Giải pháp đảm bảo năng suất, sản lượng cao và bền vững tại Cao su Phú Riềng (bài 2)

7 năm liên tục vững chân trong CLB 2 tấn/ha của VRG, Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, giải pháp về quản lý, bảo vệ sản phẩm đóng vai trò quan trọng.

Quản lý nguồn nhân lực và lao động

Công ty chú trọng đào tạo và bố trí đội ngũ cán bộ làm công tác kỹ thuật nông nghiệp đạt yêu cầu về chuyên môn và có kinh nghiệm thực tiễn. Hằng năm, công ty đều tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý cấp Tổ và đội ngũ làm công tác quản lý nông nghiệp trong toàn công ty.

Bên cạnh đó, công ty bố trí phần cây và lao động hợp lý nhằm đảm bảo thu nhập, đời sống cho NLĐ, đảm bảo thời gian cạo xong phần cây sớm để năng suất vườn cây đạt cao. Quan trọng nhất, công ty còn bố trí số cây cạo thích hợp tùy theo từng nhóm vườn cây: nhóm I từ 400 – 500 cây; nhóm II từ 280 – 320 cây; nhóm III từ 250 – 280 cây và nhóm tận thu từ 200 – 220 cây.

Ngoài ra, công ty tổ chức tuyển dụng nguồn nhân lực tại chỗ, có trình độ phù hợp mặt bằng dân trí khu vực, địa phương để đào tạo trở thành lực lượng công nhân kỹ thuật lành nghề, đảm bảo quy trình kỹ thuật, có khả năng xử lý tốt trên từng đường cạo để đạt năng suất cao ngay trên mỗi cây.

CN khai thác Cao su Phú Riềng
CN khai thác Cao su Phú Riềng
Hỗ trợ giải pháp kỹ thuật

Hàng năm vào tháng 11, công ty xây dựng chỉ tiêu sản lượng kế hoạch năm sau dựa trên phương pháp thống kê và cơ sở khoa học. Giao sớm đến đơn vị cơ sở để chủ động bàn bạc xây dựng biện pháp tổ chức thực hiện. Quá trình kiểm tra, theo dõi các diễn biến trong năm sẽ được điều chỉnh vào tháng 9. Nhờ biện pháp tổ chức này, công ty thực hiện điều chỉnh cân đối kế hoạch đến từng nông trường luôn đạt tính hợp lý.

Công tác quản lý kiểm tra kỹ thuật cạo mủ được triển khai chặt chẽ từ cấp công ty đến tổ sản xuất theo định kỳ: công ty kiểm tra 1 lần/tháng, nông trường kiểm tra 2 lần/tháng, cấp tổ 2 lần/tháng. Kết quả chấm điểm kỹ thuật hàng tháng của nông trường được sử dụng làm căn cứ để trả lương hàng tháng cho công nhân thu hoạch mủ. Có chế độ thưởng phạt thích đáng cho đội ngũ quản lý kỹ thuật và công nhân thu hoạch mủ. Nhờ có biện pháp gắn với thu nhập nên kết quả kỹ thuật các năm qua đều xếp loại giỏi với điểm trừ kiểm tra ở mức thấp.

Công tác quản lý thực hiện quy trình kỹ thuật vườn cây, nâng cao chất lượng tay nghề công nhân tác động rất lớn đến kết quả thu hoạch mủ và tạo ra năng suất cao, nên ngoài việc đào tạo tay nghề chuẩn khi bố trí phần cây, hằng năm công ty còn chỉ đạo tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng để nâng cao chất lượng tay nghề công nhân theo hướng đạt kỹ năng chuyên nghiệp. Nhiều đơn vị cơ sở thực hiện biện pháp quản lý đào tạo lại và bồi dưỡng tay nghề thường xuyên sau mỗi kỳ kiểm tra với quan điểm “yếu phần nào bồi dưỡng phần đó”. Biện pháp này giúp công nhân rèn luyện tay nghề thường xuyên nên chất lượng tay nghề công nhân ổn định.

Song song đó, công ty duy trì tổ chức luyện tay nghề, thi thợ giỏi từ cấp công ty đến tổ sản xuất định kỳ 2 năm/lần. Trên cơ sở phát động phong trào thi đua đã tạo khí thế hăng say lao động sản xuất, đẩy mạnh công tác thu hoạch mủ, quản lý tốt vườn cây kinh doanh và thực hiện hoàn thành kế hoạch sản lượng mủ hàng năm.

Quản lý bảo vệ vườn cây và sản phẩm

Đặc biệt, công ty luôn quan tâm và ưu tiên hàng đầu về tiền lương của công nhân. Cơ cấu tiền lương chiếm trên 60% giá thành sản xuất của công ty. Điều đó, thể hiện qua thu nhập thực tế của công nhân hàng năm luôn đạt mức cao thuộc tốp dẫn đầu Tập đoàn liên tục trong những năm qua.

Thực hiện chế độ tiền lương, đơn giá khác nhau đến từng đối tượng vườn cây, có chính sách khen thưởng, khuyến khích đối với sản phẩm mủ vượt kế hoạch hợp lý đến từng đơn vị, nhờ đó tạo ra sự phấn đấu và hăng hái thi đua lao động sản xuất trong CNVC-LĐ, tăng cường tính tự quản, đấu tranh, bảo vệ, không để sản phẩm thất thoát.

Công tác quản lý bảo vệ luôn được quan tâm đúng mức, đồng thời tổ chức lực lượng tự quản trong công nhân chặt chẽ, công tác giữ mủ qua đêm được triển khai ngay từ đầu mùa cạo. Công tác phối hợp với chính quyền địa phương các cấp từ thôn, ấp đến xã, huyện thông qua hoạt động của các tiểu ban chỉ huy thống nhất và các Ban chỉ huy thống nhất đã giúp cho tình hình an ninh trật tự của các nông trường được ổn định, giảm thiểu nạn trộm cắp, buôn bán mủ cao su trái phép, phá hoại vườn cây.

B.N