Cao su Bình Thuận: Nâng cao chất lượng sản phẩm cao su thương hiệu VRG

CSVN – Trong những năm gần đây, ngoài việc yêu cầu sản phẩm sản xuất ra đạt được các tiêu chuẩn của Việt Nam, thì VRG đã chỉ đạo các công ty thành viên cần sản xuất các sản phẩm cao su SVR, RSS đạt tiêu chuẩn VRG nhằm nâng cao giá trị thương hiệu, nâng cao uy tín các sản phẩm của Tập đoàn đối với cao su thiên nhiên trên thị trường Việt Nam và quốc tế.

Sản xuất mủ tờ tại Cao su Bình Thuận. Ảnh: Vũ Phong.

Thực hiện yêu cầu này, lãnh đạo công ty đã giao Phòng Quản lý chất lượng (QLCL) có các cải tiến, giải pháp để nâng cao chất lượng sản phẩm SVR, RSS đạt thương hiệu VRG. Phòng QLCL đã tham mưu lãnh đạo công ty các giải pháp thiết thực giúp nâng cao đáng kể tỷ lệ sản phẩm đạt tiêu chuẩn VRG. Trong đó tập trung thực hiện các giải pháp như:

Thứ nhất, tận dụng lợi thế và điểm mạnh của phòng là năng lực thống kê số liệu, phòng QLCL đã thống kê số liệu kiểm nghiệm các chủng loại sản phẩm trong nhiều năm qua, từ đó xác định những nguyên nhân chính dẫn đến các sản phẩm của công ty không đạt thương hiệu VRG là do thông số lý hóa của các chỉ tiêu không đạt được ngưỡng yêu cầu.

Ví dụ, đối với sản phẩm SVR 3L là chỉ tiêu mooney (chiếm 100% nguyên nhân rớt hạng), đối với cao su tờ RSS là chỉ tiêu PRI (chiếm 70,5% nguyên nhân rớt hạng), độ dẻo P0 (chiếm 15,4% nguyên nhân rớt hạng), tạp chất (chiếm 13,6% nguyên nhân rớt hạng). Từ đó phòng tập trung nguồn lực tìm giải pháp để khắc phục các nguyên nhân chính gây rớt hạng sản phẩm này nhằm tăng tỷ lệ sản phẩm đạt thương hiệu VRG.

Chẳng hạn đối với SVR 3L thì phòng đề xuất xí nghiệp chế biến lựa chọn nguồn nguyên liệu có mooney đầu vào cao để sản xuất, khảo sát tất cả mooney của các nguồn nguyên liệu đầu vào, đề xuất thủ kho ưu tiên xuất các lô hàng có mooney thành phẩm cao trước, khảo sát tìm khoảng thời gian lưu kho phù hợp để sản phẩm tự gia tăng mooney trong quá trình tồn trữ giúp khi xuất hàng chỉ số mooney này đạt yêu cầu. Đối với RSS thì đề xuất điều chỉnh, kiểm soát nhiệt độ, thời gian xông sấy, kiểm soát nguồn nước sản xuất…

Thứ hai, tập trung khoanh vùng các bộ phận sản xuất, các nguyên nhân gây nên tỷ lệ rớt hạng sản phẩm cao. Ví dụ, qua quá trình theo dõi, thống kê thì nhận thấy đối với dây chuyền sản xuất mủ tờ của Nhà máy Suối Kè thi đa số các lô rớt hạng xông sấy ở lò số 5,6,12; Nhà máy Suối Kè 2 là lò số 6,13,19. Phòng đã phối hợp với xí nghiệp chế biến tìm hiểu nguyên nhân các lò này có tỷ lệ rớt hạng cao và tiến hành khắc phục vệ sinh, thông lại lỗ nhiệt lò, kiểm soát nhiệt độ lò… Kết quả đã giải quyết được tỷ lệ rớt hạng ở các lò này.

Thứ ba, tăng cường kiểm soát quy trình sản xuất, kiểm tra sự tuân thủ của công nhân, người lao động trên thực tế sản xuất tại nhà máy, và thông qua tính toán thống kê chỉ số năng lực quá trình nhà máy đạt được ở mức triển vọng và tin cậy (Cpk =1,68/ngưỡng chấp nhận là 1,5). Thứ tư, tăng cường học hỏi các đơn vị bạn trong và ngoài VRG; hợp tác với Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam trong tìm các giải pháp hay, các biện pháp kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Ví dụ như điều chỉnh pH đánh đông, điều chỉnh nhiệt độ xông sấy mủ, điều chỉnh thời gian hong phơi, để ráo của mủ tờ…

Nhờ thực hiện các giải pháp cải tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm thương hiệu VRG, năm 2022, tỷ lệ sản phẩm đạt chất lượng VRG của công ty tăng lên là 66,4% tổng sản phẩm chế biến và đạt 135,6% KH (7.891/5.800 tấn). Đối với sản phẩm chủ lực của công ty là cao su tờ xông khói RSS đã tăng từ 36,4% năm 2021 lên 55,3% năm 2022.

NGUYỄN LÝ