Ngang qua màu xanh thơ ấu

CSVN – Tháng Tư về trên phố bằng những vạt nắng xuyên mây khô rám mặt người, tôi trở về thăm quê trên chuyến xe khách băng qua những vạt cao su cao ngút hai bên vệ đường. Nghe mùi gió phất phơ thẳm sâu trong tận cùng ký ức, như gợi nhớ trong tôi bao mùa cao su thay lá, chập chờn trong những tiếng khóc lúc nửa đêm ngóng mẹ về từ màn sương phủ đầy trên mái tóc.
Ảnh: Kim Chi
Ảnh: Kim Chi

Ngày ấy tôi còn nhỏ lắm. Ba mẹ tôi dắt díu nhau từ miền đất phương Bắc xa xôi vào phương Nam lập nghiệp. Đó là vùng đất Tây Nguyên đất đỏ mù mịt, với những vạt rừng cao su trải dài xa tít tắp. Khác với khung cảnh làng quê yên bình với cánh đồng lúa xanh rờn thẳng cánh cò bay, nghe hương lúa non bảng lảng trên những cánh diều phía nền trời cao vút. Nơi có bến sông quê rộn rã mỗi xế chiều đưa đón người dân quê như một lập trình quen thuộc.

Nhớ những ngày còn chân ướt chân ráo đến khu kinh tế mới. Lúc đầu chưa có công việc ổn định, ba mẹ tôi được giới thiệu vào làm công nhân trong xí nghiệp cao su gần nhà. Cũng từ dạo ấy, cuộc sống tuy có phần sung túc, dư giả nhưng đổi lại cả gia đình phải chấp nhận những thay đổi mới để phù hợp với công việc của ba mẹ. Đó là những bữa cơm đầm ấm sum họp thưa thớt dần, thay vào đó là những giấc ngủ chập chờn của chúng tôi khi nửa đêm tỉnh giấc chỉ nghe tiếng gió lùa huơ hoác. Là nỗi sợ hãi khi cả ba và mẹ đều ra khỏi nhà từ chập tối đến tảng sáng hôm sau mới trở về những mùa cạo mủ. Là đôi tay chai sạn của mẹ cha theo thời gian áp lên vầng trán của chúng tôi mỗi khi trái gió trở trời.

Nhớ  những sáng mẹ đèo tôi đi học trên chiếc xe đạp cà tàng, ngang qua vạt rừng trồng những dãy cao su sum suê cành lá, chỉ cho chúng tôi công việc mà mẹ và ba hàng ngày gắn bó, xen lẫn trong từng câu chuyện kể là bao trăn trở, suy tư, nhưng luôn ẩn náu bao nỗi lạc quan mà ba mẹ mong phận làm con như chúng tôi thấu hiểu. Bởi đời người công nhân cao su tuy gian khó cực khổ, nhưng đáng trân quý và cảm thông biết nhường nào.

Nhờ có những tháng ngày lao động mệt nhoài, vất vả của ba mẹ mà anh em chúng tôi được học hành đến nơi đến chốn như chúng bạn cùng trang  lứa.

Tôi đi phố. Bỏ xa những vạt cao su bao mùa thay lá, rụng kín lối đi dẫn vào nơi những mái nhà san sát vùng đất Tây Nguyên. Bỏ quên cả những tiếng mẹ cha í ới gọi con những sáng tinh sương trở về từ rẫy.

Để một hôm nào đó bất giác trở về, ngồi trên chuyến xe khách băng qua những vạt rừng cao su cao ngút mặt người, bỗng nghe nhói trong lồng ngực nỗi nhớ khôn nguôi, về một thời thơ ấu đã qua đi, của một màu xanh giữa nền trời rực nắng.

Song Ninh (32, Phố Nghi Tân, P. Đông Mai, Tx. Quảng Yên, Quảng Ninh)