Khẳng định vị thế một ngành kinh tế mạnh

CSVN – Từ những hạt mầm ít ỏi trong khu vườn thực nghiệm cuối thế kỷ 19, đến nay nước ta đã có gần 1 triệu ha cao su trải rộng trên nhiều vùng miền của đất nước. Đến nay ngành cao su tự hào là một ngành có bề dày truyền thống, vẻ vang trong công cuộc đấu tranh, bảo vệ Tổ quốc và trở thành một trong những ngành nghề kinh tế mũi nhọn của đất nước.
Đến nay tròn 120 năm từ khi cây cao su di nhập vào Việt Nam.
Đến nay tròn 120 năm từ khi cây cao su di nhập vào Việt Nam.
Nguồn gốc cây cao su tại VN

Theo tài liệu lịch sử, từ năm 1884 trở về trước, những cây cao su được đưa lẻ tẻ vào nước ta, đã không để lại dấu vết. Phải đợi đến đợt nhập giống quy mô lớn do ông E.Raoul thực hiện năm 1897, mở đầu cho việc thực nghiệm cây cao su trên diện rộng, thì cây cao su mới chính thức thâm nhập vào VN.

Ông E.Raoul là một dược sỹ người Pháp vào Hải quân từ năm 1865. Trong các chuyến công du của mình, ông thường dành thời gian nghiên cứu thực vật chí của vùng nhiệt đới. Năm 1897, ông thực hiện một chuyến công du ở Viễn Đông và gởi giống cao su về cho ông G.Capus – Tổng giám đốc Nông nghiệp Đông Dương. Mọi người thống nhất với nhau rằng, chính ông E.Raoul là người đưa giống cao su vào VN năm 1897.

Dựa vào số giống do ông Raoul gửi về Sài Gòn, lúc bấy giờ nhà nước và tư nhân cùng tiến hành thử nghiệm trồng cao su. Việc thử nghiệm cao su của nhà nước là ở Trạm Ông Yệm (Bến Cát, Bình Dương), với 1.000 cây cao su con được giao cho Trạm và cùng một lúc với 200 cây chuyển cho Dr. A.Yersin.

Năm 1896, Dr. A.Yersin – Giám đốc Viện Pasteur Nha Trang thành lập đồn điền Suối Dầu, cách Nha Trang 20 cây số, với mong muốn tìm một loại cây trồng có thể vừa nuôi sống Suối Dầu, vừa cung cấp một phần kinh phí cho hoạt động của Viện Pasteur Nha Trang do ông sáng lập.

Bên cạnh thử nghiệm của nhà nước, tư nhân cũng bắt tay làm. Một trong hai cơ sở trồng cao su tư nhân ra đời sớm nhất của Nam bộ là tại đồn điền Phú Nhuận, hay còn gọi đồn điền Belland. Chủ sở là ông Belland – một thanh tra cảnh sát Trung ương ở Sài Gòn. Ông đã dùng tiền riêng mua hạt cao su về trồng thử nghiệm và rất thành công khi phát triển được 30 ha cao su.

Việc thực nghiệm cây cao su ở VN từ năm 1897 đến năm 1905 – 1906 kết thúc tốt đẹp. Công lao của những người đi đầu đã được xác nhận: Dr. A.Yersin và ông Vernet ở Suối Dầu, ông Belland ở Nam Kỳ. Nước Pháp đã tìm được một cây trồng để khai thác Đông Dương – một thuộc địa có nhiều tiềm năng.

Nhiều người cho rằng, thời kỳ phát triển cao su của VN bắt đầu từ năm 1907, lấy cái mốc là sự ra đời của Công ty Nông nghiệp Suzannah. Chính công ty Suzannah có trang trại ở Dầu Giây (Long Khánh, Đồng Nai) đã nổ tiếng pháo lệnh mở đường cho ngành cao su VN tiến lên.

Mốc son Phú Riềng Đỏ

Từ năm 1897, sớm thấy giá trị kinh tế của cây cao su, sau thời gian nghiên cứu trồng thử nghiệm, cây cao su chính thức di nhập vào VN và được xem là một cây công nghiệp chiến lược của thực dân Pháp tại các nước thuộc địa. Đặc biệt, từ sau chiến tranh thế giới lần thứ I, để bù đắp những thiệt hại to lớn của chính quốc, thực dân Pháp đã đẩy nhanh quá trình chiếm đất, mở rộng diện tích trồng cao su tại nước ta.

Song song với quá trình đó, đội ngũ công nhân (CN) làm cao su cũng bắt đầu xuất hiện từ 3.634 người năm 1925 tăng lên 17.606 người vào năm 1927. Vào lúc cao nhất, tổng số CN làm việc tại các đồn điền cao su lên đến 71.740 người.

Tình cảnh của họ khi bước chân vào đồn điền cao su hết sức tối tăm. Họ bị bọn chủ tư bản cấu kết với chính quyền thực dân, phong kiến bóc lột đến tận xương tủy. Tình cảnh đó được nhà thơ Tố Hữu khắc họa hết sức chân thật và súc tích: “Cha trốn ra Hòn Gai cuốc mỏ/Anh chạy vào đất đỏ làm phu/Bán thân đổi mấy đồng xu/Thịt xương vùi gốc cao su mấy tầng”.

