CSVNO – Tối 9/11, Bộ NN&PTNT đã tuyên dương tập thể, cá nhân tiêu biểu xuất sắc trong 5 năm thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nhân dịp kỷ niệm 73 năm Ngày truyền thống ngành NN&PTNT (14/11/1945-14/11/2018). Tại đây, VRG, Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng, Công ty TNHH MTV Cao su Chư Păh và Công ty CPCS Sơn La được trao tặng danh hiệu “Doanh nghiệp vì nhà nông”.
Bộ NN&PTNT đã trao tặng Bằng khen cho 20 hợp tác xã và 20 nông dân/chủ trang trại tiêu biểu xuất sắc có thành tích đóng góp trong việc thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; trao tặng Giải thưởng “Bông lúa vàng Việt Nam” lần thứ III cho 45 cá nhân, nhóm tác giả có sản phẩm tiêu biểu, xuất sắc đã được khẳng định trong thực tiễn, góp phần tạo ra những thành quả về tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Bộ cũng trao tặng Doanh hiệu “Doanh nghiệp vì nhà nông” lần thứ II cho 53 doanh nghiệp đầu tư, hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, có vai trò “đầu tàu” trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp 5 năm qua. Trong đó có VRG, Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng, Công ty TNHH MTV Cao su Chư Păh và Công ty CPCS Sơn La.
Theo Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn, những doanh nghiệp, hợp tác xã, nhà khoa học, nông dân tiêu biểu được vinh danh ngày hôm nay là những điển hình về lao động cần cù, sáng tạo.
Họ đã luôn đồng hành cùng nông dân với các mô hình tốt, cách làm hay, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp thông minh, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, gắn với công cuộc xây dựng nông thôn mới.
Qua 5 năm tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã tạo được sự chuyển biến trong nhận thức và thống nhất quan điểm của các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương về sự cần thiết phải cơ cấu lại nền kinh tế; trong đó có tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Hệ thống chính sách về nông nghiệp và phát triển nông thôn được tiếp tục đổi mới phù hợp và hiệu quả hơn, cơ cấu sản xuất, cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch theo hướng phát huy lợi thế, phù hợp với nhu cầu thị trường và thích ứng biến đổi khí hậu…
Ngành nông nghiệp tiếp tục phát huy vai trò, vị thế quan trọng trong phát triển nền kinh tế, ổn định chính trị, xã hội; trong đó chỉ tiêu tăng trưởng bình quân 5 năm qua đạt 2,55%/năm, dự kiến năm 2018 đạt 3,4%, chất lượng tăng trưởng ngày càng cao.
Kim ngạch xuất khẩu đạt 157 tỷ USD, bình quân đạt 31,5 tỷ USD/năm, tăng 51,2% so với bình quân của 5 năm trước, dự kiến năm 2018 đạt 40,5 tỷ USD.
Đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp được quan tâm và tăng lên, số doanh nghiệp lĩnh vực nông nghiệp được thành lập mới năm 2017 gần 2.000 doanh nghiệp.
Các hợp tác xã được tổ chức lại và thành lập mới theo Luật Hợp tác xã năm 2012, đến nay cả nước đã có 13.000 hợp tác xã nông nghiệp cùng với trên 35.000 trang trại sản xuất kinh doanh hiệu quả…
Đây là cơ sở đảm bảo năng suất lao động nông nghiệp tăng nhanh, năm 2017 đạt 35,5 triệu đồng/lao động, so với năm 2012 tăng 9,93 triệu đồng.
Tỷ lệ xã đạt tiêu chí nông thôn mới đến hết năm 2017 đạt 34,4%, dự kiến cuối năm 2018 sẽ đạt 40% và năm 2020 sẽ đạt mục tiêu 50% số xã đạt chuẩn.
Tỷ lệ che phủ rừng năm 2017 đạt 41,45%, ước hết năm 2018 sẽ đạt 41,65% và năm 2020 đạt 42%…
Tại lễ tôn vinh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình đánh giá cao thành tựu của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn sau 5 năm thực hiện tái cơ cấu góp phần rất quan trọng duy trì sự ổn định và phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Trong thành tích chung đó có sự đóng góp công sức, trí tuệ của các nhà khoa học, nhà quản lý, các doanh nghiệp, người lao động trực tiếp và nông dân tiêu biểu trong cả nước xứng đáng được tôn vinh, khen thưởng.
Ông Nguyễn Văn Bình tin tưởng rằng, đây là những tấm gương sáng, là đầu tàu để ứng dụng công nghệ đổi mới sản xuất, nâng có hiệu quả, hướng đến nền nông nghiệp công nghệ cao, hiện đại, giá tăng cao và phát triển bền vững.
Các tập thể, cá nhân và doanh nghiệp được tuyên dương sẽ tiếp tục phát huy tốt thành tích đã đạt được, có đóng góp xứng đáng cho thành quả nước nhà.
Kết quả trên là tiền đề quan trọng để ngành có những bứt phá mạnh hơn nữa. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tiếp tục có các giải pháp về liên kết chuỗi, ứng dụng khoa học công nghệ, mô hình sản xuất… đưa nông nghiệp Việt Nam trở thành nền nông nghiệp công nghệ cao, hiện đại.
PV (tổng hợp)
Related posts:
- Trường CĐ Công nghiệp cao su: Tuyển sinh năm 2017 đạt 158,4%
- "Vàng trắng" đã chảy tại Campuchia
- Tổng doanh thu Cao su Phú Thịnh 1.466 tỷ đồng sau 4 năm khai thác
- Lễ kỷ niệm 90 năm truyền thống ngành tổ chức trong 2 ngày 25 - 26/10
- Quỹ Khoa học Công nghệ: Khuyến khích ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất
- Thành công của sự hợp tác hữu nghị và phát triển
- 16 tập thể và cá nhân được khen thưởng tại Hội nghị tổng kết y tế ngành
- Cao su Chư Sê khen thưởng cho 210 cá nhân, 18 tập thể
- Cao su Mang Yang – Ratanakiri: Đưa thêm 683 ha cao su vào khai thác năm 2016
- Chuyển đổi số: Công cụ thực hiện đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp