CSVNO – Bệnh phấn trắng do nấm Oidium heveae Steinm gây ra là một trong những bệnh lá phổ biến tại các nước trồng cao su trên thế giới. Bệnh có khả năng gây hại cho cây cao su ở mọi lứa tuổi, làm giảm sinh trưởng, sản lượng vườn cây, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế.
Tại Việt Nam, bệnh phấn trắng thường phát sinh gây hại cho các vùng trồng cao su vào giai đoạn tháng 1 – 3 hàng năm là mùa cao su thay lá, do lá non rất dễ nhiễm bệnh, cộng với điều kiện thời tiết sương mù nhiều, nhiệt độ thấp, rất thuận lợi cho nấm phát triển.
Khi vườn cây bị nhiễm bệnh phấn trắng trong giai đoạn ra lá non (1-10 ngày tuổi), lá sẽ bị rụng nhiều lần cây sẽ bị mất sức, giảm sinh trường do phải tập trung dinh dưỡng để tái tạo tầng lá mới. Mặt khác, điều này sẽ làm kéo dài thời gian ra lá mới dẫn đến cạo trễ, thời gian cạo lấy mủ trong năm sẽ bị rút ngắn lại, dẫn đến giảm sản lượng vườn cây.
Nếu lá bị nhiễm trong giai đoạn lá hơn 10 ngày tuổi, lá nhiễm bệnh không bị rụng mà toàn bộ phiến lá bị biến dạng để lại các vết bệnh với nhiều dạng loang lổ, ban đầu có màu vàng nhạt sau đó chuyển sang màu nâu trên phiến lá, hàm lượng diệp lục trong lá bệnh sẽ thấp, dẫn đến hiệu suất quang hợp sẽ bị giảm và như vậy năng suất chắc chắn sẽ bị sụt giảm rất nhiều.
Mủ cao su là sản phấm thứ cấp của cây cao su, được tạo ra từ hệ thống các ống mủ trong vỏ cây. Nguyên liệu chính cây sử dụng để tạo mủ là đường sucrose được sinh ra trong quá trình quang hợp của cây. Quá trình quang hợp xảy ra trong lá cao su nhờ chất diệp lục. Tán lá có tốt thì hiệu suất quang hợp mới cao, tạo ra nhiều nguyên liệu là đường cho quá trình tạo mủ.
Nếu quản lý bệnh tốt, vườn cây không bệnh hoặc chỉ bị nhiễm rất nhẹ, không bị rụng lá lại, tán lá tốt khỏe, ổn định nhanh, không bị cạo trễ, năng suất mủ mỗi lần cạo cao. Do đó có thể nói quản lý bệnh phấn trắng hiệu quả là cơ sở để nâng cao năng suất mủ cao su.
Các biện pháp quản lý bệnh:
Vùng có nguy cơ bệnh cao, không trồng các giống mẫn cảm, nên xem xét trồng các giống nhiễm bệnh nhẹ: RRIV 103, RRIV 109, RRIV 115, RRIV 209, PB 312, RRIM 712, RRIC 100, RRIC 121… Tuy nhiên cũng cần tham khảo cơ cấu giống khuyến cáo để quyết định.
Bón phân đầy đủ. Tăng cường phân bón vào cuối mùa mưa đặc biệt là đạm và kali để cây có đầy đủ dinh dưỡng khi ra lá mới, lá sớm ổn định, vượt qua giai đoạn mẫn cảm với bệnh.
Khai thác hợp lý, không khai thác mủ quá độ làm cây suy kiệt, chống chịu bệnh kém.
Về việc sử dụng thuốc, do đặc thù bệnh thường xuất hiện vào mùa cây thay lá. Cần xử lý để ngăn chặn bệnh phát sinh chứ không đợi bệnh xuất hiện rồi mới chữa. Tuy nhiên cần thực hiện trên cơ sở tính toán hiệu quả kinh tế, không phun đại trà, chỉ phun chọn lọc vườn chủ lực nhóm 1, 2 có năng suất cao hoặc vùng có nguy cơ nhiễm bệnh cao.
Để triển khai có hiệu quả việc phun phòng trị bệnh phấn trắng cần phải đảm bảo nguyên tắc 4 đúng:
- Đúng thuốc: Sử dụng các thuốc đã được khuyến cáo trong quy trình: hexaconazole (Anvil 5SC, Hexin 5SC, Vivil 5SC, Saizole 5SC) nồng độ 0,2%; hỗn hợp của carbendazim và hexaconazole (Vixazol 275SC, Arivit 250SC) nồng độ 0,2% hoặc diniconazole (Sumi-Eight 12,5WP) nồng độ 0,05% – 0,1%. Pha kết hợp với chất bám dính BDNH 2000 nồng độ 0,2% để tăng hiệu quả thuốc.
- Đúng lúc: phun thuốc lần đầu khi 10 – 15% số cây trên vườn có lá non nhú chân chim, lá chưa nhiễm bệnh hoặc mới nhiễm ở mức rất nhẹ (cấp 1). Không phun thuốc khi trên 50% số cây trên vườn có lá giai đoạn xòe rũ (màu xanh nhạt) đã nhiễm bệnh từ cấp 2 trở lên. Phun bình quân 2 lần cách nhau 10 ngày. Nếu gặp điều kiện thời tiết khí hậu bất thuận, lá chưa ổn định, cần phun thêm lần 3. Việc đảm bảo đúng chu kỳ phun 10 ngày/lần cũng góp phần quan trọng vào hiệu quả công tác phòng trị bệnh.
- Đúng cách: phun phủ đều toàn bộ tán lá, phun thuốc trong khoảng thời gian trời mát (sáng sớm hoặc chiều tối), không phun thuốc vào thời điểm nắng gắt, nhiệt độ cao.
- Đúng liều lượng: 400 – 700 lít/ha tùy thuộc loại máy phun và mật độ lá trên tán.
Quản lý bệnh phấn trắng chỉ là một phần trong quá trình canh tác, chăm sóc vườn cây nhưng nếu thực hiện tốt sẽ góp phần không nhỏ vào việc nâng cao năng suất làm gia tăng hiệu quả kinh doanh cây cao su.
Nguyễn Anh Nghĩa
(Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam)
Related posts:
- Phối trộn mủ dây để sản xuất mủ SVR10
- Hiệu quả của công tác phun phòng trị bệnh phấn trắng
- Nông trường Sông Giêng (Cao su Bình Thuận): Duy trì ổn định năng suất vườn cây
- Quyết liệt nhiều giải pháp hoàn thành 245.000 tấn mủ
- Nhiều giải pháp sáng tạo ở Đảng bộ NT Long Tân
- Tái sử dụng nước thải tiết giảm 1 tỷ đồng/năm
- Kinh nghiệm phòng trị bệnh phấn trắng tại Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum
- Tận tâm, sáng tạo trong công việc
- Giải pháp tận thu mủ hiệu quả của công ty CS Tây Ninh
- Cao su Bà Rịa: Ưu tiên đảm bảo thu nhập, giữ chân người lao động
Cho em hoi thuoc nay co dung duoc cho cay chanh day khong? Neu ko thi cho em biet loai thuoc nao phong va tri duoc benh vi rut thuong goi la benh phan trang. Cam on.