CSVN – Ở quần đảo Trường Sa, mỗi cây rau mọc lên là mồ hôi, là tâm huyết của các chiến sĩ ngày đêm chăm sóc, vun trồng… giúp cải thiện bữa ăn hàng ngày, để luôn vững vàng cầm chắc tay súng bảo vệ biên cương Tổ quốc.
Giữa cái nắng khắc nghiệt của Trường Sa, màu xanh của những luống rau làm mát dịu không khí oi nồng của biển đảo. Do thời tiết nắng nóng kéo dài, khô hạn, nhiễm mặn, cộng với thổ nhưỡng chỉ là cát san hô nên hầu hết các loại cây ở đất liền không thể sống được trên quần đảo Trường Sa. Màu xanh cây lá trên đảo chủ yếu là các loại cây phong ba, bão táp, bàng vuông và cây muống biển.
Bởi vậy, việc “ươm mầm” trồng rau xanh, nuôi lợn, vịt, chó, bò… trên đảo, đặc biệt là ở các đảo chìm từ lâu đã trở thành một “kỳ tích” của các chiến sĩ Trường Sa. Chúng tôi được chứng kiến cán bộ chiến sỹ Trường Sa trồng các loại như cải, mướp, mồng tơi, bầu, bí. Chiến sĩ Nguyễn Văn Tâm chia sẻ: “Ngày còn ở bên gia đình tôi đã phụ giúp bố mẹ trồng rau. Ra đảo mới thấy rau sinh trưởng chậm, thời gian chăm lâu hơn.
Do nguồn nước sạch hiếm nên buổi sáng chỉ dám tưới một ít để rửa trôi muối biển bám vào rau”. Những giọt nước quý trong chiếc xô được các chiến sĩ trẻ nhanh chóng tưới trên luống rau diện tích khoảng 30m², rồi dùng bao nilông che lại để bảo vệ rau.
Đại úy Đinh Cao Toan, Chính trị viên đảo Song Tử Tây cho biết, từ tháng 10 đến khoảng tháng 6 năm sau là mùa gió muối, ít mưa nên nước ngọt trên đảo rất khan hiếm. Để khắc phục, cán bộ chiến sĩ phải tận dụng lại nước thải sinh hoạt để tưới rau. Những giọt nước quý trong chiếc xô được các chiến sĩ trẻ tưới trên các luống rau.
Bên cạnh đó, một diện tích nhỏ rau được trồng trong nhà kính để che chắn hơi muối từ biển thổi vào, giúp rau xanh tốt hơn. Đối với cán bộ chiến sĩ ở đảo, tăng gia được xem là một nhiệm vụ quan trọng. Tuy còn nhiều khó khăn, nhưng với nỗ lực khắc phục, lượng rau tăng gia được cũng đảm bảo nhu cầu rau xanh cho mọi người.
Tại các đảo chìm như: Đá Nam, Đá Thị, Đá Lát… để trồng được vườn rau cung cấp cho cán bộ chiến sĩ ở đây quả là kỳ công. Nơi đây, rau được trồng trong các khay, thùng xốp, chậu, túi ni lông… Theo các chiến sĩ ở đảo chìm, ngoài chắt chiu từng ca nước, các anh còn phải để ý đến đất trồng rau, từng hạt phân để cho rau sinh trưởng, phát triển bình thường, bởi ở đảo chìm không có đất tự nhiên, phải chuyển từ bờ ra để trồng nên đất cũng cần phải tiết kiệm.
Việc che chắn cho rau, các anh tận dụng thùng, bạt, các miếng ván thừa làm bờ rào. Mùa hè, các anh phải dùng màn, chiếu cũ để che bớt nắng cho rau khỏi bị héo. Khi trời mưa to gió lớn, rau chết do nước biển đánh vào. Thế nên khi gió thổi từ hướng này, mỗi người lại ôm thùng rau chạy qua hướng khác để cứu rau khỏi chết.
KIM SƠN
Related posts:
- Tập đoàn Quế Lâm: Thêm nhiều mô hình sản xuất hữu cơ mới
- “Các tác phẩm dự thi góp phần lan tỏa hình ảnh, thông điệp đẹp về ngành cao su”
- Chuyển địa điểm tổ chức Hội thao khu vực III về Bình Dương
- Tỉnh Bình Phước tiếp tục tạo điều kiện hỗ trợ các công ty thuộc VRG
- Theo anh vào lô
- Cao su Tân Biên tiêm vaccine phòng Covid - 19 đạt 71,1%
- Cao su Phú Riềng tổ chức giải cầu lông “Gia đình CNVC LĐ”
- Bán độ: “Bệnh nan y” của bóng đá Việt?
- Cần lắm sự sẻ chia!
- Bóng chuyền nữ Tập đoàn Cao su - Bình Phước gặp nhiều đối thủ mạnh