Tượng đài Phú Riềng Đỏ - nơi ghi dấu ấn của phong trào đấu tranh công nhân cao su.
Tượng đài Phú Riềng Đỏ – nơi ghi dấu ấn của phong trào đấu tranh công nhân cao su.

Hơn một thế kỷ qua, ngành cao su đã trải bao thăng trầm biến đổi của lịch sử. Với CBCNV-LĐ ngành cao su, sự thay đổi cơ bản nhất đó là từ thân phận kẻ làm thuê nhọc nhằn, lớp lớp công tra đã vùng lên đấu tranh chống áp bức, hòa vào dòng chảy lịch sử để tự giải phóng và trở thành người làm chủ vận mệnh của mình.

Trong dòng chảy lịch sử ấy, có một sự kiện đã trở thành mốc son lịch sử, là tiền đề hình thành nên ngày truyền thống ngành cao su VN hôm nay: Đó là vào đêm 28/10/1929, tại Làng 3 của Đồn điền Cao su Phú Riềng, Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng đầu tiên ở miền Đông Nam bộ được thành lập với sự chỉ đạo của đồng chí Ngô Gia Tự. Chi bộ gồm 6 thành viên, do đồng chí Nguyễn Xuân Cừ làm Bí thư.

Sự kiện thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng đầu tiên ở miền Đông Nam bộ đánh dấu một mốc son lịch sử của ngành cao su VN. Từ chiếc nôi “Phú Riềng Đỏ” đã ươm mầm, giáo dục và rèn luyện nên biết bao tấm gương đấu tranh bất khuất, hy sinh kiên cường của thế hệ công nhân cao su, làm rạng danh những trang sử truyền thống vẻ vang của ngành cao su VN trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Trong 2 cuộc đấu tranh trường kỳ của dân tộc, các đồn điền cao su vừa là tiền tuyến, vừa là hậu phương cung cấp nhân tài, vật lực; vừa nuôi dưỡng, che giấu cán bộ… Trên mỗi chặng đường máu lửa ấy, nhiều CN cao su đã không tiếc máu xương cùng với quân dân cả nước tạo nên nhiều chiến công hiển hách, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử 30 tháng 4 năm 1975.

Viết tiếp trang sử vẻ vang

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ngành cao su tiếp quản một gia sản gần như khánh kiệt. Để khôi phục sản xuất, đội ngũ CN cao su đã nỗ lực rất lớn, với những cố gắng vượt bậc, đến cuối năm 1976, vườn cây, nhà máy của ngành cao su từng bước hoạt động có hiệu quả.

: Kim ngạch xuất khẩu mặt hàng cao su từ năm 2006 đến nay luôn đạt trên 1 tỷ USD.
Kim ngạch xuất khẩu mặt hàng cao su từ năm 2006 đến nay luôn đạt trên 1 tỷ USD.

Giai đoạn năm 1981 – 1986, kinh tế đất nước trong thời kỳ khủng hoảng, đời sống của CNLĐ còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Song cũng trong giai đoạn này, các thế hệ cha anh ngày ấy đã tiếp tục phát huy truyền thống, khắc phục mọi trở ngại để phát triển và mở rộng diện tích cao su nhiều nhất, với sự hỗ trợ của Chính phủ bằng nguồn vốn hợp tác quốc tế với Liên Xô và các nước Đông Âu.

Khi cả nước bắt tay vào công cuộc đổi mới, bằng quyết tâm cao và với phương châm “gà mẹ đẻ gà con”, lãnh đạo ngành đã quyết định đẩy mạnh trồng cao su trên vùng đất Tây Nguyên. Với chủ trương đúng đắn đó, chúng ta đã khơi dậy tiềm năng của một vùng đất đỏ ba-zan bạt ngàn và giàu đẹp.

Từ năm 2006 đến nay, ngành cao su tiếp tục phát huy tính chủ động sáng tạo, tập trung mọi nguồn lực để tăng tốc. Đến nay, ngành cao su VN đã có gần 1 triệu ha cao su, trong đó VRG quản lý trên 400.000 ha cao su ở trong và ngoài nước. Cây cao su không chỉ khẳng định tính hiệu quả ở khu vực Đông Nam bộ, Tây Nguyên mà còn vươn ra các tỉnh Duyên hải miền Trung; phủ xanh các đồi núi trọc ở các tỉnh miền núi phía Bắc và vươn sang đất bạn Lào, Campuchia.

Không chỉ đóng góp về giá trị kinh tế, các doanh nghiệp ngành cao su còn đóng góp quan trọng vào công tác an sinh xã hội, thúc đẩy phát triển nông thôn mới, góp phần củng cố, giữ vững quốc phòng an ninh.

Nhằm ghi nhận công lao đóng góp to lớn, bền bỉ của nhiều thế hệ lãnh đạo, CB.CNVC-LĐ ngành cao su VN, năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã trao tặng Huân chương Sao Vàng – Huân chương cao quý nhất của Đảng và Nhà nước VN cho VRG. Đây là niềm vinh dự to lớn đối với các thế hệ CB.CNVC-LĐ ngành cao su VN.

PV