Cao su Quảng Trị: Đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu vườn cây

CSVN – Tranh thủ thời gian giá mủ cao su xuống thấp, công ty đã tổ chức tái cơ cấu vườn cây, chủ yếu tập trung tái canh trên 90% vườn cây hiện có đã già cỗi. Đến cuối năm 2015 công ty đã tái canh được 60% vườn cây theo kế hoạch và phấn đấu hoàn thành vào năm 2018.
Tuy còn nhiều khó khăn nhưng NLĐ vẫn gắn bó với vườn cây và công việc
Tuy còn nhiều khó khăn nhưng NLĐ vẫn gắn bó với vườn cây và công việc
 Vừa tái canh vừa nâng cao thu nhập

Do vườn cây già chiếm đa số, năng suất thấp, kéo theo thu nhập công nhân (CN) khai thác giảm mạnh. Để tạo điều kiện cho người lao động (NLĐ) có thu nhập ổn định, đảm bảo đời sống, công ty đã tổ chức sắp xếp lại vườn cây một cách hợp lý, mỗi CN vừa nhận vườn cây khai thác vừa nhận vườn cây kiến thiết cơ bản (KTCB). Bên cạnh đó, để tạo điều kiện cho NLĐ có điều kiện để trồng xen canh tăng thu nhập, công ty đã có chủ trương thay đổi mật độ trồng, thiết kế theo dạng hàng kép. Mật độ thiết kế được áp dụng phổ biến là 2,5m x 5m x 9m, có nghĩa là cây cách cây 2,5 mét, hàng cách hàng xen kẽ 5 mét, hàng kế tiếp 9 mét.

[stextbox id=”stb_style_259398″]Trong năm 2015 công ty đã hoàn thành kế hoạch sản lượng trước 45 ngày, vượt trên 300 tấn.[/stextbox]Việc làm này giúp NLĐ có thể tận dụng đất trồng xen canh ở hàng song 9 mét lâu dài kể cả lúc cây cao su đưa vào khai thác. Một số vùng đất đồi dốc, đất bạc màu công ty cho thiết kế theo mật độ 2,5m x 5m x 12m, đối với hàng song 12 mét cho phép CN trồng xen canh rừng tràm để có thêm thu nhập trong suốt quá trình cao su KTCB.

Việc làm này kết hợp với công tác vận động CN nhận khoán vườn cây KTCB phải tổ chức trồng xen để đảm bảo thu nhập ổn định. Kết quả đạt được là 100% diện tích vườn cây KTCB được CN tổ chức trồng xen có hiệu quả, thu nhập của NLĐ ổn định, bình quân đạt từ 6 đến 7 triệu đồng/người/tháng.

Giải được bài toán giữ chân NLĐ

Trong giai đoạn khó khăn như hiện nay, khi sản lượng vườn cây ngày càng xuống thấp cùng với giá mủ liên tục giảm mạnh làm thu nhập NLĐ bị ảnh hưởng là một bài toán khó với lãnh đạo công ty. Ngoài ra, 3 năm nay, vườn cây cũng bị hư hại nặng do ảnh hưởng của thiên tai. Trong năm 2013 bão số 10 và số 11 là làm hư hại hoàn toàn trên 700 ha cao su.

Trước tình hình đó, một bộ phận CN do thu nhập thấp đã nảy sinh tư tưởng tiêu cực, không gắn bó với vườn cây nên đã đơn phương chấm dứt hợp đồng, một số khác đã tự ý bỏ việc. Vấn đề công ty cần giải quyết là làm làm sao vẫn tạo được việc làm cho NLĐ, ổn định thu nhập, tạo động lực cho họ gắn bó, cùng công ty vượt qua khó khăn trước mắt.

Trước tình cảnh khó khăn đó, thời gian qua, với những chủ trương và Nghị quyết đúng đắn tất cả cùng hướng về đời sống của NLĐ, công ty đã từng bước nỗ lực giữ chân NLĐ bằng những việc làm thiết thực và hiệu quả, nhằm đẩy nhanh tái cơ cấu doanh nghiệp trong một thời gian gần nhất. Nỗ lực giữ chân NLĐ của công ty được ghi nhận qua số liệu: Tổng số lao động đầu năm 2015 là 982 người, đến thời điểm cuối năm con số này là 835 người, giảm 147 người, trong đó có đến 98 trường hợp CN nghỉ hưu theo chế độ.

Qua đó để thấy rằng NLĐ nơi đây còn rất tâm huyết gắn bó với vườn cây cao su, bởi họ tin tưởng vào một tương lai khởi sắc của ngành cao su trong những năm tới. Có thể nói, những chủ trương đúng đắn được thực hiện đã ảnh hưởng tích cực đến tinh thần lao động của đông đảo bộ phận CN trong toàn công ty. Họ cảm nhận được sự tin tưởng, tinh thần phấn khởi, gắn bó trách nhiệm với vườn cây.

Bài, ảnh: Nguyễn Đăng Sỹ