Chống úng cho cao su tại vùng Ia Mơr

Rừng khộp vốn là vấn đề nan giải cho sự phát triển của cao su, và chỉ khi bước vào giai đoạn chăm sóc mới thấy được sự khó nhọc, gian nan ấy, đặc biệt là trong mùa mưa. Sau khi khảo sát vùng dự án Ia Lâu, Ia Mơr của các công ty cao su tại Gia Lai, Phó TGĐ VRG Nguyễn Văn Tân đã chỉ đạo việc cần làm trước mắt là chống úng cho cao su.

Vào mùa mưa, trên đất rừng khộp đều xảy ra hiện tượng ngập úng toàn vùng, bởi do lập địa tầng đất dưới là đá bàn hoặc đất sét, trong khi bề mặt là đất cát khiến cho việc thấm nước không thể thực hiện được. Do đó, để cây cao su sinh trưởng được trên vùng đất này cần có sự giúp sức đặc biệt từ bàn tay con người.

Kết luận trong những lần đến thực địa tại vùng Ia Mơr, Phó TGĐ Nguyễn Văn Tân đã chỉ ra: “Vấn đề lớn nhất hiện nay của vùng Ia Lâu, Ia Mơr là ngập úng. Biện pháp tốt nhất để khắc phục tình hình là làm sao để thoát được úng, có như vậy cây sẽ không bị thiếu sự trao đổi chất, dẫn đến thối rễ vì ngập úng. Do đó, lãnh đạo, cán bộ của cơ sở cần sâu sát hơn nữa đối với vườn cây để nắm rõ từng tiểu vùng, khu vực ngập nước cục bộ nhằm sớm khắc phục tình trạng ngập úng nhiều ngày”.

Công nhân Nông trường thanh niên Ia Mor  khơi mương thoát nước
Công nhân Nông trường thanh niên Ia Mor khơi mương thoát nước

Sau khi trồng mới được ít năm, các công ty đã nhận thấy được vấn đề nên đã tiến hành lên líp cho cao su nhằm tạo thành hệ thống mương thoát nước. Tuy nhiên, để triển khai đồng bộ các giải pháp và thực hiện đúng quy trình kỹ thuật của công tác trồng mới, các đơn vị đã tiến hành trồng thảm phủ, nhưng đây chính là một trong nhiều nguyên nhân làm cản trở sự thoát nước trong các lô cao su.

Trao đổi với chúng tôi, anh Lưu Văn Tình – Giám đốc NT Thanh niên Ia Mơr, Công ty TNHH MTV Cao su Chư Păh cho biết: “Hiện nay, cách duy nhất để khơi mương, vét máng làm cho nước thoát ra các hệ thống mương chính chỉ có thể thực hiện bằng thủ công. Cứ mỗi khi mùa mưa đến, chúng tôi đã chỉ đạo cho tổ trưởng, cán bộ kỹ thuật của nông trường cùng với người công nhân thường xuyên đi thực địa trong các lô nhằm phát hiện những nơi bị tắc, vướng do những vật cản hoặc rác do cây cỏ, cũng có thể do cát bồi làm cống bị tắ c… Người công nhân chỉ cần một thao tác nhỏ là dùng cuốc khơi những vật cản để thoát nước, do đó vườn cây những năm trở lại đây đã được cải thiện một cách đáng kể”.

Không riêng gì tại Cô ng ty TNHH MTV Cao su Chư Păh mà ở các đơn vị như Công ty TNHH MTV Cao su Chư Prông, Chư Sê công việc này cũng được các lãnh đạo nông trường quan tâm chú trọng. Trên vườn cây cao su, thỉnh thoảng chúng tôi vẫn bắt gặp những tốp công nhân vác cuốc đi trên lô tìm mọi ngóc ngách để khơi mương vét máng cho nước thoát, nhằm để cây cao su đứng vững trên vùng đất này.

Bài, ảnh: Văn Vĩnh