CSVN – Nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất và hiệu quả kinh tế trên diện tích hiện có, công ty thực hiện trồng xen canh và chuyển đổi một phần diện tích trồng cao su sang làm nông nghiệp công nghệ cao.
Thu 25 triệu đồng/ha sử dụng hạ tầng trên đất
Hiện nay, Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng đang hợp tác đầu tư với Công ty Cổ phần nông nghiệp U&I thực hiện dự án trồng chuối cấy mô tại Nông trường Thanh An, diện tích khoảng hơn 117 ha. Năm 2017, dự án đã triển khai được 95 ha. Hiện nay, các hạng mục đầu tư dự án đã thực hiện hoàn chỉnh những công trình như mương thoát nước nội đồng, trạm điện, trạm bơm nước, hồ trung chuyển, trạm bơm tưới, nhà máy đóng gói chuối…
Theo lãnh đạo công ty, lợi ích từ việc trồng chuối, công ty sẽ được trả 25 triệu đồng/ha tiền sử dụng cơ sở hạ tầng trên đất và lợi nhuận thu từ dự án được chia theo tỷ lệ góp vốn. Dự án trồng chuối cấy mô là hình thí điểm được công ty triển khai thực hiện. Trong thời gian tới, mô hình này sẽ được triển khai tại các nông trường khác trong công ty.
Bên cạnh chuyển đổi một phần diện tích trồng cao su sang làm khu công nghiệp và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, CTCS Dầu Tiếng còn thực hiện trồng xen canh trên vườn cây KTCB. “Trồng xen có thêm nguồn kinh phí, góp phần giảm suất đầu tư, tăng hiệu quả sử dụng đất, nhưng phải đảm bảo cây cao su sinh trưởng, phát triển tốt”, lãnh đạo công ty cho biết.
Về vấn đề này, Phòng Kỹ thuật nông nghiệp công ty, khuyến cáo cây trồng xen trên vườn cao su là cây trồng kết hợp có mật độ thiết kế theo từng loại cụ thể, được trồng, chăm sóc, thu hoạch theo quy định trồng và chăm sóc phù hợp với từng loại cây và không ảnh hưởng xấu đến sinh trưởng, năng suất, sản lượng của cây cao su, khuyến khích trồng các loại cây hoa màu ngắn ngày có ảnh hưởng tốt với vườn cây cao su như họ đậu, dưa hấu, mè…
Quy định trồng xen
Phòng Kỹ thuật nông nghiệp quy định, để đảm bảo khoảng cách từ gốc cây cao su đến cây trồng xen: Đối với cây ngắn ngày, từ 1,2 m trở lên; cây dài ngày từ 5m, riêng cây chuối và đu đủ có dạng cây thấp hơn cây cao su, rễ không ra xa, có thể trồng cách cây cao su từ 2,5m đến 3m.
Công ty quy định, không được trồng xen trong diện tích hành lang đường, hành lang sông suối. Không làm hư hỏng các hệ thống công trình công cộng, kiến trúc xây dựng của công ty như đường lô, hàng rào, trạm thu mủ… Không được để lại trên lô các rác thải sinh hoạt và rác thải nguy hại; thu gom và tiêu hủy các tấm thảm phủ PE và bao bì thuốc bảo vệ thực vật. Khi trồng xen, không được sử dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật chưa được phép sử dụng. Sử dụng nước ngầm để tưới phải đúng quy định pháp luật.
Ngoài ra, công ty quy định, trong quá trình sản xuất không làm hư hại cây cao su, nếu hư hại phải bồi thường theo giá trị đã đầu tư tính đến thời điểm đó, cộng với sản lượng của số năm do chậm thu hoạch mủ. Trong quá trình canh tác, người trồng xen có trách nhiệm không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của công ty.
Sau khi thu hoạch cây trồng xen, phải để lại xác thực vật (đối với cây mè, cây họ đậu), phải thu gom, tiêu hủy các tàn dư thực vật, túi bầu, túi thảm PE trên lô, lấp toàn bộ hố đã đào trong lô và ký biên bản bàn giao giữa nông trường và người trồng xen.
BÌNH NGUYÊN
Related posts:
- Cao su Kon Tum: Quyết tâm giữ được bộ lá ngay từ đầu mùa
- Cao su Đồng Nai chú trọng đào tạo cán bộ nông nghiệp
- Cao su Quảng Trị: Đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu vườn cây
- Tiếp tục nâng cao công suất các nhà máy chế biến tại Campuchia
- Nghiên cứu mới làm tăng sản lượng mủ cao su
- Thuốc thay thế carbendazim trong phòng trị bệnh phấn trắng trên vườn cao su
- Cao su Chư Prông thực hiện tốt "3 chủ động" trong tái canh cao su
- Cao su Bình Thuận: Nâng cao chất lượng sản phẩm cao su thương hiệu VRG
- Sáng kiến hữu ích trong thiết kế bảng cạo
- Continental nâng cao tính bền vững của cao su thiên nhiên với “chất đánh dấu vô hình”