nghiệp được cấp chứng chỉ  FSC-CoC, cao nhất khu vực Mekong. Riêng với ngành cao su, có một phần diện tích là rừng trồng, việc áp dụng chứng chỉ rừng (FSC-FM) đã được các doanh nghiệp quan tâm thực hiện. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn nhiều khó khăn đối với việc đảm bảo đáp ứng các tiêu chí của chứng chỉ trong thời gian dài. FSC Việt Nam sẽ tích cực cùng VRG tháo gỡ nút thắt, vướng mắc để các đơn vị thành viên VRG tiến tới chứng chỉ FSC đối với quản lý rừng bền vững (FSC-FM) và chuỗi hành trình sản phẩm (FSC-CoC)” – bà Quế Anh, chia sẻ.

Quang cảnh buổi hội thảo
Quang cảnh buổi hội thảo

Ông Trần Ngọc Thuận – Chủ tịch HĐQT VRG, Chủ tịch VRA, cho biết: “VRG có nguồn cung ứng gỗ đảm bảo các tiêu chí về xã hội, môi trường, không sử dụng hóa chất… Trong thời gian qua, VRG đã thực hiện cam kết rất rõ: không mở rộng diện tích cao su (cả trong nước và nước ngoài: Lào, Campuchia). Gần 100.000 CNVC LĐ có cuộc sống ổn định, đảm bảo an sinh xã hội, cộng đồng… Năm 2013, VRG có 2 công ty thành viên là Cao su Đồng Nai và Dầu Tiếng đã được cấp chứng chỉ FSC, nhưng do những hiểu lầm, chưa hiểu đúng xung quanh việc VRG trồng cao su tại Campuchia, nên tạm thời chưa có chứng chỉ FSC. Thời gian này, VRG đã cùng tổ chức Nepcon khảo sát ở Campuchia. VRG sẽ tháo gỡ những nút thắt, hiểu lầm tiến tới cấp chứng chỉ FSC”.

Bà Natcha Tulyasuwan – Phó GĐ Tổ chức USAID Green Invest Asia đánh giá cao cam kết phát triển bền vững của VRG về minh bạch, bảo vệ môi trường, đảm bảo quyền lợi người lao động… và tin tưởng VRG sẽ đạt chứng nhận phát triển bền vững.

bà Natcha Tulyasuwan – Phó GĐ Tổ chức USAID Green Invest Asia phát biểu tại hội thảo
Bà Natcha Tulyasuwan – Phó GĐ Tổ chức USAID Green Invest Asia phát biểu tại hội thảo

TRẦN HUỲNH – ĐÀO PHONG