Phòng trừ bệnh trên cây cao su mùa mưa

CSVN – Như các loại cây trồng khác, cây cao su cũng bị nhiều loại bệnh hại tấn công. Bệnh hại gây ảnh hưởng xấu đến sinh trưởng và sản lượng của cây cao su làm giảm hiệu quả kinh doanh. Bắt đầu số báo này, Tạp chí CSVN giới thiệu bài viết của Tiến sĩ Nguyễn Anh Nghĩa – Trưởng bộ môn Bảo vệ Thực vật Viện Nghiên cứu Cao su VN về phòng trị bệnh hại cho cao su mùa mưa.

>> Cảnh báo nguy cơ lây lan bệnh Corynespora

Lá cao su bị nhiễm bệnh rụng lá Corynespora
Lá cao su bị nhiễm bệnh rụng lá Corynespora

Công tác phòng trị bệnh hại là một cấu thành không thể thiếu trong quá trình quản lý, chăm sóc và kinh doanh vườn cây. Mùa mưa là mùa có nhiều loại bệnh tấn công cây cao su vì điều kiện thời tiết khí hậu trong mùa mưa (ẩm độ, nhiệt độ cao) rất thuận lợi cho nhiều loài nấm bệnh phát sinh, phát triển. Bài viết sẽ giới thiệu biện pháp phòng trị một số bệnh phổ biến trong mùa mưa trên cây cao su bao gồm: Bệnh rụng lá Corynespora, nấm hồng, nứt vỏ do nấm Botryodiplodia, rụng lá mùa mưa, loét sọc mặt cạo, héo đen đầu lá và đốm mắt chim.

Bệnh rụng lá Corynespora do nấm Corynespora cassiicola gây ra. Bệnh gây hại đặc biệt nghiêm trọng trên các dòng vô tính (DVT) cao su mẫn cảm. Bệnh có thể gây rụng lá hàng loạt nhiều lần, làm giảm sinh trưởng, năng suất và đôi khi gây chết cây trên vườn kiến thiết cơ bản (KTCB) và kinh doanh. Bệnh tấn công cao su mọi lứa tuổi và có thể phát sinh phát triển quanh năm. Tuy nhiên từ thực tế trong những năm vừa qua cho thấy thời kỳ cao điểm bệnh là lúc chuyển mùa từ mùa khô sang mùa mưa và những giai đoạn chuyển từ mưa sang nắng hạn trong mùa mưa.

Triệu chứng xuất hiện trên lá, cuống lá và chồi với những triệu chứng khác nhau tùy thuộc vào tuổi lá và tính mẫn cảm của DVT. Trên lá vết bệnh có hình tròn màu xám đến nâu với viền vàng xung quanh, trung tâm vết bệnh đôi khi hình thành lỗ. Lá non bị hại xoăn lại biến dạng sau đó rụng toàn bộ. Một số DVT, lá bệnh có triệu chứng đặc trưng với vết màu đen dạng xương cá dọc theo gân lá. Nếu gặp điều kiện thuận lợi các vết lan rộng gây chết từng phần lá, sau đó toàn bộ lá đổi màu vàng – vàng cam và rụng từng lá một.

Trên chồi bệnh có vết nứt dọc theo chồi và cuống lá dạng hình thoi, có mủ rỉ ra sau đó hóa đen, vết bệnh có thể phát triển dài đến 20 cm gây chết chồi, chết cả cây. Trên gỗ có sọc đen chạy dọc theo vết bệnh. Trên cuống lá có vết nứt màu đen chiều dài 0,5 – 3,0 mm. Nếu cuống lá bị hại, toàn bộ lá chét bị rụng khi còn xanh dù không có một triệu chứng nào xuất hiện trên phiến lá.

Khi bệnh phát sinh, sử dụng một trong các công thức thuốc sau: hexaconazole (Anvil 5SC, Hexin 5SC, Saizole 5SC, Vivil 5SC) nồng độ 0,2 – 0,3%; hỗn hợp carbendazim (Vicarben 50SC, Carbenzim 500FL, Carbenvil 50SC) nồng độ 0,1-0,15% + hexaconazole nồng độ 0,1-0,15% (phối trộn theo tỷ lệ 1:1) hoặc các loại thuốc phối trộn sẵn carbendazim và hexaconazole (Vixazol 275SC, Arivit 250SC) nồng độ 0,2-0,3%. Pha phối hợp với chất bám dính BDNH 2000 nồng độ 0,2% (vườn ương, nhân, vườn năm 1), 0,3% (vườn năm 2-4), 0,5% (vườn năm 5 trở đi). Đối với vườn ương, nhân, phun ướt toàn bộ lá, chồi non, lưu ý phun mặt dưới lá.

Đối với vườn KTCB và kinh doanh, phun ướt toàn bộ tán lá, chồi non, lưu ý phun mặt dưới lá và phun tới ngọn. Phun vào buổi sáng sớm và ngưng khi trời bắt đầu nắng gắt, phun 3-4 lần với chu kỳ 7-10 ngày/lần. Vườn cây kinh doanh phải giảm cường độ hoặc ngừng thu hoạch mủ nếu bệnh nặng. Bón tăng lượng phân kali 25% so với quy trình để cây tăng sức chống chịu bệnh. Thường xuyên kiểm tra vườn cây, đặc biệt khi thời tiết chuyển từ mưa sang nắng hạn, vì đây là điều kiện thuận lợi để bệnh bùng phát trở lại. Kỳ sau: Bệnh nấm hồng và Bệnh nứt vỏ Botryodiplodia

TS. Nguyễn Anh Nghĩa

 ( Viện Nghiên cứu Cao su VN)

Kỳ sau: Bệnh nấm hồng và Bệnh nứt vỏ Botryodiplodia