CSVN – “Gia đình tôi rất tự hào khi là gia đình truyền thống 4 thế hệ làm công nhân (CN) cao su. Nhờ sự tiếp nối giá trị truyền thống ấy, gia đình tôi có được như ngày hôm nay. Bây giờ nhìn gia đình các con đều ổn định cuộc sống, phận làm cha làm mẹ như chúng tôi rất vui mừng” – Đó là chia sẻ của bác Nguyễn Văn Điệu, nguyên là CN Đội Cơ khí của NT Bố Lá, Công ty CPCS Phước Hòa.
Gia đình bác Điệu là một trong 85 gia đình truyền thống 3 – 4 thế hệ được VRG vinh danh nhân dịp kỷ niệm 85 năm ngày truyền thống ngành cao su. Công ty CPCS Phước Hòa cũng là đơn vị có khá nhiều gia đình truyền thống, chỉ tính riêng Nhà máy chế biến Cua Paris – nơi chị Nguyễn Thị Kiều Loan, con gái của bác Điệu đang công tác cũng có rất nhiều gia đình 3 – 4 thế hệ gắn bó với ngành.
Gia đình bác là gia đình tiêu biểu được chọn để vinh danh cấp Tập đoàn. Quê gốc ở đất Bình Dương, từ đời ông cố ngoại, ông bà ngoại, ba mẹ và hiện nay là chị em của chị Loan đều có những đóng góp với ngành cao su. Cũng bởi gắn bó với mảnh đất này, gắn bó với ngành cao su nên khi lập gia đình, chị cũng “lôi kéo” được ông xã là anh Võ Văn Tùng về đây. Vậy là từ đó, gia đình chị có thêm một thành viên chính thức nối nghiệp giá trị truyền thống.
Trong hồi ức của bác Điệu thì: “Thời gian đầu vợ chồng tôi từ Bình Dương lên đây vào làm tại Công ty CPCS Phước Hòa, giai đoạn nào cũng có những khó khăn thuận lợi nhất định. Nhưng rồi, công việc cứ cuốn đi và dần dần cả gia đình đều sống quen với nếp sống khi làm trong ngành cao su. Trước đây lương thấp nhưng về sau chi trả tính theo sản phẩm thì khấm khá hơn. Hai vợ chồng tôi chỉ có thu nhập từ làm CN cao su, nhờ đồng lương ấy mà nuôi được năm người con khôn lớn. Tôi thấy, ở đây làm trong ngành cao su rất tốt và ổn định, vậy nên các con tôi, trừ người lập gia đình ở xa, còn lại tôi đều định hướng các con vào làm trong ngành cao su”.
Chị Loan tiếp lời: “Tôi làm CN tại nhà máy cũng được 24 năm rồi, 18 tuổi đã gắn bó với công việc này. Trong suốt thời gian đó có rất nhiều người thay đổi công việc nhưng bản thân tôi và mọi người trong gia đình đều chưa từng có ý nghĩ đó. Vào thời điểm cao su rụng lá, người CN nghỉ cạo thì bên nhà máy cũng được nghỉ, tranh thủ thời gian nghỉ tôi đi làm khu công nghiệp để kiếm thêm thu nhập. Làm rồi mới biết không đâu hơn công việc mình đang làm. Khu công nghiệp thì rất gò bó, vất vả lắm, cứ làm hoài từ lúc vào cho đến lúc hết giờ chứ không được thoải mái như làm CN cao su. Cũng xác định là ngành nghề nào cũng có đặc trưng riêng, từ thời ông cố ngoại, ông bà ngoại, ba mẹ và đến giờ là chị em tôi đã làm CN cao su rồi, đó là nề nếp, nên sẽ làm đến lúc nào đến tuổi nghỉ hưu thì thôi”.
Làm quen, gắn bó và yêu công việc, ngày ngày các thành viên trong gia đình chị vẫn hăng say với ngành, với nghề. Như chị lý giải: “Để nói tại sao yêu công việc thì khó mà giải thích rõ ràng lắm, chỉ biết rằng các thế hệ đều đã gắn bó, tôi cũng sẽ tiếp tục với nghề của cha ông”. Vào thăm ngôi nhà giản dị của vợ chồng bác Điệu, hình ảnh đầu tiên mọi người nhìn thấy đó là Bằng khen vinh danh gia đình 4 thế hệ gắn bó với ngành được treo ở vị trí trang trọng.
Trong suốt buổi trò chuyện, vợ chồng bác rất vui vẻ và phấn khởi khi nói về các thế hệ trong gia đình. Với bác, đó là sự tự hào, là hạnh phúc vì: “Không chỉ riêng gia đình tôi mà nhiều gia đình ở đây đều gắn bó và nhận được nhiều chế độ, ưu đãi của ngành cao su. Ngành cao su nghĩa tình, luôn có trước có sau và quan tâm đến CBCNVC – LĐ trong mọi hoàn cảnh, đặc biệt là sự tri ân công lao đóng góp của các thế hệ đi trước với ngành. Chúng tôi rất cảm ơn ngành cao su”.
Quỳnh Mai. Ảnh: Ân Châu
Related posts:
- Thành công nhờ tâm huyết và sáng tạo
- Dấu ấn các hoạt động vinh danh người lao động
- Cô “Công nhân Cao su Việt Nam ưu tú” tâm huyết với ngành
- Thợ giỏi "Sao vuông" ở cao su Phú Riềng
- Nữ công nhân điển hình học và làm theo Bác
- Lương Duy Đức - Sáng kiến tận thu từng giọt mủ
- Lợi nhuận khổng lồ từ các đồn điền cao su
- "Phải chỉn chu trong từng đường cạo”
- "Hãy mang sức trẻ vào công việc"
- Tình cảnh đời sống của công nhân đồn điền cao su