Sáng kiến hữu ích trong thiết kế bảng cạo

CSVN – Cứ đến mùa cạo mới, công nhân (CN) phải tốn nhiều ngày và nhiều người cùng lúc để thiết kế bảng cạo, trang bị vật tư cho vườn cây. Nhưng với sáng kiến mới của cán bộ nhân viên Nông trường Đoàn Kết (Cao su Chư Prông) thì công việc này đã được rút gọn nhiều thời gian và công sức.
Anh Phan Đình Bổng rập miệng cạo với dụng cụ do nhóm anh sáng tạo trước sự chứng kiến của ông Võ Toàn Thắng - TGĐ Cao su Chư Prông.
Anh Phan Đình Bổng rập miệng cạo với dụng cụ do nhóm anh sáng tạo trước sự chứng kiến của ông Võ Toàn Thắng – TGĐ Cao su Chư Prông.
Biến ý tưởng thành hiện thực

Cách đây 3 năm, khi còn là Giám đốc (GĐ) NT Thanh Bình – Công ty TNHH MTV Cao su Chư Prông, anh Phan Đình Bổng bắt gặp hình ảnh khiến anh chạnh lòng. Đó là cảnh CN đung đưa trên cao để rập bảng cạo. “Hình ảnh đó cứ thôi thúc tôi phải làm sao để CN được an toàn khi rập bảng cạo trên cao”, anh chia sẻ về ý tưởng.

Khi về làm GĐ NT Đoàn Kết, anh đã chia sẻ ý tưởng này với anh Tới – kỹ thuật và anh Mạnh – Phó GĐ NT. Từ suy nghĩ làm thế nào để CN có thể rập được bảng cạo mà không cần trợ giúp từ người khác? Sau 3 năm mày mò nghiên cứu và thử nghiệm, cuối cùng 3 anh đã thiết kế được một bảng rập có tay cầm, đây là dụng cụ rập miệng cạo 1 CN có thể thao tác được. Với thiết kế này, nhóm của anh đã nhận được nhiều đánh giá tích cực của lãnh đạo, cán bộ kỹ thuật, nhất là CN.

Xưa nay, việc rập bảng cạo đòi hỏi phải sử dụng 2 người và CN thường đổi công cho nhau hoặc sử dụng lao động phụ trong gia đình, mỗi ngày 2 người rập được khoảng 300 cây, nhưng đó là với miệng cạo xuôi, ở dưới thấp. Với miệng cạo úp (trên cao) thì CN phải dùng 2 chiếc thang 4 chân và 2 người, mỗi ngày cũng chỉ rập được hơn 200 cây.

Anh Bổng cho hay: “Với sản phẩm này, 1 CN có thể rập được 250 cây/ngày thay vì 2 người như trước kia. Trên cao CN không thể đứng chênh vênh 1 mình trên 1 chiếc thang 4 chân, dễ ngã gây nguy hiểm đến tính mạng. Từ nhược điểm đó, chúng tôi suy nghĩ và đi đến thống nhất phải làm 1 cái thang 1 người có thể đứng được và thoải mái thao tác công việc. Chúng tôi nghĩ phải làm 1 cái bệ đứng ở giữa cái thang 2 chân, trên đầu thang thiết kế bộ phận ôm sát vào cây và dùng dây xích khóa vòng tròn vào cây cao su để thang không thể tuột khỏi cây khi đang thao tác”.

Về mặt cấu tạo, thang mới không khác so với thang thông thường. Điểm khác biệt là việc tạo ra bệ đứng giữa chiếc thang, bệ đứng này giúp CN có thể di chuyển trong khi rập bảng cạo.

Anh Tới - kỹ thuật NT (người cầm thước dây) diễn giải về công dụng của dụng cụ rập miệng cạo do nhóm anh sáng tạo.
Anh Tới – kỹ thuật NT (người cầm thước dây) diễn giải về công dụng của dụng cụ rập miệng cạo do nhóm anh sáng tạo.
Hiệu quả thiết thực

Tuy đơn giản nhưng chiếc thang và bảng rập miệng cạo là dụng cụ hỗ trợ đắc lực, quyết định đến năng suất lao động đối với CN khi tiến hành rập bảng cạo và trang bị vật tư cho vườn cây. Anh Bổng chia sẻ về sự tiện lợi và tính ưu việt của bảng rập do nhóm anh sáng tạo: “Với bộ dụng cụ này, CN có thể tiết kiệm được một nửa thời gian và công lao động. Trước kia, CN phải mất cả chục ngày với 2 lao động để rập miệng cạo, trang bị vật tư cho 3 phần cạo, nhưng nay chỉ cần 1 người và thực hiện công việc này chưa đến 1 tuần đã xong, từ đó CN có nhiều thời gian hơn để làm việc nhà, làm nương rẫy…”.

Dẫu vậy, anh Bổng cũng chỉ ra nhược điểm: “Do đây là chiếc thang chuyên dụng nên không sử dụng đa mục đích như những chiếc thang thông thường khác, nó chỉ dùng vào việc rập bảng cạo và trang bị vật tư cho vườn cây cao su”.

Chi phí làm chiếc thang này cũng rẻ hơn khoảng 1/3 so với việc mua một chiếc thang gập 4 chân. Ngay sau khi biết sáng kiến của nhóm anh Bổng mang lại tiện ích cho CN khi trang bị vật tư vườn cây trong  mùa cạo mới, TGĐ công ty Võ Toàn Thắng cùng hội đồng thẩm định sáng kiến đã đến tận nơi chứng kiến nhóm anh thao tác và diễn giải về tiện ích của nó. Ông Thắng đã đồng ý cho NT phổ biến rộng rãi đến CN trong toàn công ty và xem xét hỗ trợ một phần kinh phí để NT đầu tư số lượng lớn phục vụ cho những năm sau.

VĂN VĨNH